Kinh tế Trung Quốc giảm tốc cùng với phá giá nhân dân tệ, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ. Những biến động này năm 1994 từng là nguyên nhân đẩy châu Á vào khủng hoảng tài chính.

Lịch sử đang lặp lại khi cùng lúc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, Fed sắp nâng lãi suất, nhưng hệ quả lần này có thể sẽ khác. Bởi lẽ, hiện nay, các nền kinh tế châu Á đã có cán cân tài khoản vãng lai mạnh hơn, tài khóa vững hơn, dự trữ ngoại hối đủ để đối phó với biến động bên ngoài.

Tuy nhiên, rủi ro đang gia tăng khi mà Trung Quốc hôm 11/8 bất ngờ phá giá nhân dân tệ khiến hàng loạt quốc gia từ Việt Nam đến Kazakhstan phải điều chỉnh tỷ giá nội tệ, đồng thời đe dọa tăng trưởng của những nền kinh tế mới nổi đang trong thế mong manh từ Brazil tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Động thái phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc diễn ra cùng lúc với sự giảm tốc mạnh của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất châu Á này, cũng như giữa lúc giá hàng hóa lao dốc ảnh hưởng đến các quốc gia từ Brazil tới Australia, Malaysia và Nam Phi.

Tăng sức cạnh tranh nhờ nhân dân tệ mất giá, hiện các công ty Trung Quốc đang đe dọa xuất khẩu của các nước châu Á và thị trường mới nổi nhất là khi Fed chuẩn bị tăng lãi suất.

Stephen Jen, nhà đồng sáng lập quỹ đầu cơ SLJ Marco Partners LLP nhận định: “Một cơn bão lớn có thể sẽ ập đến ở những quốc gia như Brazil và Nam Phi. Nhưng tôi cho rằng sẽ không có một cuộc khủng hoảng tài chính hay những thời kỳ căng thẳng ở châu Á. Nguyên nhân chính là bởi cuộc khủng hoảng 1997 đã làm sạch hệ thống tài chính của châu Á và tính bền vững của châu Á đã được cải thiện”.

Theo dự báo của Bank of America Merrill Lynch, nhân dân tệ sẽ xuống 6,5 nhân dân tệ/USD vào cuối năm nay và giảm tiếp về 6,9 nhân dân tệ/USD vào cuối 2016, hay nghĩa là nhân dân tệ sẽ còn mất 10% giá trị. Chuyên gia Jen ước tính, Trung Quốc phá giá 10% thì các nước trong khu vực châu Á sẽ phải điều chỉnh tỷ giá 5-20%.

Chuyên gia kinh tế Shweta Singh  tại Viện nghiên cứu Lombard cho rằng, tại châu Á, Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc và Malaysia có vẻ như là những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quyết định phát giá của Trung Quốc, trong khi ở châu Âu là Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, châu Á sẽ không rơi vào khủng hoảng tài chính vì Trung Quốc phá giá nhân dân tệ.

Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế tại ANZ hận định, Trung Quốc phá giá nhân dân tệ những năm 1994, khi đó châu Á bộc lộ nhiều vấn đề cho thấy nguy cơ một khủng hoảng thực sự. Tuy nhiên, đến nay, điều quan trọng là các đồng tiền châu Á không còn neo tỷ giá với USD, hiện châu Á có tiềm lực lớn hơn để có thể thích nghi với biến động của thị trường.

Hơn nữa, việc Fed nâng lãi suất sắp tới cũng không giống như năm 1994. Credit Suisse  cho rằng, lần này nếu nâng lãi suất, Fed sẽ chỉ nâng ở mức độ từ từ thay vì nâng mạnh đột ngột như trước kia do kinh tế toàn cầu đang chững lãi và USD mạnh lên hiện nay cũng là mối đe dọa với chính kinh tế Mỹ.
Minh Phương
Theo Bloomberg