Cụ thể theo số liệu của Viện quản lý nguồn cung Mỹ, chỉ số PMI sản xuất của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm xuống 50,2 điểm trong tháng 9 và ghi nhận tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2013.
Tháng 9, lĩnh vực sản xuất của Mỹ tiếp tục cho thấy những dấu hiệu suy yếu nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của nước ngoài suy giảm xuống thấp nhất kể từ tháng 7/2012. Các thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn của Mỹ như Trung Quốc và Eurozone đều đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Theo số liệu mới nhất của Cục thống kê Trung Quốc, chỉ số PMI sản xuất của nước này, dù đã tăng nhẹ lên 49,8 điểm nhưng vẫn ở dưới ngưỡng chuẩn 50 điểm.
Mặt khác, USD liên tục tăng giá khiến giá cả hàng hóa Mỹ ngày càng trở nên đắt đỏ.
Một yếu tố khác cũng kéo giảm tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất là nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm.
Ngoài ra theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 26/9 tăng 10.000 đơn lên 277.000 đơn. Đây là tuần thứ 30 liên tiếp, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ ở dưới ngưỡng 300.000 đơn.
Tuy nhiên, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trung bình của 4 tuần qua lại xuống thấp nhất gần 2 tháng với tổng số người được nhận trợ cấp cũng ở mức thấp nhất 15 năm. Tỷ lệ thất nghiệp trong số những người nhận trợ cấp đã giảm xuống thấp nhất kể từ giữa tháng 7/2015 ở 1,6%.
Hiện tại, giới đầu tư trên các thị trường đang chờ báo cáo việc làm tháng 9/2015 của Bộ Lao động Mỹ trong ngày 2/10. Số liệu này sẽ giúp giới đầu tư và chuyên gia có cái nhìn tổng quát hơn về thị trường lao động Mỹ.
Nguyễn Dung
Theo Reuters