Terry Xu, 32 tuổi, cho mình là người may mắn. Đầu năm nay, anh đã đầu tư 10% số tiền tiết kiệm vào cổ phiếu Trung Quốc. Hiện giờ, khi thị trường chứng khoán trong nước giảm khoảng 40% kể từ giữa tháng 6, anh phải bán lỗ cổ phiếu. Mất mát nhưng ít nhất không phải là thảm họa, anh cho biết, đồng nghiệp của anh thậm chí còn mất nhiều hơn.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán bất ổn cùng với dấu hiệu chững lại của nền kinh tế cũng có nghĩa là Xu và hàng triệu người tiêu dùng trung lưu khác của Trung Quốc giống như anh sẽ phải cắt giảm chi tiêu.
"Kinh tế năm nay bất ổn. Không giống như trước đó chúng tôi có thể mua mọi thứ cho bọn trẻ. Hiện giờ, chúng tôi chủ mua, chỉ chi tiền cho những thứ chúng tôi cần”, anh chia sẻ.
Xu thu nhập khoảng 20.000 nhân dân tệ/tháng (hay 3.140 USD) ở chức vụ giám đốc phát triển sản phẩm cho một công ty sản xuất tai nghe ở Thẩm Quyến. Căn hộ mà anh mua năm 2012 với giá 900.000 nhân dân tệ nay đã có giá lên tới 2,5 triệu nhân dân tệ.
Tuy vậy, anh vẫn có ý định giữ lại chiếc iPhone 4 thay vì lên đời lên iPhone 6S, và thay vì mang giày thể thao hiệu Nike ưa thích anh đổi sang giày hiệu Anta Sports – một thương hiệu trong nước nhằm tiết kiệm tiền.
Những lo ngại của Xu cũng là điển hình cho các gia đình trung lưu ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những điều này đang đi ngược lại với kỳ vọng của chính phủ Trung Quốc rằng người tiêu dùng sẽ giúp vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm, cũng như nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế, chuyển sang hướng dựa vào tiêu dùng trong nước thay vì phụ thuộc xuất khẩu như trước kia.
Tiêu dùng nội địa đóng góp tới 60% GDP của Trung Quốc trong nửa đầu 2015, tăng so với tỷ trọng 51,2% trong cả năm 2014. Con số này cho thấy kế hoạch tái cân bằng nền kinh tế của Trung Quốc có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, các chỉ báo kinh tế lại rất đáng lo ngại. Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Trung Quốc do ANZ khảo sát xuống thấp kỷ lục trong tháng 8 vừa qua.
Theo hãng nghiên cứu tiêu dùng Gartner, doanh số xe hơi ở Trung Quốc năm nay có thể giảm lần đầu tiên trong vòng 2 thập kỷ, trong khi doanh số điện thoại thông minh giảm trong quý II.
Nếu những hiện tượng sụt giảm này phản ánh đà suy giảm chung trong chi tiêu tiêu dùng của người dân trung lưu Trung Quốc thì tác động của nó không chỉ gói gọn ở nước này mà sẽ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.
Tuần trước, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen đã bày tỏ lo ngại về đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Đây cũng là một phần nguyên do khiến Fed hoãn tăng lãi suất.
Theo nghiên cứu mới công bố của OECD, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm 0,5%nếu nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc giảm mạnh. Báo cáo chỉ ra, nếu nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc giảm 2% trong 2 năm liên tiếp, cùng với chứng khoán toàn cầu giảm 10%, thì GDP của Mỹ sẽ giảm khoảng 0,25%, GDP Nhật Bản giảm hơn 0,5% trong năm thứ 2.
Trong tháng 8 vừa qua, xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường lớn nhất của Nhật Bản – đã giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó mặt hàng linh kiện, phụ tùng xe hơi giảm mạnh nhất do hoạt động sản xuất xe hơi của các nhà máy ở Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong 6 năm rưỡi qua.
Nhiều công ty lớn nhất thế giới cũng đang chịu tác động từ tình trạng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc giảm. Hãng xe hơi Audi – thương hiệu cấp cao của tập đoàn Vokswagen Đức cho biết đã phải cắt giảm sản lượng tại các nhà máy ở Trung Quốc. Trong khi đó, thương hiệu BMW cũng giảm sản lượng các dòng xe (serie) 3 và 5 vốn bán chạy ở Trung Quốc.
Các công ty hàng tiêu dùng phương Tây khác cũng đã bắt đầu thấm đòn trước một thị trường khó nhằn hơn trước rất nhiều và doanh thu từ quí 2-2015 đã cho thấy điều đó.
Minh Phương
Theo Reuters