Tuần qua, các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt rơi vào tình trạng bán tháo cùng với đà bán tháo trên thị trường toàn cầu do lo ngại kinh tế Trung Quốc giảm tốc, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.
Chris Weston, chiến lược gia tại IG nhận định: “Bạn hẳn là sẽ rất liều lĩnh nếu dấn thân vào thị trường lúc này”.
Giới điều tiết Đài Loan cuối tuần qua buộc phải hạn chế hoạt động bán khống chứng khoán nhằm ngăn đà bán tháo đã khiến thị trường chứng khoán Hong Kong và Indonesia rơi vào thị trường giá xuống. Giới chức Hàn Quốc tuyên bố sẽ can thiệp vào thị trường sau khi quỹ ETF lớn nhất của nước này ghi nhận tuần rút ròng mạnh nhất 15 năm.
Hơn 3 nghìn tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu kể từ khi Trung Quốc bất ngờ phá giá nhân dân tệ và làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ quy mô toàn cầu.
Chứng khoán toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2014 trong phiên ngày 21/8 vừa qua do đà bán tháo tài sản thị trường mới nổi lan đến các thị trường như Mỹ, châu Âu. Lợi suất trái phiếu dưới mức đầu tư vọt lên cao nhất 3 năm trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ ghi nhận tuần tốt nhất trong vòng 5 tháng khi nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn.
Lo ngại kinh tế Trung Quốc giảm tốc khiến thị trường toàn cầu nhiều phen chao đảo kể từ đầu năm. Chỉ số Shanghai Composite trên thị trường chứng khoán Trung Quốc quay lại đà mất điểm mạnh khi giảm hơn 11% trong tiaafn qua, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 7.
Giới chức điều tiết chứng khoán Trung Quốc cuối tuần trước tuyên bố sẽ trừng phạt các cổ đông lớn của các công ty niêm yết nếu vi phạm quy định về giới hạn bán cổ phần. Tuy nhiên, Bắc Kinh không nêu cụ thể hình thức phạt.
Tại châu Á, Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc và Malaysia có vẻ như là những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quyết định phát giá của Trung Quốc, trong khi ở châu Âu là Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, châu Á sẽ không rơi vào khủng hoảng tài chính vì Trung Quốc phá giá nhân dân tệ.
Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế tại ANZ hận định, Trung Quốc phá giá nhân dân tệ những năm 1994, khi đó châu Á bộc lộ nhiều vấn đề cho thấy nguy cơ một khủng hoảng thực sự. Tuy nhiên, đến nay, điều quan trọng là các đồng tiền châu Á không còn neo tỷ giá với USD, hiện châu Á có tiềm lực lớn hơn để có thể thích nghi với biến động của thị trường.
Hơn nữa, việc Fed nâng lãi suất sắp tới cũng không giống như năm 1994. Credit Suisse cho rằng, lần này nếu nâng lãi suất, Fed sẽ chỉ nâng ở mức độ từ từ thay vì nâng mạnh đột ngột như trước kia do kinh tế toàn cầu đang chững lãi và USD mạnh lên hiện nay cũng là mối đe dọa với chính kinh tế Mỹ.
Minh Phương
Theo Bloombeg