Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol mới đây cho biết đầu tư của ngành dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ giảm 20% trong năm nay, mức giảm lớn nhất trong lịch sử của ngành này.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng Nhóm 20 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20) vừa diễn ra ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), người đứng đầu IEA nhận định việc giá dầu giảm hơn một nửa trong một năm qua đã ảnh hưởng xấu đến doanh thu của các công ty năng lượng, khiến họ không thể tiếp tục đầu tư cho các hoạt động thăm dò và khai thác.
Với giá dầu dưới mức 50 USD/thùng, các hãng dầu mỏ lớn và các công ty năng lượng quốc gia sẽ buộc phải tìm cách tiết kiệm chi phí, do đó các kế hoạch đầu tư sẽ bị ảnh hưởng.
Do đầu tư bị cắt giảm, việc nâng cấp các mỏ hiện nay cũng như các kế hoạch thăm dò sẽ bị đình hoãn và điều này có nghĩa là sản lượng dầu mỏ toàn cầu sẽ sụt đi trong vài năm tới. Hãng phân tích Morningstar dự báo thị trường dầu mỏ chỉ có thể phục hồi đầy đủ sớm nhất là vào năm 2017.
Trong Báo cáo thị trường năng lượng tái tạo trung hạn thường niên đưa ra sau cuộc họp kéo dài hai ngày tại Istanbul, IEA cho rằng năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn năng lượng lớn nhất phục vụ lĩnh vực phát điện trong 5 năm tới. Các nguồn tái tạo có lợi thế hơn vì đây là nguồn có chi phí vừa phải, có thể giúp đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu biển đổi khí hậu.
Giám đốc IEA kêu gọi chính phủ Trung Quốc chú trọng vấn đề năng lượng tái tạo khi Bắc Kinh đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên G20 trong năm 2016.
Người đứng đầu IEA cho biết Trung Quốc hiện đang phát triển các dự án năng lượng tái tạo lớn với 40% số nhà máy điện vận hành bằng các nguồn tái tạo (thủy điện, phong điện và năng lượng Mặt trời) trên thế giới là ở Trung Quốc.
Đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Trung Quốc năm 2014 lớn hơn tổng mức đầu tư của cả Mỹ và các nước châu Âu cộng lại.
Theo Vietnam+