Ngày 13/10, tại một khách sạn ở Las Vegas, đã diễn ra cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên giữ các ứng cử viên bầu cử sơ bộ chọn người đại diện đảng ra tranh cử tổng thống Mỹ năm tới. Những tranh luận này có thể coi là cương lĩnh của các ứng viên nếu đắc cử Tổng thống.

Từng là ứng cử viên bầu cử sơ bộ vào năm 2008, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã quá quen với những cuộc tranh luận như vậy, do đó bà đã áp đảo dễ dàng các ứng cử viên khác, khẳng định vai trò là ứng viên có nhiều khả năng nhất đại diện Đảng Dân chủ ra tranh cử và là đối thủ lợi hại nhất đối Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống năm tới.

Trong cuộc tranh luận đầu tiên này, bà Hillary đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau như kiểm soát sung đạn hay Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khẳng định lại tuyên bố tuần trước, bà Hillary bày tỏ phản đối đối với TPP bởi cho rằng TPP không đáp ứng được các tiêu chuẩn vàng đã đề ra trước đó như tạo việc làm cho người Mỹ, trong khi lại không giải quyết được vấn đề thao túng tiền tệ.

Giới quan sát nhận định cuộc tranh luận là cơ hội quan trọng để các ửng viên trình bày cương lĩnh tranh cử của mình về các vấn đề kinh tế và chính sách đối ngoại-đối nội trong nỗ lực lôi kéo sự chú ý và ủng hộ của cử tri.

Từ khi tuyên bố ra tranh cử hồi tháng 6 tới nay, cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ này luôn dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ này đã chững lại và bắt đầu sụt giảm trong mấy tuần qua liên quan đến vụ bê bối sử dụng hòm thư điện tử riêng để xử lý công việc trong thời gian đương chức Ngoại trưởng Mỹ.

Kết quả thăm dò chung của Reuters/Ipsos công bố ngày 9/10 cho biết chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, tỷ lệ ủng hộ cho bà Clinton trong các cử tri Dân chủ đã giảm 10% xuống còn 41%. Hai đối thủ đang bám sát bà là Thượng nghị sỹ Bernie Sanders và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden - người chưa quyết định tranh cử đều nhận thêm được sự ủng hộ từ cử tri Dân chủ. Ông Sanders đã tăng từ 24% lên 28%, trong khi ông Biden tăng 4% lên 20%. Một số ứng cử viên khác của đảng Dân chủ như các cựu Thống đốc Lincoln Chafee và Martin O'Malley cũng như cựu Thượng nghị sỹ Jim Webb chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ dưới 3%.

Minh Phương
Theo IBTimes