Quy mô vốn đầu tư công lớn đang được kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng tăng trưởng của nước ta trong năm nay. Tuy nhiên, bên cạnh áp lực giải ngân, quá trình thực hiện các dự án đầu tư công cũng đối mặt với nhiều khó khăn do sức ép đến từ đà tăng của giá nguyên vật liệu xây dựng.
Bài toán nan giải về nguyên liệu đầu vào
Trong năm 2023, tổng chi tiêu Chính phủ dự kiến sẽ lên tới hơn 850.000 tỷ đồng, với nguồn vốn đầu tư công được Quốc hội giao là hơn 711.000 tỷ đồng, cùng khoảng 147.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Tổng cục Thống kê, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng 1,81% và chỉ xếp sau nhóm giao thông. Nguyên nhân của đà tăng xuất phát từ việc giá các loại nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép như quặng sắt, than mỡ, thép phế liệu và cuộn cán nóng tăng mạnh.

Giá quặng sắt, nguyên liệu chính để sản xuất thép, hiện vẫn đang neo ở mức cao, gần 130 USD/tấn. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đà tăng của giá quặng sắt cũng như giá thép được thúc đẩy nhờ sự lạc quan vào sự phục hồi của Trung Quốc, nhà tiêu thụ số một thế giới và cũng là đối tác nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 1, sắt thép nhập khẩu vào nước ta nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, với 211.270 tấn, tương đương với giá trị 183,16 triệu USD. Dù khối lượng giảm so với mức 405.000 tấn của tháng 12, nhưng giá sắt thép nhập khẩu trung bình đã tăng hơn 8% so với tháng 12, lên mức 867 USD/tấn.
Giá thép trong nước vì thế cũng liên tục tăng 6 lần từ đầu năm tới nay. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép lớn, đã nâng giá thép thêm từ 150.000 - 210.000 đồng/tấn. Giá thép cuộn CB240 của Hòa Phát đã tăng lên 15,96 triệu đồng/tấn tại miền Bắc và 15,88 triệu đồng/tấn tại miền Trung. Đáng chú ý, Thép Pomina mới đây cũng đã điều chỉnh tăng giá hơn 1 triệu đồng/tấn và khiến cho giá thép của thương hiệu này vượt ngưỡng 17 triệu/tấn.
Giá sắt thép tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng trong nước gặp khó khi chi phí đầu vào tăng, và nếu đà tăng kéo dài, khi hoàn thiện công trình, những doanh nghiệp này khó có thể đảm bảo doanh thu đủ để bù đắp các chi phí.
Các dự án về giao thông, với trọng tâm là hệ thống đường cao tốc cũng được phân bổ gần 100.000 tỷ đồng từ được vốn đầu tư công. Tuy nhiên, các nhà thầu vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi giá các vật liệu như xi măng và nhựa đường có xu hướng tăng.
Theo Bộ Xây Dựng, giá nhựa đường trong năm 2022 tăng 23,52% so với năm 2021, gây ảnh hưởng rất nhiều đến dự toán xây dựng công trình giao thông, bởi đây là nguyên liệu chiếm phần lớn chi phí trong loại công trình này. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ việc giá dầu thế giới dù hạ nhiệt nhưng vẫn luôn neo ở mức cao, khiến cho chi phí sản xuất hạt nhựa cũng gia tăng. Hiện tại, giá dầu thô Brent hiện vẫn duy trì trên mức 80 USD/thùng, do ảnh hưởng kéo dài từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất
Giá các loại hàng hóa như dầu thô và quặng sắt, vốn biến động nhiều hơn so với giá thành phẩm, và cũng chịu tác động của các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là các tin tức xoay quanh rủi ro suy thoái. Mới đây, trong buổi điều trần với Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã phát biểu rằng Fed có thể tăng lãi suất cao hơn so với dự kiến, khi mà lạm phát vẫn còn dai dẳng. Công cụ theo dõi của CME cũng cho thấy có tới 80% khả năng Fed tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 3 sắp tới. Mức đỉnh lãi suất cũng đang được nâng lên từ 5,50 – 5,75%.

Động thái trên khiến cho đồng USD tăng trở lại, trong bối cảnh triển vọng tiêu thụ vẫn thiếu chắc chắn, thông tin này có thể gây sức ép lên giá hàng hóa. Nếu giá các loại vật liệu giảm với tốc độ mạnh hơn đà tăng của đồng bạc xanh, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp ở Việt Nam có cơ hội để tích trữ nguyên liệu đầu vào với mức giá rẻ hơn.

Trong nước, mặc dù vẫn chịu sức ép về tỷ giá, nhưng mới đây Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm. “Có thể thấy, dù những rủi ro vĩ mô trên toàn cầu đang gia tăng, nhưng nền kinh tế vĩ mô trong nước vẫn duy trì được sự ổn định khi mà dòng vốn tín dụng vẫn được lưu thông nhịp nhàng. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước ta trong thời kỳ đầy thách thức như hiện nay”, ông Phạm Quang Anh đánh giá.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ nước ta nhấn mạnh vào trọng tâm về việc thực hiện tốt chính sách tài khoá, đồng thời phối hợp với chính sách tiền tệ hợp lý hiệu quả, cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường vốn trong năm 2023 cũng sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu. Lũy kế thu NSNN 2 tháng đầu năm ước đạt 362,3 nghìn tỷ đồng, bằng 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022, là tín hiệu tích cực nhằm thực hiện hoá các mục tiêu nêu trên.
Trong năm nay, các đề xuất gia hạn giãn hoãn thời gian nộp thuế như năm 2022, và việc Chính phủ đồng ý giảm 3% tiền thuê đất, thực hiện giảm thuế môi trường cho xăng dầu và một số khoản phí và lệ phí… cũng sẽ góp phần ổn định cho các doanh nghiệp sản xuất và giá thành phẩm đầu ra.

Nguồn: Tiên Phạm/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)