Những đồn đoán xung quanh việc Fed nâng lãi suất đã và đang dấy lên nhiều lo ngại xung quanh triển vọng của các nền kinh tế mới nổi hàng đầu, như Trung Quốc và Brazil. Đây sẽ là vấn đề đau đầu đối với các quan chức ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính các nước trong cuộc họp thường niên tuần tới của IMF và World Bank.

Theo Viện tài chính quốc tế (IIF), dòng vốn đổ vào các nền kinh tế mới nổi có thể sẽ giảm xuống còn 548 tỷ USD trong năm nay, thấp hơn mức kỷ lục ghi nhận vào năm 2008 và 2009 - thời điểm cao trào của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nếu tính gộp với dòng vốn đang nhanh chóng tháo chạy thì khối thị trường mới nổi có thể sẽ bị rút ròng 540 tỷ USD trong năm nay. Khi đó, đây sẽ là năm đầu tiên thị trường mới nổi bị rút vốn ròng kể từ năm 1988. Năm 2014, khối thị trường mới nổi nhận về 32 tỷ USD vốn đầu tư.

Chuyên gia kinh tế trưởng Charles Collyns tại IIF cho biết, không giống như cuộc khủng hoảng năm 2008, các yếu tố dẫn tới dòng vốn tháo chạy khỏi khối thị trường mới nổi trong năm 2015 chủ yếu xuất phát từ bản thân các nền kinh tế này. "Ngày càng có nhiều lo ngại xung quanh tình hình tăng trưởng chậm chạp tại các nước mới nổi, mà chủ yếu do sự trì trệ của Trung Quốc và bất ổn về triển vọng nâng lãi suất tại Mỹ."

IIF ước tính, khối tư nhân sẽ rút hơn 1 nghìn tỷ USD ra khỏi thị trường mới nổi trong năm nay. Nguyên nhân lớn nhất do các doanh nghiệp của khối mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, phải trả nợ ngoại tệ cho chủ nợ. Theo ước tính của IIF, tổng nợ của những doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực tài chính đã tăng hơn 5 lần trong vòng 10 năm qua lên 23,7 nghìn tỷ USD.

Tổng giám đốc của IIF, ông Trần Quốc Hùng cho biết: "Tất cả các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, tốc độ vay nợ đóng vai trò quan trọng, quyết định chất lượng của khoản nợ đó cũng như khả năng xảy ra khủng hoảng tiếp theo".

Việc các đồng tiền của khối mới nổi giảm giá mạnh kể từ đầu năm nay càng khiến các doanh nghiệp khó xoay sở trả nợ hơn. IIF ước tính, tổng nợ doanh nghiệp của khối mới nổi tăng lên tương đương 7,3% GDP do tiền tệ giảm giá. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, con số này ước tính là 6,2%.

Mặt khác, giới đầu tư toàn cầu cũng đang xu hướng rút vốn ra khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu của khối mới nổi. Ước tính, dòng vốn tháo chạy khỏi 2 tài sản này có thể lên tới 40 tỷ USD riêng trong quý III/2015 - lớn nhất kể từ 3 tháng cuối năm 2008.

Đầu tuần, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde từng cảnh báo, các nước mới nổi đang phải đối mặt với năm thứ 5 tăng trưởng chậm chạp. Khả năng Fed nâng lãi suất có thể sẽ khiến tình hình ngày càng trở nên tồi tệ, đặc biệt là tại một số nền kinh tế mới nổi dẫn đầu.

Những đồn đoán xung quanh thời điểm Fed nâng lãi suất đã ám ảnh các thị trường tài chính ngay từ đầu năm 2015. Tuy nhiên trong cuộc họp chính sách tháng 9/2015 mới đây, Chủ tịch Janet Yellen và các đồng sự vẫn chưa vội nâng lãi suất vì diễn biến bất ổn trên thị trường toàn cầu. Dẫu vậy, Fed cho biết vẫn theo đuổi kế hoạch nâng lãi suất trước khi kết thúc năm 2015.

Nguyễn Dung

Theo FT