Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 ghi nhận đợt tăng điểm dài nhất trong năm 2015 nhờ giá dầu tăng và USD giảm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,8% trong phiên 5/10 với cổ phiếu của cả 10 lĩnh vực chính đồng tăng giá. Đặc biệt, cổ phiếu năng lượng tăng 2,9% nhờ giá dầu thô tại Mỹ tăng 1,5%.

Ngoài ra chỉ số Dow Jones tăng 1,85% và Nasdaq tăng 1,56% với 7,86 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn giao dịch của Mỹ.

Sau báo cáo việc làm tháng 9, thị trường Mỹ được dự báo sẽ sôi động hơn khi các doanh nghiệp bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý III/2015. Đây là thời điểm để giới đầu tư quyết định mua/bán cổ phiếu.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei và Topix lần lượt tăng 1,6% lên cao nhất kể từ ngày 18/9 và tăng 1,3%. Thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng điểm nhờ những đồn đoán xung quanh thời điểm Fed nâng lãi suất lắng dịu và đàm phán TPP kết thúc thành công.

Trong khi đó, chỉ số MSCI Thị trường mới nổi cũng tăng 2,1%, ghi nhận phiên tăng điểm thứ 4 lên tiếp.

Tại châu Âu, cổ phiếu của các hãng sản xuất hàng hóa tăng đã đẩy chỉ số Stoxx 600 tăng 3% - mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 27/8. Ngoài ra, chỉ số FTSEurofirst 300 cũng tăng 3%. Cũng giống như thị trường Mỹ, giới đầu tư châu Âu tăng cường đầu tư vào các tài sản rủi ro trước đồn đoán ECB sẽ tăng cường kích thích vì kinh tế khu vực có dấu hiệu suy yếu với chỉ số PMI dịch vụ tăng trưởng ở tốc độ chậm nhất 4 tháng.

Một số mã cổ phiếu từng là gánh nặng lớn đối với thị trường châu Âu, như Glencore hay Volkswagen cũng dần phục hồi, lần lượt tăng 2,1% và 1,3%.

Ngoài ra, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc và Hang Seng của Hong Kong cũng lần lượt tăng 0,48% và 1,62%.

Nguyễn Dung

Theo Reuters, Bloomberg