Hôm nay là một ngày quan trọng đối với tỉ giá hối đoái euro vì Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ đưa ra quyết định về tỉ lệ lãi suất trong cuộc họp của Hội đồng Điều hành ECB về chính sách tiền tệ tại Frankfurt.

Ngừng lưu hành đồng tiền mệnh giá lớn nhất khu vực Eurozone?

Đồng euro xuống thấp nhất 7 tháng

[Infographic] Sự “sụp đổ” của đồng euro

Tại cuộc họp báo sau cuộc họp này, Thống đốc ECB Mario Draghi sẽ bình luận về tình hình kinh tế EU và các kế hoạch về chính sách tài chính tiếp theo. Ông Draghi sẽ phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa bởi kể từ tháng 12/2015 đến nay ECB đã bơm 1,5 ngàn tỉ euro (tương đương 1,7 ngàn tỉ đô la) để kích thích kinh tế song kết quả đạt được chưa như mong đợi.

 

Tại Đức, "cổ đông" lớn nhất của ECB, các nhà đầu tư quốc tế lo ngại rằng ECB đang cạn kiệt các công cụ chính sách tiền tệ. Trong khi đó các ngân hàng châu Âu đang vật lộn với khó khăn e ngại lãi suất âm đang bào mòn khả năng thu lợi nhuận. Hầu hết mọi người lo ngại về tăng trưởng kinh tế suy yếu và lạm phát của khu vực đồng euro cũng như những rủi ro chính trị liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý Brexit vào ngày 23/6 tại Anh.

 

Mặc dù ông Draghi không được kỳ vọng sẽ đưa ra bất kỳ biện pháp chính sách nào mới mẻ, song các nhà đầu tư sẽ lắng nghe chăm chú từng lời bình luận của ông về vấn đề cắt giảm lãi suất trong tương lai, sự hồi phục gần đây của đồng euro và triển vọng "tiền trực thăng” (helicopter money) - một hình thức hỗ trợ đặc biệt trocác ngân hàng trung ương trong khu vực euro phân phối tiền trực tiếp cho công chúng.

 

Vào tháng trước, ECB đã áp dụng một loạt các biện pháp để vực dậy tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro, như cắt giảm tỉ lệ lãi suất, tăng lượng mua trái phiếu lên 80 tỉ euro/tháng và cấp vốn vay giá rẻ cho các ngân hàng. Các nhà đầu tư ban đầu tán dương gói kích thích kinh tế này của ECB. Song phản ứng tích cực của thị trường bị đảo ngược khi ông Draghi tại cuộc họp báo ngày 10/3 cho biết không có ý định cắt giảm tỉ lệ lãi suất lần nữa. Tỉ lệ lãi suất tiền gửi của ECB trả cho các khoản tiền gửi ở ngân hàng này hiện nay là -0,4%.

 

Chính vì vậy các nhà đầu tư tỏ ra khá thận trọng khi các quan chức hàng đầu ECB sau đó đưa ra những thông điệp ám chỉ về khả năng cắt giảm tỉ lệ lãi suất và ECB vẫn còn nhiều giải pháp khác chưa đưa ra. Sau cuộc họp của ECB vào ngày 10/3, chỉ số Eurostoxx 50 tăng khoảng 3% và đồng euro phục hồi so với USD từ 1,10 USD/euro lên 1,14 USD/euro. Đây là một điều ngạc nhiên không mấy dễ chịu đối với ECB, bởi theo ông Michael Schubert, nhà kinh tế thuộc ngân hàng Commerzbank ở Frankfurt, điều này cho thấy ECB chưa đạt được mục tiêu là nâng cao niềm tin của thị trường.

 

Về phương diện tỉ lệ lãi suất, ECB đang ở tình trạng khó xử. Phát tín hiệu giảm lãi suất hơn nữa có thể làm euro suy yếu và có lợi cho các nhà xuất khẩu Eu, nhưng ECB cũng phải tránh một cuộc chiến tranh tiền tệ. Các NHTW Nhật và Thuỵ Điển cũng đã áp dụng lãi suất âm.

 

Những căng thẳng trong khu vực ngân hàng châu Âu dường như đã giảm bớt trong những tuần gần đây. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã hồi phục. Kết quả điều tra hoạt động cho vay ngân hàng mà ECB công bố vào ngày 18/4 cho thấy hoạt động cung cấp vốn vay cho các công ty được cải thiện và nhu cầu vay tín dụng của các công ty và các hộ gia đình tăng.

 

Tuy nhiên, các số liệu kinh tế gần đây của khu vực đồng euro trái ngược nhau. Tháng 2 vừa qua, doanh số bán lẻ tăng tháng thứ 4 liên tiếp và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 10,3% (thấp nhất 4 năm). Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế trong quý I/2016 được dự báo sẽ suy giảm và lạm phát ở mức 0% trong tháng 3/2016, thấp hơn so với chỉ tiêu mà ECB đưa ra.

 

Theo các nhà kinh tế, ông Draghi có thể cũng sẽ tiết lộ những chi tiết của chương trình mua trái phiếu công ty mới mà ECB dự kiến sẽ triển khai vào tháng 6 tới. Các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm ECB sẽ mua vào những trái phiếu nào, có theo định mức hàng tháng không và các NHTW sẽ chia sẻ rủi ro như thế nào.

 

Chương trình mua trái phiếu hiện nay của ECB dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3/2017. Khi thời hạn đó càng đến gần, ông Draghi có thể sẽ buộc phải xem xét kéo dài chúng và làm thế nào để tránh tình trạng tắc nghẽn như điều đã xảy ra trên thị trường trái phiếu Đức.

 

Có thể thấy, những yếu tố tác động tiêu cực đến đồng euro không hề ít: Anh có thể rút lui khỏi Liên minh châu Âu, cuộc khủng hoảng nhập cư chưa có hồi kết, tăng trưởng kinh tế suy yếu, tình trạng bất ổn chính trị ở nhiều nước, khủng bố đe dọa.. Ngoài ra, các nhà kinh tế dự đoán trong năm tới ECB sẽ giảm tỉ lệ lãi suất hơn nữa và sẽ thực hiện nhiều hoạt động mua mang tính hỗ trợ. Những biện pháp như vậy sẽ gây sức ép hơn nữa đến đồng euro. Khoảng 20% các nhà phân tích được hãng truyền thông Bloomberg thăm dò ý kiến đều tiên liệu rằng đồng euro sẽ đứng ngang bằng với đô la Mỹ vào cuối năm nay.

Ông Hans Redeker, nhà chiến lược tiền tệ thuộc tập đoàn Morgan Stantley cảnh báo: "Nếu tồn tại bầu không khí mà trong đó có nhiều dấu chấm hỏi được đặt ra đối với tương lai đồng euro, đầu tư nước ngoài có thể giảm mạnh. Các nhà đầu tư cần phải hết sức tỉnh táo trong giai đoạn này bởi sẽ có nhiều yếu chi phối đồng euro trong thời gian tới”.

Nguồn: Xuân Hương

Theo Trí thức trẻ/WSJ, Slimbellegen