Cuộc tổng tuyển cử tại Mỹ năm 2016 đã vượt ra khỏi những gì người ta dự kiến. Các chuyên gia chính trị, giới truyền thông và thậm chí cả các ứng cử viên đang trở thành những người gây chuyện rắc rối qua cách mà mọi việc đang diễn ra, dẫn tới nhiều người đặt câu hỏi: Liệu nước Mỹ có đang chờ đón một cuộc bầu cử bất ngờ tới phút chót?
Các ứng cử viên là những người được chờ đợi thể hiện những gì tốt đẹp thì đã không làm thế. Đặc biệt các thống đốc đảng Cộng hòa, những người đã ném mình vào cuộc đấu. Ví dụ rõ ràng nhất là chuyện diễn ra hôm thứ Ba vừa rồi, khi Fox News thông báo tổ chức cuộc tranh luận đầu tiên giữa các ứng viên của đảng Cộng hòa. Chỉ 10 ứng viên được ủng hộ nhiều nhất mới được mời tham dự sự kiện và một vài ứng cử viên được xem là những người dẫn đầu đã không nằm trong số đó.
Chẳng hạn, cựu Thượng nghị sĩ bang Pennsylvania Rick Santorum, người cạnh tranh cuối cùng với ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney trong cuộc bầu cử năm 2012 trước khi quyết định từ bỏ, đã không nằm trong số được mời tham dự cuộc tranh luận. Vị thượng nghị sĩ này không hài lòng về điều đó.
"Ý nghĩ rằng họ đã loại bỏ ứng cử viên sáng giá của năm 2012, cựu thống đốc 4 nhiệm kỳ của Texas, thống đốc bang Louisiana, CEO nữ đầu tiên của top Fortune 50 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, và thượng nghị sĩ 3 nhiệm kỳ tới từ Nam Carolia vì cuộc thăm dò diễn ra 7 tháng trước một cuộc bỏ phiếu duy nhất thật lố bịch", Matt Beynon, phát ngôn viên của Santorum phát biểu trong một thông báo gửi tới NBC News, thêm rằng chuyện này là "vô cùng sai lầm".
Các ứng cử viên khác được mời tới để tham dự một cuộc tranh luận tối thứ Năm cũng chẳng sung sướng gì. Cựu thống đốc bang Texas Rick Perry chỉ có 1,8% ủng hộ trong các cuộc thăm dò, bất chấp việc có được sự ủng hộ tương đối ổn định khi còn tại nhiệm. Thậm chí sau bản cáo trạng mà Perry nhận được năm 2014 vì lợi dụng quyền lực của mình để trừng phạt một luật sư quận thuộc đảng Dân chủ, Perry vẫn có được tỷ lệ ủng hộ 57%. Vị cựu thống đốc bang Texas cũng có kinh nghiệm trực tiếp với an ninh biên giới, sau khi triển khai lực lượng bảo vệ quốc gia Mỹ năm ngoái nhằm giải quyết vấn đề nhập cư của các gia đình Mexico.
Các ứng cử viên tham gia cuộc tranh luận trên truyền hình vào giờ vàng hôm thứ Năm của Fox News cũng gặp rắc rối trong việc thuyết phục những người ủng hộ để thực hiện những bước nhảy vọt. Thượng nghị sĩ Rand Paul, lẽ ra đã khởi động chiến dịch của mình thuận lợi bằng mạng lưới ủng hộ rộng khắp mà cha ông, cựu ứng viên tổng thống, cựu nghị sĩ Texas Ron Paul tạo dựng. Tuy nhiên, Rand Paul chỉ đứng ở vị trí thứ 8.
Cựu thống đốc bang Floria Jeb Bush giành được chỉ 12,5% ủng hộ bất chấp lịch sử gia đình và nguồn tài chính lớn. Jeb Bush và các cộng sự của mình đã huy động được 114 triệu USD cho chiến dịch tranh cử. Để so sánh, Hillary Clinton và các đồng minh của bà huy động được khoảng 69 triệu USD, theo Wall Street Journal.
Người chiến thắng duy nhất cho tới giờ có lẽ không hẳn là một chính trị gia, đó là Donald Trump.
Sự ủng hộ dành cho vị tỷ phú đặc biệt gây tranh cãi - mỗi lần ông đưa ra một tuyên bố được dự kiến sẽ nhấn chìm cuộc chạy đua của mình thì tỷ lệ ủng hộ lại tăng lên.
Trong bài phát biểu khởi động chiến dịch tranh cử của mình, Trump gọi những người nhập cư gốc Mexico là những kẻ hiếp dâm và tội phạm. Sau đó, một cuộc thăm dò trong tháng 7 của Washington Post và ABC News cho thấy 33% công chúng nói chung thích Trump, cao hơn 17 điểm phần trăm so với kết quả tháng 5. Trump duy trì vị trí dẫn đầu của mình trước nhiều ứng cử viên khác của đảng Cộng hòa sau khi chế giễu thượng nghị sĩ John McCain, R-Ariz vì là cựu tù binh chiến tranh Việt Nam.
"Ông ấy hiển nhiên có nhiều lợi thế từ sự nổi tiếng của mình... có một phân khúc cử tri đảng Cộng hòa mạnh mẽ phản đối dân nhập cư và cả một nhóm cử tri Cộng hòa chống chính trị gia", theo một chuyên gia thăm dò dư luận của đảng Dân chủ Geoff Garin. "Donald Trumps thu hút những cử tri đó, và không phải theo cách tinh tế nhất có thể, mà với cách ồn ào nhất có thể."
Trong khi đó, nhiều người cho rằng cựu Ngoại trưởng Mỹ Clinton, từng chạy đua vào vị trí đại diện đảng Dân chủ cùng với Tổng thống Obama năm 2008, sẽ đương nhiên giành được vị trí đại diện cho đảng của mình trong lần này. Nhưng sau đó, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders tham gia vào cuộc đua.
Cuộc thăm dò dân ý của Đại học Monmouth công bố hôm thứ Tư cho thấy tỷ lệ ủng hộ Sanders trong đảng Dân chủ là 16%, đứng thứ hai sau bà Clinton với 52%. Cuộc thăm dò của WMUR/Đại học New Hampshire thì cho thấy tỷ lệ sát sao hơn nhiều, với 36% số người trả lời khảo sát tự do cho biết họ bầu cho Sanders, và 42% cho Clinton.
Phó Tổng thống Joe Biden, người chưa từng cho biết liệu ông có kế hoạch tranh cử hay không, cũng có được một làn sóng ủng hộ trong những tuần gần đây. Tỷ lệ ủng hộ Biden thấp hơn Sanders khoảng 5 điểm phần trăm.
Tất cả những điều này cho thấy chẳng thế biết được ai sẽ là tổng thống tiếp theo của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tầm cỡ của cuộc chiến trong đảng Cộng hòa và những đại diện bất ngờ của đảng Dân chủ khiến những gì diễn ra trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới không thể đoán trước. Chúng ta sẽ phải tiếp tục chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Nhà khoa học chính trị Alan I. Abramowitz và Steven Webster thuộc đại học Emory nhận định, những gì chúng ta đã thấy trong các cuộc tổng tuyển cử gần đây ở Mỹ là vấn đề lớn nhất đối với các cử tri không phải ai là người bạn yêu quý mà là ai là người bạn không ưa. Điều đó hứa hẹn một chiến dịch dài và khó chịu.
Phương Tuyền
Theo Ibt