Ông đánh giá thỏa thuận thương mại này là một "thành tựu lớn đối với tương lai của không chỉ Nhật Bản mà còn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung."
Trước đó cùng ngày 5/10, sau 5 ngày đàm phán căng thẳng với rất nhiều phiên thảo luận thâu đêm, 12 nước thành viên đã cùng nhau tháo gỡ ba nút thắt chính còn lại trên con đường dẫn tới thỏa thuận lịch sử này, bao gồm vấn đề dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ôtô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, Canada và Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới.
Văn bản chính thức công bố sau hội nghị nêu rõ: “Sau hơn 5 năm đàm phán, chúng tôi vui mừng tuyên bố đã đạt thỏa thuận nhằm hỗ trợ việc làm, tăng trưởng ổn định, phát triển và thúc đẩy sáng kiến tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vì lợi ích của người dân. Quan trọng nhất, thỏa thuận đã đạt được các mục tiêu đề ra.”
Sau khi 12 nước ký hiệp định TPP, văn kiện này cần nhận được sự phê chuẩn của chính phủ và Quốc hội các nước thành viên để có hiệu lực.
Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Các nước này đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thỏa thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013.
Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới./.