Với số vốn đầu tư ước tính 24 triệu USD, Sở Giao dịch Chứng khoán Yangon (YSX) được thành lập bởi Ngân hàng Kinh tế Myanmar - một nhà băng quốc doanh của nước này, công ty chứng khoán Daiwa Securities của Nhật, và Japan Exchange Group - công ty vận hành Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo.
Cột mốc
Việc đưa YSX vào hoạt động được coi sẽ là một cột mốc trong tiến trình hiện đại hóa đang diễn ra nhanh chóng ở Myanmar - quốc gia Đông Nam Á bắt đầu mở cửa nền kinh tế từ năm 2011 sau nhiều thập kỷ nằm dưới sự lãnh đạo của quân đội.
Kể từ khi mở cửa, Myanmar đã nổi lên thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong khu vực đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Sau khi được phương Tây nới lệnh trừng phạt vào năm 2013, Myanmar đã thu hút được 8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tài khóa 2014-2015, một con số cao kỷ lục. Các tập đoàn đa quốc gia như Coca-Cola, Telenor, Colgate Palmolive và Mitsubishi đồng loạt đổ tới Myanmar để tìm cơ hội.
Theo dự báo của hãng tư vấn Boston Consulting Group, dân số thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có của Myanmar được dự báo sẽ tăng gấp đôi từ mức 5,3 triệu người vào năm 2012 lên mức 10,3 triệu người vào năm 2020.
Ngoài ra, phe quân đội đã phát những tín hiệu tôn trọng kết quả cuộc tổng tuyển cử lịch sử hồi tháng 11 ở Myanmar, cuộc bầu cử với chiến thắng áp đảo thuộc về Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của chính trị gia đối lập Aung San Suu Kyi.
Việc quân đội Myanmar chấp nhận hợp tác với bà Suu Kyi trong quá trình chuyển giao quyền lực sẽ mở đường cho những cải cách mang tính cơ cấu trong các lĩnh vực như sản xuất và cơ sở hạ tầng.
“Trong dài hạn, chúng tôi hy vọng thị trường chứng khoán Myanmar có thể dẫn tới sự phát triển của thị trường nợ, điều mà có thể khiến ngay cả các công ty quốc tế quan tâm”, ông Petter Furberg, Giám đốc điều hành (CEO) Telenor Myanmar, phát biểu với CNBC.
Ngoài ra, ông Furberg nhấn mạnh, thị trường chứng khoán Myanmar cũng sẽ giúp các công ty niêm yết của nước này cải thiện hình ảnh, theo đó thu hút nhân tài Myanmar đang làm việc ở nước ngoài quay về nước.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến thận trọng nói rằng để thị trường chứng khoán Myanmar phát triển nhanh và lành mạnh, cần phải có các quy định minh bạch và chặt chẽ - điều hiện nay vẫn còn thiếu ở Myanmar.
Chẳng hạn, hiện Myanmar chưa có quy định nào về công bố thông tin doanh nghiệp, quyền bầu của cổ đông, hại các cuộc họp cổ đông thường niên của doanh nghiệp niêm yết.
Trong khi đó, các quy định về phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lại có vẻ như quá ngặt nghèo đối với thị trường của một quốc gia đã nhiều năm nằm dưới sự cai quản của quân đội. Chẳng hạn, để IPO, các công ty cần có 2 năm lợi nhuận theo tiêu chuẩn kế toán Myanmar, chứng minh được đã đóng thuế đầy đủ, và có 100 cổ đông.
Ngoài ra, Myanmar cũng chưa có luật cho phép người nước ngoài đầu tư cổ phiếu ở nước này.
Quá tham vọng?
Theo dự báo, YSX ban đầu sẽ chỉ thu hút được một vài công ty niêm yết. Bởi vậy, có những ý kiến lo ngại sàn chứng khoán này sẽ chịu chung số phận với một số “láng giềng”.
Sau khi được khai trương vào năm 2011, Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX) đến nay mới chỉ có 2 công ty niêm yết. Sở Giao dịch Chứng khoán Lào (LSX) cũng mới chỉ có 4 doanh nghiệp niêm yết.
Cả CSX và LSX đều nằm ngoài tầm ngắm của giới đầu tư do mức thanh khoản quá thấp.
Hồi đầu tháng này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Myanmar Maung Maung Thein nói ông dự kiến sẽ có ít nhất 6-7 công ty niêm yết trên YSX ngay sau khi khai trương.
Do YSX chỉ cho phép các công ty trong nước niêm yết và toàn bộ giao dịch phải sử dụng đồng nội tệ, nên việc đồng Kyat của Myanmar mất giá 20% so với đồng USD trong năm nay có thể sẽ không ảnh hưởng tới việc niêm yết.
Theo CNBC, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) hiện vẫn là sàn giao dịch chứng khoán sơ khai (frontier) sôi động nhất khu vực, với 300 cổ phiếu niêm yết và tổng giá trị vốn hóa 19,2 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Myanmar Maung Maung Thein kỳ vọng YSX sẽ đuổi kịp HOSE trong vòng 3 năm, nhưng các chuyên gia nói rằng mục tiêu này là quá tham vọng.
“Mọi người đều muốn thị trường vốn cất cánh ở Myanmar, nhưng sự thật là nền kinh tế nước này còn rất kém phát triển, và hiện chưa có nhu cầu rõ ràng đối với một thị trường chứng khoán ở Myanmar vào thời điểm hiện tại”, ông Adam Jarczyk, chuyên gia công ty tư vấn chiến lược Frontier Strategy Group, nhận định.
Theo: An Huy - vneconomy