Vào 18h ngày 12/10 (giờ Hà Nội), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển vừa công bố chủ nhân của giải Nobel Kinh tế học năm nay, thuộc về nhà khoa học gốc Scotland, đồng thời là Giáo sư Đại học Princeton (Mỹ) - Angus Deaton. Nghiên cứu đạt giải của ông đề cập đến tiêu dùng, nghèo đói và phúc lợi.
Giáo sư Angus Deaton năm nay 69 tuổi. Ông sinh ra tại Edinburg (Scotland), nhưng hiện giảng dạy tại Trường Woodrow Wilson, thuộc Đại học Princeton. Tại đây, ông nghiên cứu về sự thịnh vượng và phát triển kinh tế. Được hỏi về cảm giác sau khi nhận được cuộc điện thoại báo tin đạt giải, ông hài hước nói mình chỉ cảm thấy buồn ngủ, do chênh lệch múi giờ (ông Deaton đang ở Mỹ). Nhưng cũng như những người khác, ông rất ngạc nhiên và vui mừng.
Cũng trong cuộc điện đàm tại lễ công bố, Giáo sư Deaton đã nhận được câu hỏi về giải pháp cho việc hàng trăm năm phát triển không đồng đều giữa các nước đã đẩy khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Nhiều quốc gia bị bỏ lại phía sau và những người muốn có cuộc sống tốt hơn đang phải chịu áp lực rất lớn. Ông cho biết việc giảm nghèo tại các quốc gia sẽ giải quyết được vấn đề này, nhưng sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Trong ngắn hạn, bình ổn chính trị tại các vùng đang có chiến tranh sẽ giúp cải thiện tình trạng này.
Trả lời về vấn đề ông có cho rằng tình trạng nghèo cùng cực trên thế giới đang giảm dần, Giáo sư Deaton nhận xét điều này là đúng. Tuy nhiên, ông không muốn mình là “kẻ lạc quan mù quáng”. Vì có rất nhiều người trên thế giới vẫn đang nghèo đói. Nhiều người lớn và cả trẻ em đều đang mắc các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Nhận xét về nghiên cứu của ông Deaton, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết: “Để thiết kế chính sách kinh tế hỗ trợ phúc lợi và giảm nghèo, đầu tiên chúng ta phải hiểu sự lựa chọn tiêu dùng của mỗi cá nhân. Hơn ai hết, Angus Deaton đã nâng tầm nhận thức này. Bằng việc liên kết lựa chọn cá nhân với tổng thu nhập, nghiên cứu của ông đã giúp cải tổ lĩnh vực kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô và kinh tế học phát triển”.
Theo cơ quan này, 3 đóng góp lớn nhất của nghiên cứu đạt giải là: Tìm ra cách người tiêu dùng phân bổ chi tiêu vào các loại hàng hóa khác nhau; Thu nhập của xã hội được phân chia thế nào giữa tiêu dùng và tiết kiệm; Cuối cùng là tìm ra phương pháp tối ưu để đo lường và phân tích sự giàu có – nghèo khổ.
Kinh tế là giải thưởng cuối cùng được trao trong mỗi mùa Nobel hàng năm, sau Nobel Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học và Hòa bình. Nobel cho lĩnh vực kinh tế không thuộc cơ cấu giải thưởng ban đầu trong di chúc của nhà khoa học Thụy Điển - Alfred Nobel. Riêng giải dành cho kinh tế được bổ sung từ năm 1968, nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Ngân hàng Trung ương Thụy Điển - Sveriges Riksbank, cũng là đơn vị đóng góp quỹ cho giải thưởng này.
Dù vậy, quy trình đề cử, chọn lọc và trao giải Nobel Kinh tế vẫn tương tự các lĩnh vực khác. Nhà khoa học giành Nobel Kinh tế sẽ được trao 8 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 980.000 USD).
Tuy vậy, Nobel Kinh tế cũng có những nét riêng so với các lĩnh vực khác, "Kinh tế không phải là khoa học ứng dụng", Peter Englund – cựu Tổng thư ký Hội đồng chấm giải Nobel cho biết trên website Nobel Foundation. Giải thưởng này luôn gây tranh cãi từ khi ra đời, do nhiều người cho rằng nó mang tính chính trị hơn là kinh tế. Hằng năm, những người chỉ trích đều nhắc lại rằng Alfred Nobel ngay từ đầu đã không có ý định trao giải cho các nhà kinh tế học, AFP cho biết.
Họ cho rằng những người này không hề đáng tin trong việc phán đoán các cuộc khủng hoảng kinh tế và biến động tài chính. Và đến giờ, các nhà kinh tế học cũng vẫn chưa tìm ra cách giải quyết tình trạng thất nghiệp hàng loạt. Người chiến thắng năm ngoái - nhà khoa học Pháp Jean Tirole lại được trao giải nhờ nghiên cứu về cách thức quản lý, điều tiết những đế chế kinh doanh lớn trên thị trường.
Năm nay, giới phân tích từng cho rằng hội đồng trao giải sẽ vinh danh một nhà kinh tế học vừa có nghiên cứu lý thuyết, vừa có trải nghiệm thực tế qua khủng hoảng tài chính, như Olivier Blanchard (Pháp) - cựu kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ben Bernanke (Mỹ) - cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Dù vậy, một số cái tên khác cũng từng được kỳ vọng nhiều là giáo sự thuộc các trường đại học tên tuổi của Mỹ, như Avinash Dixit (Ấn Độ) của Đại học Princeton, Robert Barro (Mỹ) của Đại học Harvard hay Bengt Holmstrom (Phần Lan) của Học viện Công nghệ Massachusetts.
Theo Hà Thu
VnExpress