Tất cả 15 thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua 20/7 chính thức thông qua thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm p5+1  (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức).
Nghị quyết nêu rõ rằng các lệnh trừng phạt quốc tế đối với với Iran sẽ được dỡ bỏ sau 10 năm, nếu tất cả các thỏa thuận đạt được tại Vienna giữa Iran và p5+1  được thực hiện.

Quyết định của Hội đồng bảo an tuy nhiên vẫn vấp phải sự phản đối của Mỹ - nơi mà các nghị sỹ muốn Hội đồng hoãn biểu quyết cho tới khi Quốc hội Mỹ chính thức biểu quyết về thỏa thuận này. Nhà Trắng cho biết, nghị quyết của Hội đồng bảo an chưa có hiệu lực trong vòng 90 ngày tới. 
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama hôm qua gửi thỏa thuận sang Quốc hội, bắt đầu 60 ngày để Quốc hội duyệt xét.
Quốc hội Mỹ có thể chấp thuận hay khước từ việc dỡ bỏ các biện pháp chế tài chống lại Iran. Tổng thống Obama đã tuyên bố sẽ phủ quyết nếu Quốc hội khước từ.
Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa ở Thượng viện, thượng nghị sĩ Mitch McConnell, dự đoán Tổng thống Obama sẽ thật sự khó khăn để thỏa thuận được thông qua bởi Quốc hội do phe Cộng hòa dẫn đầu đã tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của thỏa thuận này. Ông McConnell chỉ trích đây là "thỏa thuận chấp nhận được tốt nhất cho Iran hơn là  một thỏa thuận có thể chung cuộc chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran".
Giới ngoại giao cảnh báo, nếu Quốc hội Mỹ phủ quyết dỡ bỏ trừng phạt Iran, thì Tehran có thể rút lại mọi cam kết và khiến thỏa thuận ban đầu đổ vỡ hoàn toàn.
Xét về khía cạnh thị trường hàng hóa, dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran đồng nghĩa với việc mở toang cánh cửa cho dầu thô của Iran chảy vào một thị trường đang dư thừa, gây sức ép giảm đối với giá dầu.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, ngay cả khi đạt được thỏa thuận, thì dầu Iran vẫn chưa thể tác động nhiều đến thị trường ngoài yếu tố tâm lý. Bởi lẽ, theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, phải mất 6-12 tháng để dỡ bỏ trừng phạt Iran mặc dù một phần lệnh trừng phạt sẽ được dỡ bỏ vào cuối năm nay.
Minh Phương
Theo AP, WSJ