Cách đây 1 năm, cổ phiếu của tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba được giới đầu tư xem như một tài sản chắc chắn. Khi đó, Alibaba tiến hành vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất trong lịch sử và cổ phiếu này bán chạy “như tôm tươi”.
Với niềm tin của giới đầu tư vào triển vọng kinh tế và tiêu dùng ở Trung Quốc, cổ phiếu của Alibaba tăng giá 76% chỉ trong vòng có 2 tháng sau vụ IPO đình đám.
Nhưng rồi cổ phiếu Alibaba đã quay đầu rớt giá không lâu sau đó khi một loạt diễn biến bất lợi ập đến với “đế chế” thương mại điện tử này. Alibaba bị cơ quan chức năng Trung Quốc tăng cường giám sát chống hàng giả, nhái; phải thay Giám đốc điều hành (CEO) do tăng trưởng doanh thu chậm lại; và nhất là nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh.
Giá cổ phiếu Alibaba cứ giảm, giảm, và giảm, về mức giá IPO, rồi xuống dưới mức giá này. Giới đầu tư “vỡ mộng” khi giá cổ phiếu công ty này cứ “bốc hơi” từng ngày.
Giá trị vốn hóa của Alibaba hiện đã tụt 128 tỷ USD và hầu như không có triển vọng sớm hồi phục. Nhà phân tích James Cordwell của Atlantic Equities dự báo nền kinh tế giảm tốc của Trung Quốc sẽ tiếp tục khiến tăng trưởng của lĩnh vực thương mại điện tử ở nước này chậm lại cho tới ít nhất năm 2016.
Chủ tịch kiêm nhà đồng sáng lập Alibaba, tỷ phú Jack Ma, vốn là người không “chiều chuộng” các nhà đầu tư. Trong một lá thư dịp IPO, Jack Ma nói “thẳng băng” là cổ đông sẽ chỉ giữ vị trí ưu tiên thứ ba đối với Alibaba sau khách hàng và nhân viên. Jack Ma không muốn các biến động thị trường ngắn hạn gây ảnh hưởng đến chiến lược dài hạn của tập đoàn.
Trên thực tế, nhiều vấn đề mà Alibaba gặp phải xuất phát từ nền kinh tế Trung Quốc, việc mà công ty không thể kiểm soát.
Một số thương vụ trong số các thương vụ có tổng trị giá 15 tỷ USD mà Alibaba công bố cũng khiến giới đầu tư băn khoăn. Nhiều thương vụ trong số này có mục tiêu chiến lược rõ ràng, nhưng số khác gây “khó hiểu”, chẳng hạn Alibaba mua cổ phần trong một đội bóng ở Quảng Châu, một công ty sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) nhỏ, và một studio giải trí làm ăn bết bát.
Tầm nhìn của Jack Ma là dựa vào những khoản đầu tư mới này để giúp kết nối thông tin trên web với người tiêu dùng trong thế giới thực. Ý tưởng này - được biết đến trong lĩnh vực công nghệ là O2O (từ trực tuyến đến ngoại tuyến) - nhằm cho phép người sử dụng dùng smartphone để mua mọi thứ mà họ muốn, từ thực phẩm, bữa tối, TV, cho tới rửa xe.
Những thương vụ của Alibaba cuối cùng có thể sẽ phục vụ đắc lực cho tầm nhìn này, nhưng trước mắt những thương vụ này chưa đem lại hiệu quả cho lợi nhuận và giá cổ phiếu của tập đoàn.
Ngoài bị cơ quan chức năng Trung Quốc gây sức ép chống hàng giả, nhá, Alibaba còn phải đối mặt với sự chỉ trích của giới truyền thông. Tạp chí Barron’s mới đây dự báo cổ phiếu của Alibaba sẽ giảm thêm 50%. Alibaba nói bài báo này dựa trên những tính toán thiếu chính xác và có những thông tin không xác thực, được sử dụng có chủ ý.
Nhiều cổ đông của Alibaba đã tỏ ra nản lòng. Hai tỷ phú đầu cơ Daniel Loeb và George Sorus đều đã bán sạch cổ phiếu này.
Tuy vậy, nhà phân tích Cordwell của Atlantic tin rằng Alibaba rồi sẽ nổi lên thành một công ty mạnh hơn. “Sẽ còn 2-3 quý khó khăn nữa đối với Alibaba. Nhưng những thách thức hiện nay sẽ giúp Alibaba trở thành một công ty tốt hơn trong 10 năm tới”, ông Cordwell nói.
Theo An Huy
VnEconomy