Theo tờ
Wall Street Journal, nhiều thống đốc nói rằng việc FED hoãn tăng lãi suất càng làm gia tăng thêm mức độ bất ổn thay vì kiềm chế bất ổn. Chẳng hạn, các nhà hoạch định chính sách của Australia dự báo thị trường toàn cầu sẽ biến động nhiều hơn trong thời gian tới do quyết định của FED, đồng thời hối thúc FED xem xét ảnh hưởng của quyết định này đối với các thị trường mới nổi.
“Đang tồn tại một mức độ bất ổn không thể giảm xuống. Bởi vậy, có khả năng thị trường tài chính sẽ biến động mạnh hơn ở một thời điểm nào đó”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) Glenn Stevens phát biểu trong một phiên điều trần trước Quốc hội nước này ngày 18/9.
Với quan điểm tương tự, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Mira Adityaswara nhắc lại lập trường trước đó rằng
FED càng tăng lãi suất sớm bao nhiêu thì càng tốt cho các thị trường mới nổi bấy nhiêu.
Một động thái tăng lãi suất của FED sẽ “tạo ra sự ổn định ở các thị trường mới nổi để chúng tôi có thể tiếp tục phát triển và cải cách nền kinh tế của mình”, ông Adityaswara nói. “Rất khó để triển khai các cải cách kinh tế nếu hệ thống tiền tệ liên tục biến động”.
Tại Seoul, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Lee Ju-yeol phát biểu với lãnh đạo các ngân hàng thương mại nước này rằng “thị trường ghét sự bất ổn, nhưng bất ổn vẫn còn đó”.
Phản ứng thể hiện sự lo ngại này của các thống đốc ngân hàng trung ương châu Á được đưa ra bất chấp nhiều người tin việc FED tăng lãi suất sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư rút vốn mạnh khỏi các nền kinh tế mới nổi trong khu vực. Nhiều nhà đầu tư cho rằng FED vẫn sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006 trong năm nay, khiến gia tăng áp lực lên các nền kinh tế đang phát triển mà trong nhiều trường hợp vốn đã chật vật với tăng trưởng giảm tốc, nợ cao, và nhu cầu hàng hóa cơ bản giảm sút.
Tuy vậy, cũng có một số nhà hoạch định chính sách tiền tệ của châu Á ủng hộ quyết định của FED.
Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) từ chối bình luận về việc FED hoãn tăng lãi suất. Nhưng theo các chuyên gia, sự trì hoãn này của ngân hàng trung ương Mỹ có thể được xem như một sự trấn an đối với BoJ trong bối cảnh kinh tế Nhật chịu tác động mạnh từ sự giảm tốc tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi.
Những tuyên bố trước đây của Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda khiến giới đầu tư có cảm giác rằng ông muốn FED tăng lãi suất sớm. Tuy nhiên, một số nguồn tin thân cận cho biết, nhiều quan chức cấp cao của BoJ không muốn điều này xảy ra. Các quan chức BoJ này cho rằng không có lý do thuyết phục nào để FED tăng lãi suất, bởi rủi ro lạm phát ở mức thấp và nguy cơ gây hại cho cả kinh tế Mỹ lẫn các nền kinh tế mới nổi.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines Amando Tetangco thì cho rằng các nền kinh tế mới nổi có các yếu tố kinh tế nền tảng vững vàng sẽ được lợi từ quyết định của FED. Theo ông Tetangco, tâm điểm chú ý thời gian tới sẽ hướng tới hành động của các nhà nhà hoạch định chính sách tiền tệ Trung Quốc nhằm giải quyết sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế nước này.
Mặc dù vậy, ông Tetangco cũng cho rằng FED lẽ ra có thể tăng nhẹ lãi suất để “thị trường không còn băn khoăn về vấn đề này nữa”.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) không đưa ra tuyên bố nào sau cuộc họp của FED. Tuy vậy, tuần này,
Trung Quốc đã nỗ lực trấn an thị trường rằng cho dù FED có tăng lãi suất thì việc đó cũng sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống tài chính của Trung Quốc.
Hôm thứ Năm, trước khi FED kết thúc họp, ông Wang Yungui, một quan chức của cơ quan quản lý ngoại hối Trung Quốc nói một động thái tăng lãi suất của FED có thể gây sức ép lên tỷ giá đồng Nhân dân tệ, nhưng khó có khả năng dẫn tới việc các đồng vốn tháo chạy mạnh khỏi Trung Quốc.
Ông Wang nói thặng dư thương mại lớn và mức tăng trưởng kinh tế khoảng 7% của Trung Quốc là cao so với tiêu chuẩn toàn cầu, giúp nước này thu hút các nhà đầu tư.
Cho dù gần đây thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm điểm mạnh và PBoC phải phá giá đồng Nhân dân tệ để hỗ trợ tăng trưởng, các chuyên gia kinh tế tin rằng Trung Quốc chính là nước có khả năng lớn nhất trong số các thị trường mới nổi trong việc ứng phó với một động thái tăng lãi suất của Mỹ. Khả năng này có được là nhờ dự trữ ngoại hối 3,6 nghìn tỷ USD của Trung Quốc.
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của các nền kinh tế nhỏ hơn tỏ ra lo lắng hơn.
“Các nước mới nổi cần sự ổn định thị trường tài chính để vận hành nền kinh tế của mình một cách trơn tru. Khi đó, các ngân hàng mới cho vay trở lại, các công ty mới tự tin mở rộng kinh doanh”, Thống đốc Adityaswara của Indonesia phát biểu.
“Từ năm 2013 đến nay, nhân tố chính ảnh hưởng tới sự ổn định thị trường tài chính ở các nền kinh tế mới nổi chính là việc không biết lúc nào thì FED tăng lãi suất”, ông Adityaswara nói.
An Huy
Theo Vn Economy