Thị trường đang hướng sự chú ý đến cuộc họp chính sách vào này 16-17/9 tới của Fed. Sở dĩ điều này là bởi đây là 1 trong 3 phiên họp chính sách cuối cùng của Fed trong năm nay sau khi Chủ tịch Fed Janet Yellen nhiều lần phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất trong năm nay.
Kế hoạch của Fed được củng cố bởi những tín hiệu tích cực từ đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp tháng 8 ở mức 5,1%, thấp nhất kể từ năm 2008.
Tuy nhiên, những biến động gần đây của thị trường tài chính toàn cầu làm dấy lên lo ngại một đợt tăng lãi suất của Mỹ sẽ khiến thị trường bất ổn hơn nữa.
Tại cuộc họp G20 tuần trước tại Thổ Nhĩ Kỳ, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, Fed tăng lãi suất có thể làm hủy hoại đà phục hồi vốn mong manh của kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, World Bank cho rằng, Fed tăng lãi suất có thể tạo cú sốc và kéo các thị trường mới nổi rơi vào khủng hoảng.
Chuyên gia kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz cho rằng, các yếu tố kinh tế toàn cầu sẽ khiến lạm phát giảm. Thực tế, lạm phát lõi của Mỹ trung bình thấp hơn 1,5%,thấp hơn mục tiêu 2% mà Fed đề ra.
Do đó, Fed có lý do để hoãn tăng lãi suất khi lạm phát thấp, USD tăng ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu và hạn chế đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Tăng lãi suất cũng là tín hiệu xấu với các thị trường mới nổi. Khi USD mạnh lên, nhà đầu tư có xu hướng rút tiền khỏi các thị trường mới nổi, đầu tư vào Mỹ. Nếu USD duy trì đà tăng trong thời gian dài, nợ bằng USD của các thị trường mới nổi cũng chịu tác động nghiêm trọng.
Theo số liệu của Ngân hàng thanh toán quốc tế, nợ của các thị trường mới nổi đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua lên khoảng 4.500 tỷ USD. Điều này có nghĩa là khi nội tệ mất giá do dòng vốn bốc hơi sẽ tăng gánh nặng nợ nần của các thị trường này.
Các nước như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Nam Phi và Nga sẽ đối mặt với các điều kiện kinh tế khó khăn do chi phí lãi vay cao. Các nước xuất khẩu hàng hóa như Brazil, Nga và Nam Phi đối mặt với nguy cơ lớn hơn khi cùng lúc USD mạnh lên và kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Hơn nữa, các doanh nghiệp, ngân hàng vay nợ USD có thể đối mặt sức ép gia tăng nếu không có tăng trưởng doanh thu hay tài sản tương xứng.
Tuy nhiên, mặt tích cực của tăng lãi suất là sẽ chấm dứt tình trạng đồn đoán, bất định về động thái của Fed vốn khiến thị trường bấp bênh thời gian qua. Mặt khác, hoãn nâng lãi suất do kinh tế toàn cầu biến động có thể làm giảm niềm tin vào đà phục hồi cũng như khả năng bình thường hóa chính sách của giới hoạch định tài chính.
Trong khi đó, tạp chí US Money News mới đây đăng tải một bài bình luận cho rằng, 3 lĩnh vực sẽ được hưởng lợi từ quyết định tăng lãi suất của Fed gồm ngành tiêu dùng, tài chính và công nghệ.
Theo bài báo này, các công ty như doanh nghiệp sản xuất ô tô, kinh doanh casino, kinh doanh bất động sản căn hộ, các hãng bán lẻ sẽ hưởng lợi nhờ đà phục hồi kinh tế kéo theo sự đảm bảo về công việc, tăng trưởng lương cao hơn do đó cũng khiến chi tiêu tiêu dùng tăng.
Ngành tài chính cũng được cho sẽ hưởng lợi từ việc Fed tăng lãi suất là bởi nhờ năng lực cho vay được cải thiện, nhu cầu vay tăng, các ngân hàng sẽ có lợi nhuận cao hơn khi lãi suất tăng.
Các công ty bảo hiểm đầu tư tiền phí bảo hiểm của khách hàng với mục đích có đủ khả năng để thanh toán khi có thiệt hại xảy ra và thu về lợi nhuận, bởi vậy họ không hài lòng nếu lãi suất vẫn mãi ở mức 0 như hiện nay. Tuy nhiên, điều này sắp thay đổi, lãi suất sẽ được nâng lên, cho dù chậm đến mức nào đi nữa, Douglas Meyer, chuyên gia phân tích tại Fitch Ratings nhận định.
Đối với lĩnh vực công nghệ, lãi suất tăng đồng nghĩa nền kinh tế đang phục hồi dẫn đến chi tiêu cho công nghệ của doanh nghiệp tăng. Hay nói cách khác, các doanh nghiệp công nghệ được hưởng lợi nếu Fed tăng lãi suất.
US Money News cũng chỉ ra, Fed tăng lãi suất sẽ khiến thị trường chứng khoán biến động hơn mức độ những năm gần đây. Tuy nhiên, ít nhất trong năm 2015, mức độ và số lần tăng lãi suất của Fed sẽ tương đối hạn chế, chỉ khoảng 1-2 lần. Tuy nhiên, tất cả chỉ có thể quyết định tại cuộc họp vào ngày 16-17/9 tới của Fed.
Minh Phương
Theo Sunday Times, US Money News