Một nguồn tin từ đoàn đàm phán của Việt Nam chia sẻ với Zing.vn rằng thông báo kết thúc đàm phán sẽ được công bố trưa ngày 3/10 theo giờ Atlanta (tối 3/10 theo giờ Hà Nội).
Các nhà đàm phán đang nhóm họp tại thành phố Atlanta, Mỹ, nhằm tìm được tiếng nói chung về hiệp định TPP sau nhiều lần vỡ kế hoạch. Một trong những vấn đề còn vướng mắc hiện nay là bản quyền sở hữu dược phẩm và thị trường sữa.
Theo kế hoạch ban đầu, đàm phán sẽ kết thúc đêm 1/10 theo giờ địa phương. Sau đó, các bộ trưởng sẽ tiến hành họp báo để công bố kết quả. Tuy nhiên, những bất đồng chưa thể giải quyết giữa các nước tham gia hội đàm buộc chương trình nghị sự phải kéo dài sang ngày 2/10 và dự kiến sẽ kết thúc vào tối nay.
Cuộc đàm lần này được khai mạc hôm 30/9. Phái đoàn của 12 nước thành viên đều thể hiện quyết tâm để đạt thỏa thuận.
Lịch sử hình thành và sự lớn mạnh của TPP
Năm 2005, Singapore đưa ra ý tưởng xây dựng một hiệp định Thương mại Tự do (FTA) cho toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chỉ 3 nước khác ủng hộ quan điểm của Singapore. Xét trên phương diện kinh tế và chính trị, 4 quốc gia này quá nhỏ nên TPP không thu hút sự quan tâm của các nước khác.
Sau khi Mỹ gia nhập TPP tháng 3/2008, mọi thứ đã thay đổi, kéo theo nhiều quốc gia ký kết hiệp định. Australia và Peru lập tức nối bước Mỹ. Tính tới cuối năm 2008, 7 nước ký hiệp định trong khi nhiều nước khác bắt đầu dành nhiều sự quan tâm.
Năm 2010, Việt Nam và Malaysia trở thành quốc gia thứ 8 và thứ 9 gia nhập TPP. Tại thời điểm đó, quá trình đàm phán diễn ra rất nhanh vì chỉ cần tham vấn các quốc gia thành viên. Tính tới năm 2015, 12 nước bao gồm Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã trở thành thành viên của hiệp định.
Theo các chuyên gia, 12 quốc gia thành viên TPP chiếm tỷ trọng 40% nền kinh tế toàn cầu. 10 năm sau khi thành lập, TPP đang từng bước trở thành Hiệp định thương mại tự do chính thức cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đúng như ý tưởng ban đầu của Singapore.
Thách thức với TPP
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được Quốc hội Mỹ trao quyền đàm phán nhanh (TPA) nhưng ông vẫn phải đương đầu với hàng loạt thách thức nhằm đạt mục đích hoàn tất đàm phán TPP trong năm nay.
Trong suốt một thời gian dài, các nước thành viên TPP không tìm được tiếng nói chung xoay quanh vấn đề giảm thuế xuất - nhập khẩu hay vấn đề bảo trợ các mặt hàng được coi là thế mạnh của từng quốc gia.
Ban đầu, TPP ra đời nhằm xóa bỏ thuế quan giữa các nước thành viên ngoại trừ một số ít mặt hàng được lựa chọn để giữ thuế. Tuy nhiên, mục tiêu này rất khó đạt được.
Ngoài những lợi ích về kinh tế, TPP được coi là di sản trong nhiệm kỳ tổng thống cuối cùng của ông Barack Obama nên phía Mỹ rất nỗ lực để đạt được thỏa thuận chung.
Tác động tới Việt Nam
Trong cuộc họp báo tại tư dinh cuối tháng 6, Đại sứ Mỹ Ted Osius cho rằng Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP.
“Hiệp định này mang lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam, trong đó rõ ràng nhất là GDP hàng năm có thể tăng 30%. Tuy nhiên, Mỹ, Việt Nam và các quốc gia khác sẽ phải đưa ra quyết định cuối cùng để đạt thỏa thuận, thúc đẩy quá trình hội nhập nhanh chóng”, Đại sứ Ted nhận định.
Nigel Cory, Trưởng bộ phận Nghiên cứu về Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng ngành may mặc là ví dụ điển hình cho tác động của TPP tới Việt Nam. Hiệp định sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu may mặc và giày dép của Việt Nam đạt 165 tỷ USD tới trước năm 2025. Nếu không có TPP, con số này chỉ dừng ở mức 113 tỷ USD.
Khi TPP có hiệu lực, mức thuế xuất hàng dệt may từ Việt Nam sang Mỹ có thể giảm xuống gần bằng 0%, thay vì 17% như hiện nay. Trước đó, Mỹ và Việt Nam cũng cơ bản hoàn tất các đàm phán xung quanh tiến trình giảm thuế đối với mặt hàng xuất khẩu được coi là thế mạnh của Việt Nam.
Theo Hồng Duy
Zing News