Hai ứng cử viên thu hút nhiều sự chú ý nhất trong các vòng chạy đua sơ bộ bầu cử tổng thống Mỹ là hai nhân vật hoàn toàn trái ngược. Trước hết là “nhà xã hội chủ nghĩa” tự phong Bernie Sanders, có thể thu hút 20.000 người ủng hộ tới một khán phòng khổng lồ. Sau đó là người tự nhận có tài sản 10 tỷ USD, Donald Trump, đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận bên phía phe Cộng hòa.

 Con rối của những kẻ tài trợ


Sanders tự hào vì ông không nhận tiền tài trợ tranh cử từ người giàu. Khoảng 400.000 người Mỹ trung lưu đã ủng hộ cho chiến dịch của ông, trung bình 31,20 USD mỗi người (tức ngân quỹ tranh cử của ông là 12,48 triệu USD). Người kia, Trump, tuyên bố ông đã từ chối khoản đóng góp 5 triệu USD từ giám đốc một quỹ đầu tư mạo hiểm và khẳng định đã bỏ 1 tỉ USD tiền túi cho chiến dịch.

Một trong những lập luận thường được Trump đưa ra nhất cho tới giờ là đối thủ chính của ông Jeb Bush đã huy động được hơn 150 triệu USD từ các nhà tài trợ. “Jeb Bush là một con rối của những kẻ tài trợ cho ông ta”, Trump nói. “Tôi thì không nợ nần gì ai hết”. Đó là một thông điệp thu hút được nhiều lá phiếu, nhưng liệu nền dân chủ có tốt đẹp hơn nếu một tỉ phú có thể tự bỏ tiền ra mua phiếu thay vì để những người khác mua phiếu cho ông ta?

Theo báo Spiegel, tầng lớp siêu giàu, như Trump, đang ngày càng xa rời xã hội chung mà họ đang sống. Sự phân phối của cải ở Mỹ đang bất công chưa từng có và khoảng cách giàu nghèo đang lớn hơn bao giờ hết trong lịch sử. Thu nhập hàng năm của một gia đình trung lưu ở Mỹ đã giảm gần 5.000 USD kể từ năm 1999. Nếu tính cả lạm phát, một người nam giới làm công ăn lương năm 2014 kiếm được ít hơn 783 USD so với 42 năm trước. Trong khi đó với những người giàu nhất, họ lại càng giàu thêm. 0,1% những người có thu nhập cao nhất ở Mỹ có thu nhập bằng 90% những người thấp nhất cộng lại. Gia đình Sam Walton, sáng lập chuỗi siêu thị Walmart, có tổng tài sản 149 tỷ USD, bằng với tài sản của 42% dân số nghèo nhất nước Mỹ cộng lại.

Tất nhiên, đó là một truyền thống Mỹ, nhưng ngay cả với tiêu chuẩn Mỹ, sự bất công cũng đang ngày càng khó chấp nhận. Kết quả, cả Sanders và Trump đều khẳng định giấc mơ Mỹ đang tan vỡ.

Tuy nhiên, trừ Sanders, không một ứng viên tổng thống nào trong cuộc tranh cử hiện giờ, ở cả hai phe, nói tới việc tăng thuế, dù chỉ là nhắm vào 0,1% giàu nhất. Thật ra, hầu hết đều hứa sẽ giảm thuế, cả cho doanh nghiệp và cá nhân, ngay cả trong bối cảnh hiện giờ, rất nhiều những đối tượng giàu có đó đã không đóng một đồng thuế nào. Tỉ phú Warren Buffet thậm chí thừa nhận rằng tỷ lệ đóng thuế của ông còn thấp hơn người thư ký làm thuê cho ông.

6 tháng nhận 400 triệu USD tiền tranh cử

Quan điểm của các chính trị gia có lý của họ: Chính những người siêu giàu đang tài trợ nhiều hơn bao giờ hết cho các chiến dịch tranh cử, sau phán quyết gỡ bỏ các giới hạn tài chính với huy động quỹ tranh cử của Tòa tối cao Mỹ năm 2010. Tòa tối cao khi đó đã phán quyết trong vụ tổ chức Citizens United kiện Ủy ban bầu cử quốc gia rằng mọi hình thức quyên góp chính trị cũng là biểu hiện của quyền tự do ngôn luận, vốn là quyền bất khả xâm phạm được hiến pháp bảo vệ.

Hậu quả của phán quyết đó, chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, các ứng viên và những ủy ban vận động của họ đã nhận được gần 400 triệu USD tiền tranh cử, nhiều hơn so với toàn bộ các mùa tranh cử trước kia. Điều đáng lo ngại hơn là khoảng một nửa số tiền đó tới từ những nhóm rất nhỏ các gia đình siêu giàu và những công ty mà họ sở hữu.

Ứng viên Cộng hòa Ted Cruz chẳng hạn, nhận 10 triệu USD từ một tỷ phú dầu mỏ và 11 triệu USD từ một giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong 16 triệu USD đã được quyên góp cho Marco Rubio, một ứng viên Cộng hòa khác, 12,5 triệu USD đến từ chỉ bốn nhà tài trợ.

Gia đình Koch mới là chính đảng hùng mạnh nhất ở Mỹ


Gia đình kinh doanh có khuynh hướng bảo thủ Koch, với tổng tài sản 120 tỷ USD, gia đình giàu thứ hai ở Mỹ, đã dành ra tới 889 triệu USD để bỏ vào các cuộc bầu cử năm nay, và nhắm vào các cá nhân cụ thể. Họ cũng đã xây dựng bộ dữ liệu hồ sơ cá nhân của khoảng 250 triệu người Mỹ, có một đơn vị chuyên tổ chức vận động tranh cử với các chiến dịch gọi điện qua điện thoại và phòng ban tiếp thị giống như một ngành kinh doanh của tập đoàn! Có thể nói không ngoa rằng chính Koch mới đang là đảng chính trị hùng mạnh nhất ở Mỹ.

Anh em nhà Koch cũng tổ chức các hội nghị định kỳ sáu tháng mỗi lần trong đó họ yêu cầu các ứng viên Cộng hòa “lên tranh luận” để người thắng cuộc sẽ nhận tiền tài trợ. Trước kỳ tranh luận mới nhất tổ chức ở California hồi tháng 8, Trump đã viết trên Twitter: “Tôi chúc các ứng viên Cộng hòa xin tiền của anh em nhà Koch may mắn. Một lũ rối?”

Về cơ bản, giới siêu giàu ở Mỹ phản đối việc tăng thuế đánh vào chính họ, không chấp nhận nâng lương cơ bản, bác bỏ việc tài trợ một chính sách bảo hiểm y tế toàn dân và các trường đại học công lập. Tóm lại, họ phản đối gần như tất cả những gì giúp cuộc sống của 90% còn lại khá hơn.

Nguồn: Zing News