Theo một số nguồn tin của hãng Reuters, một số phái đoàn tham dự đàm phán đã xem xét việc đặt lại vé máy bay để chuẩn bị cho ngày đàm phán tiếp theo vào hôm Chủ nhật này. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Akira Amari cho biết ông đã đồng ý với một lời đề nghị của phía Mỹ ở lại Atlanta thêm 24 giờ nữa, nhưng cũng hối thúc người Mỹ: "Phải chắc chắn là có thể đạt được thỏa thuận về vấn đề dược phẩm, và Nhật Bản không thể chấp nhận việc kéo dài đàm phán thêm nữa".
Hiện tại, vấn đề khúc mắc chính vẫn đang là việc phía Mỹ kiên quyết tìm cách kéo dài thời gian bảo vệ bản quyền cho các loại thuốc sinh học, chẳng hạn như thuốc chữa ung thư Avastin của hãng Genentech.
Hiện nay, khoảng thời gian bảo vệ bản quyền này tại Mỹ là 12 năm. Chính phủ của ông Obama từng đề xuất việc hạ nó xuống còn 7 năm, nhưng giờ đây lại đổi ý và đang muốn có mức tổi thiểu là 8 năm. Theo giới dược phẩm Mỹ, việc bảo vệ này là cần thiết, để họ có thêm động lực phát triển các loại thuốc chữa những căn bệnh như ung thư và thấp khớp.
Điều này đã vấp phải sự phản đối của nhiều thành viên còn lại trong khối TPP. Các nước Australia, New Zealand và Chile muốn khoảng thời gian bảo vệ bản quyền này có mức tối đa là 5 năm, nhằm cắt giảm chi phí cho các chương trình y tế công cộng của họ.
Tình trạng bế tắc quanh vấn đề dược phẩm cũng đang dẫn tới việc chưa có tiến triển gì trong mảng khúc mắc còn lại là sản phẩm làm từ sữa. New Zealand, vốn là nơi đặt trụ sở của công ty sữa lớn nhất thế giới Fonterra, vẫn đang đòi thêm quyền được tiếp cận dễ dàng hơn các thị trường Mỹ, Canada và Nhật.
Từ Montreal, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã lên tiếng trấn an dư luận trong nước về tác động của TPP: "Tôi bảo đảm với mọi người rằng chúng tôi chỉ chấp nhận một thỏa thuận bảo đảm những lợi ích tốt nhất của đất nước chúng ta".
Theo Tuấn Minh
Nhịp cầu đầu tư