Chỉ số MSCI toàn cầu giảm 0,3%.

Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 và Dow Jones đồng giảm 0,4% trong khi Nasdaq giảm 0,3% với khoảng 5,4 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ.

Có 9 trong 10 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 giảm giá, trong đó giảm mạnh nhất là cổ phiếu năng lượng và vật liệu thô. Cổ phiếu năng lượng giảm chủ yếu do giá dầu thô giảm hơn 1% với giá dầu WTI xuống 43,88 USD/thùng.

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm do thị trường giữ tâm lý thận trọng trước cuộc họp của Fed và những lo ngại xung quanh kinh tế Trung Quốc. Theo đó, FTSEurofirst 300 giảm 0,5%.

Tại châu Á, thị trường Nhật Bản và Trung Quốc cũng đồng loạt giảm mạnh, trong đó chứng khoán Trung Quốc ghi nhận phiên giảm mạnh nhất 3 tuần. Lần lượt, chỉ số Nikkei và Shanghai Composite giảm 1,6% và 2,67%.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm do sản lượng công nghiệp tháng 8 không đạt kỳ vọng, và đầu tư vào tài sản cố định 8 tháng đầu năm tăng chậm nhất từ năm 2000. Ngoài ra, cổ phiếu tại Nhật Bản cũng giảm giá do số liệu kinh tế yếu ớt.

Hiện tại trên thị trường, vẫn có nhiều đồn đoán trái chiều về quyết sách sắp tới của Mỹ. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia và các tổ chức tài chính uy tín, Fed không nên tăng lãi suất trong tháng 9 do biến động gần đây trên thị trường tài chính toàn cầu và những tín hiệu không đồng nhất từ kinh tế Mỹ.

Trước đó, Fed cũng từng tuyên bố sẽ nâng lãi suất khi nhận thấy những dấu hiệu phục hồi bền vững của inh tế Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực việc làm và lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát tại Mỹ vẫn đang thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed do giá cả hàng hóa lao dốc.

Ngày 17/9, Fed sẽ đưa ra chính sách tháng 9 sau 2 ngày họp liên tục. Dự báo, đây sẽ là cuộc họp gay gắt nhất từ trước đến nay khi các nhà hoạch định chính sách bàn về thời điểm nâng lãi suất. 

Nguyễn Dung

Theo Reuters