“Người dân châu Á bất kể nam hay nữ đều đã đạt được nhiều lợi ích từ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong khu vực. Tuy vậy việc loại bỏ nạn phân biệt giới tính trong chế độ đãi ngộ, và cơ hội tham gia vào thị trường lao động vẫn còn nhiều điều phải làm”, Shang-Jin Wei, kinh tế trưởng ADB đánh giá trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2015 mới được cập nhật hôm qua (22/9).

Vị này cho rằng việc tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong lực lượng lao động không chỉ gói gọn trong khía cạnh công bằng xã hội, mà còn là vấn đề về tăng trưởng và hiệu quả kinh tế.

“Nếu phụ nữ phát huy hiệu quả hết tiềm năng của mình phát triển kinh tế, các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương có thể tăng thu nhập lên 30% trong một thế hệ nữa”, ông Wei tính toán.

Với tựa đề “Giải phóng phụ nữ, tạo động lực phát triển Châu Á”, bản báo cáo nhấn mạnh việc bùng nổ kinh tế Châu Á đã mang lại nhiều tác động tích cực đối với phụ nữ trên những khía cạnh như: Giáo dục, tuổi thọ, giảm tỷ lệ trẻ tử vong khi sinh…

 

Xu hướng chỉ số khoảng cách về giới 2006-2014 tại Việt Nam. Nguồn WEF

Tuy nhiên sự tham gia của lực lượng lao động nữ vào nền kinh tế tại châu Á lại thực sự đang theo chiều hướng tiêu cực, từ 56% (1990) xuống 49% (2013). Tỷ lệ này đang gia tăng đối với các khu vực còn lại trên thế giới.

Một số những tác nhân gây nên hiện tượng này là sự bất bình đẳng trong vai trò trong gia đình như chăm sóc con cái, người già. Thêm vào đó là cơ hội được đào tạo dạy nghề hạn chế và sự bất bình đẳng trong thể chế pháp lý, quan niệm xã hội…

Do không được đào tạo bài bản tại nhà trường, nhiều phụ nữ thiếu kỹ năng và kiến thức phải tham gia làm những công việc chứa đựng rủi ro lớn nhưng lương thấp. Cơ hội để kinh doanh thường bị giới hạn bởi hành lang pháp lý về quyền sở hữu tài sản.

Những phụ nữ được đào tạo bài bản cũng gặp nhiều khó khăn trong nấc thang sự nghiệp, với ít cơ hội được bổ nhiệm lên vị trí lãnh đạo. Số lượng phụ nữ có vị trí quản lý, điều hành tại Châu Á đang hạn rất chế.

Mặc dù trên hệ thống giáo dục đại học và trung học phổ thông, sinh viên nữ không thua kém với sinh viên nam về thành tích học tập, song Châu Á vẫn là khu vực có hiện tượng bất bình đẳng thu nhập về giới cao nhất thế giới. “Điều này chỉ ra rằng giáo dục vẫn không phải là giải pháp đủ để thu hẹp khoảng cách thu nhập về giới”, bản báo cáo nhấn mạnh.

Việc giúp phụ nữ có nguồn thu tài chính độc lập là tác nhân thúc đẩy sự thay đổi về tập quán và nhận thức xã hội. Phụ nữ có thu nhập sẽ có nhiều quyền lực hơn trong gia đình và tiếng nói của họ cũng có trọng lượng hơn trong việc quyết định tương lai sẽ sinh bé trai hay gái.

Hơn nữa khi phụ nữ đóng vai trò nhiều hơn trong các tổ chức kinh tế, chính trị, họ sẽ giúp nâng cao tầm quan trọng của gia đình và những vấn đề xã hội trong chương trình nghị sự quốc gia.

Tổng kết lại, bản báo cáo nhấn mạnh rằng việc gia tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế sẽ tạo ra nhiều tác dụng tích cực, không chỉ cho thế hệ hiện tại mà cả tương lai. Việc tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy tối đa tiềm năng, không chỉ giúp cải thiện bình đẳng giới, mà còn là lời hứa hẹn thúc đẩy sự thịnh vượng của châu Á.

Theo báo cáo Global Gender Gap 2014 (Khoảng cách về giới) của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum), Việt Nam đứng thứ 76 trên tổng số 142 quốc gia trên thế giới, với 0,692/1 điểm.

Chỉ số Khoảng cách giới (Gender Gap Index) càng gần 1, ám chỉ mức độ bình đẳng giới càng cao. Mặc dù chỉ số về Giáo dục (tỷ lệ biết chữ, phổ cập giáo dục 3 cấp)  đạt 0,935/1 và Sức khỏe (tuổi thọ, tỷ lệ sinh gái/trai) đạt 0,944, song chỉ số về Cơ hội việc làm, chính trị lại đang ở mức thấp.

Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 9, sau Lào (thứ 6), Thái Lan (thứ 7), Philippines (thứ 1), nhưng xếp trước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

 

Đức Anh