Trong cả quý III/2015, MSCI toàn cầu giảm 9,9% với các chỉ số chứng khoán lớn trên toàn thế giới giảm ít nhất 10% kể từ tháng 7/2015 do lo ngại về sức khỏe kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên chốt phiên 30/9, các chỉ số tại nhiều thị trường lớn bắt đầu phục hồi sau đợt bán tháo đầu tuần với MSCI toàn cầu tăng 2,1%.

Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 và Dow Jones lần lượt tăng 1,47% và 1,91%. Chỉ số Nasdaq cũng giảm 2,28% với tổng 8,52 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ.

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh khi giới đầu tư lợi dụng thời điểm báo tháo để mua cổ phiếu của một số doanh nghiệp lớn và cổ phiếu công nghệ sinh học phục hồi.

Tuy nhiên, đây vẫn là quý giảm mạnh nhất của thị trường chứng khoán Mỹ trong 4 năm qua với Dow Jones giảm 7,6%, S&P 500 giảm 6,9% và Nasdaq giảm 7,4%.

Tương tự, thị trường chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm trong phiên 30/9 nhưng vẫn chốt quý giảm mạnh nhất kể từ năm 2011.

Chốt phiên 30/9, chỉ số FTSEurofirst 300 tăng 2,56% và Euro STOXX 50 tăng 2,34% nhờ động thái giảm một nửa thuế đối với loại ôtô nhỏ của Trung Quốc. Giá cổ phiếu tại châu Âu tiếp tục tăng sau báo cáo cho thấy, giá tiêu dùng tại Eurozone tiếp tục giảm trong tháng 9. Tin tức này được cho là sẽ thúc đẩy ECB mở rộng gói nới lỏng định lượng để thúc đẩy lạm phát.

Trong cả quý III/2015, FTSEurofirst 300 giảm hơn 9% và là quý giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng của khu vực năm 2011.  

Tại châu Á, thị trường chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc cũng đồng loạt phục hồi với chỉ số Nikkei tăng 2,7% và Shanghai Composite tăng 0,5%. Quý III/2015, cả hai đều là những thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất trong số các nước phát triển.

Tuần này, giới đầu tư sẽ tiếp tục đánh giá các báo cáo kinh tế Mỹ và Trung Quốc để lấy tín hiệu giao dịch.

Nguyễn Dung

Theo Reuters