Chỉ số đôla ICE, theo dõi tỷ giá giữa USD và giỏ 6 đồng tiền mạnh khác, giảm 0,25%.
Trong đó so với yên, USD giảm 0,7% xuống 119,81 yên và euro giảm 0,4% xuống 134,53 yên. Ngoài ra, euro tăng 0,4% so với USD lên 1,1194 USD.
Yên tăng do giới đầu tư bán tháo chứng khoán trên toàn cầu, khiến chỉ số MSCI toàn thế giới giảm mạnh 2,03%.
Yên từ lâu vẫn là tài sản trú ẩn an toàn của giới đầu tư trên thị trường tiền tệ trong những thời điểm có biến động về kinh tế hoặc khủng hoảng thị trường tài chính. Kể từ sau khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, yên đã tăng gần 4% so với USD.
Trong phiên 28/9, USD bắt đầu giảm sau khi Mỹ công bố báo cáo doanh số bán nhà cũ đáng thất vọng của tháng 8/2015. Theo đó, số hợp đồng bán nhà cũ tại Mỹ giảm 1,4% trong tháng 8.
Mặt khác, lạm phát chung của cả nền kinh tế Mỹ vẫn chậm chạp do giá dầu thô giảm mạnh. Lạm phát chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8 và vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Tuy nhiên, lạm phát lõi - không tính giá thực phẩm và năng lượng - lại tăng 1,3%.
Tuy nhiên theo giới chuyên gia, USD vẫn được hỗ trợ về dài hạn nhờ các số liệu kinh tế khác, như lạm phát và chi tiêu tiêu dùng. Theo bao cáo của Bộ Thương mại, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ tăng 0,4% trong tháng 8, ngang với số liệu ghi nhận được trong tháng 7. Đây rõ ràng là tín hiệu tốt đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý III/2015.
Trong những phiên giao dịch tới, giới đầu tư sẽ tập trung theo dõi chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc, báo cáo việc làm tháng 8 của Mỹ và lạm phát của Eurozone.
Nguyễn Dung
Theo Reuters