Trong hai báo cáo quan trọng được phát hành vào cuối tuần trước, chỉ có báo cáo Grain Stocks là có sự thay đổi đáng chú ý nhất đối với lúa mì, trong khi diện tích trồng lúa mì năm nay của Mỹ trong báo cáo Acreage 2023 chỉ chênh lệch rất nhỏ so với dự đoán trung bình của thị trường. Tồn kho lúa mì tính tới 01/06/2023 (đồng thời cũng là số chốt niên vụ 22/23) của Mỹ chỉ đạt 580 triệu giạ, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời là mức thấp nhất từng được ghi nhận cho giai đoạn này kể từ năm 2008, khi tồn kho chỉ đạt 306 triệu giạ. Mặc dù gây bất ngờ cho thị trường khi nằm dưới khoảng dự đoán 588-690 triệu giạ, nhưng dữ liệu tồn kho gần như không thể giúp giá lúa mì đảo chiều tăng trở lại sau khi báo cáo được công bố. Nguyên nhân chủ yếu là bởi chất lượng và triển vọng vụ mùa mới của Mỹ đang được cải thiện nhờ thời tiết diễn biến thuận lợi hơn trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, nhu cầu đối với lúa mì Mỹ trên thị trường quốc tế cũng đang ở mức thấp do sự cạnh tranh của nguồn cung từ châu Âu, Nga và Australia. Đây là những yếu tố gây áp lực lên giá trong dài hạn nên sự sụt giảm tồn kho lúa mì của Mỹ sẽ khó có thể giúp giá hồi phục ngay lập tức.
Đối với nguồn cung từ Biển Đen, Bộ Ngoại giao Nga vào cuối tuần trước cho biết không có lý do để Moscow tiếp tục gia hạn thỏa thuận ngũ cốc sau ngày 17/07 tới. Quan điểm này được đặc phái viên của Nga tại Liên Hợp Quốc tái khẳng định vào ngày hôm nay, trong bối cảnh các yêu cầu của Nga để gia hạn thỏa thuận vẫn đang bị phương Tây bỏ ngỏ. Dù vậy, đây không phải lần đầu tiên phía Nga đưa ra những đe dọa như vậy, do đó thị trường vẫn chưa vội phản ứng với thông tin này.

Giá Arabica vẫn có thể giảm khi nguồn cung dần tích cực hơn
Kết thúc tuần giao dịch 26/06 – 03/07, hai mặt hàng cà phê cùng giảm mạnh. Giá Arabica giảm tuần thứ 3 liên tiếp, về mức thấp nhất kể từ tháng 01 năm 2023. Nguồn cung đang có những tín hiệu tích cực khi tiến độ thu hoạch tại Brazil đạt 45%, cao hơn 6% so với cùng thời điểm năm trước. Giá Robusta giảm mạnh gần 7% do ước tính xuất khẩu cà phê trong tháng 06 của Việt Nam đạt 150.000 tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Hoạt động thu hoạch cà phê tại Brazil sẽ tiếp tiếp tiến triển tốt nhờ ủng hộ từ điều kiện thời tiết khô ráo tại vùng sản xuất cà phê chính. Cùng với triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ 2023/24 tại quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, giúp thị trường cùng nông dân an tâm hơn về nguồn cung trong thời gian tới, từ đó đẩy mạnh bán cà phê.
Xuất khẩu cà phê trong tháng 06 tại Brazil theo thống kê sơ bộ tại Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) ở mức 2,6 triệu bao loại 60kg, tăng 2% so với mức 2,4 triệu bao trong tháng trước. Đặc biệt, xuất khẩu cà phê Arabica đạt 2,1 triệu bao, cao hơn mức 1,9 triệu bao của tháng 05.
Tồn kho Arabica trên Sở ICE vẫn còn dư lượng mở rộng nhưng mức độ gia tăng khá thấp, khó có thể đảo chiều xu hướng giảm nếu không có thêm nguồn bổ sung. Trong báo cáo tồn kho cà phê trên Sở ICE kết thúc phiên ngày 30 tháng 06, tổng lượng cà phê lưu trữ hiện tại ở mức 544.915 bao loại 60kg, chỉ giảm nhẹ 1.735 bao so với 1 tuần trước đó. Hơn nữa, hiện có 3.989 bao đang chờ phân loại để có thể bổ sung vào các kho lưu trữ trong thời gian tới.
 
Giá đồng có thể tăng nhờ bức tranh vĩ mô tích cực
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tích cực với kỳ vọng Mỹ đang trên đà "hạ cánh mềm" (soft – landing), giá đồng đã được hưởng lợi trong phiên cuối tuần trước và phiên sáng đầu tuần.
Loạt dữ liệu kinh tế tích cực công bố vào cuối tuần trước đã giúp đẩy lùi lo ngại suy thoái tại Mỹ. Củng cố cho điều này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết khả năng Mỹ rơi vào suy thoái là rất thấp.
Quan trọng hơn, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tăng 3,8% trong tháng 6 (YoY), mức thấp nhất kể từ tháng 04/2021 và thấp hơn đáng kể so với mức 4,6% mà giới phân tích dự báo.
Do đó, dữ liệu chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Mỹ được Viện quản lý cung ứng (ISM) công bố tối nay sẽ làm rõ thêm sức khỏe nền kinh tế Mỹ. Nếu PMI tăng vượt dự báo, điều này sẽ cung cấp thêm bằng chứng củng cố cho kịch bản “hạ cánh mềm” tại Mỹ và hỗ trợ giá đồng.
Tuy vậy, tiêu thụ ở Trung Quốc vẫn là bài toán khó chưa có lời giải đối với các nhà đầu tư.
Dữ liệu từ trang tin Shanghai Metals Market (SMM) cho thấy tồn kho đồng tại Trung Quốc đã tăng sau khi giảm 7 tuần liên tiếp, cho thấy dấu hiệu tiêu thụ suy yếu. Cụ thể, tính đến ngày 30/06, tồn kho đồng trên các thị trường lớn của Trung Quốc ở mức 99.100 tấn, tăng 11.400 tấn so với ngày 26/06 và tăng 15.900 tấn so với ngày 21/06.
Do đó, nhiều khả năng triển vọng tiêu thụ yếu kém tại Trung Quốc sẽ tiếp tục là lực cản đối với đà tăng của giá đồng cho tới khi cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc được diễn ra vào tháng 7. Nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục ban hành các chính sách kích thích kinh tế mới tại cuộc họp này. Theo đó, thị trường đồng có thể được hỗ trợ nếu những kỳ vọng này được xác nhận.
Giá dầu nhiều khả năng sẽ diễn biến giằng co trước thềm nghỉ Lễ Độc lập Mỹ
Giá dầu mở cửa phiên giao dịch sáng nay với diễn biến tương đối giằng co. Thị trường có thể sẽ tương đối trầm lắng trước khi kỳ nghỉ Lễ Tết Độc lập của Mỹ diễn ra vào ngày mai 4/7.
Từ tháng 7, thủ lĩnh của nhóm OPEC, Saudi Arabia sẽ cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày, và theo khảo sát từ Reuters, mức cắt giảm có thể được gia hạn trong tháng 8. Nhiều đơn vị đã đưa ra dự báo về tình trạng thâm hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay. Trong đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nguồn cung sẽ vượt quá nhu cầu 2 triệu thùng/ngày trong phần còn lại của năm 2023.
Như vậy, trong trung hạn, lo ngại về nguồn cung sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá dầu. Tuy nhiên, dầu thô đắt đỏ hơn từ khu vực Trung Đông có thể khiến nhiều quốc gia nhập khẩu nhiều dầu hơn từ các nước sản xuất lớn khác, trong đó có Nga, với mức giá rất chiết khấu trên thị trường.
Nhập khẩu dầu thô Nga của Ấn Độ đã thiết lập kỷ lục mới trong tháng 6 ở mức 2,2 triệu thùng/ngày, tăng tháng thứ 10 liên tiếp, trong khi nhập khẩu từ Iraq và Saudi Arabia hạn chế. Như vậy, việc dòng chảy dầu thô xuất khẩu từ Nga ổn định tiếp tục là một lực cản đối với nỗ lực của Saudi Arabia, hạn chế đà tăng nóng của giá.
Về các yếu tố vĩ mô, hàng loạt các quốc gia khu vực châu Âu sẽ báo cáo dữ liệu sản xuất thông qua chỉ số quản lý mua hàng PMI vào chiều nay. Nếu như PMI của các nền kinh tế hàng đầu châu Âu như Đức, Pháp, Ý cao hơn dự báo, giá dầu có thể sẽ được hỗ trợ nhẹ.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)