Việt Nam từ lâu đã có tên trên bản đồ điều thế giới. Kể từ năm 2006-2015, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới, năng lực chế biến hằng năm lên tới 1,4 triệu tấn (chiếm gần 50% trong tổng số 2,9 triệu tấn điều thô chế biến trên toàn cầu).
Xuất khẩu nhân điều sơ chế tuy là hướng đi truyền thống nhưng không đem lại nhiều giá trị kinh tế cho nhà sản xuất, người lao động và nông dân. Đầu năm 2006, C&N (CasNa) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên nghiên cứu và thử nghiệm các sản phẩm điều chế biến sâu. Từ năm 2008, các lô hàng chế biến sâu như điều chiên muối, điều tẩm mật ong, điều wasabi... lần đầu tiên được xuất khẩu sang Úc, Hồng Kông, đánh dấu một cột mốc quan trọng của C&N, một trong những doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh nhất ngành điều.
Việc đầu tư cho điều chế biến sâu để xuất khẩu không chỉ đem lại giá trị cao cho nhà sản xuất mà còn giúp tăng giá thu mua nguyên liệu cho nông dân, tăng thu nhập cho người lao động và tăng nguồn thu ngoại tệ. Làm một phép tính, 4 kg điều thô cho ra 1 kg điều thành phẩm, sau khi cộng thêm chi phí chế biến, giá trị 1 tấn điều chế biến sâu là 8.800 USD. Giá bán đến tay người tiêu dùng có thể đạt từ 14.000-20.000 USD/tấn, tăng hơn 100% so với giá trị ban đầu.
Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của C&N đạt 40 triệu USD. Đây là kết quả kinh doanh mà có lẽ 4 nhà sáng lập không nghĩ đến trong chuỗi ngày chật vật thành lập Công ty cuối những năm 1990. Chỉ với mục tiêu cải thiện giá thu mua nguyên liệu, tạo thêm thu nhập cho người nông dân, Công ty Điều Tanimex-LA, tiền thân của C&N ngày nay, được thành lập với số vốn điều lệ 650 triệu đồng vào năm 1998. Hai năm đầu sau khi thành lập, Công ty chưa có nhiều khách hàng, chỉ xuất khẩu bằng hình thức ủy thác hoặc gia công cho các doanh nghiệp khác, kim ngạch xuất khẩu lúc này đạt khoảng 3 triệu USD. Đến năm 2001, sau khi ổn định mạng lưới khách hàng và sản xuất, C&N đã xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc, rồi dần mở rộng sang thị trường châu Á, Mỹ, châu Âu và Úc...Tham vong 50 trieu USD cua hat dieu
Giai đoạn từ năm 2009 cho tới nay, quyết định mang tính bước ngoặt của C&N là đầu tư 80 tỉ đồng xây dựng nhà máy và đầu tư trang thiết bị để cắt giảm chi phí sản xuất (giảm số lao động từ 1.800 còn 700 công nhân), nâng cao năng lực sản xuất với công suất chế biến trung bình 50-60 tấn điều thô/ngày.
“Một trong những giai đoạn khó khăn nhất là vào những năm 2008-2010, khủng hoảng kinh tế xảy ra khiến nhiều doanh nghiệp không lường được rủi ro tăng giá, mỗi container xuất đi lỗ từ 200-400 triệu đồng. Dù bị lỗ hàng chục tỉ đồng, C&N vẫn thực hiện các hợp đồng đã ký và cố gắng giao hàng đúng hẹn. Qua giai đoạn khó khăn, chính những khách hàng này lại thân thiết và tin tưởng ký những hợp đồng lớn với C&N”, ông Nguyễn Đức Thanh, Tổng Giám đốc C&N, bộc bạch sau hơn 30 năm gắn bó với ngành điều.
Một nửa trong hơn 1.000 cơ sở chế biến điều của cả nước chọn con đường xuất khẩu. Các nhà nhập khẩu điều sơ chế chính của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, châu Âu... Sở dĩ không đặt trọng tâm ở thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp cho biết vì thói quen tiêu dùng các loại hạt của người Việt không cao. Khách hàng tại thị trường nội địa thường chỉ mua hạt điều trong những dịp lễ Tết, tỉ lệ hiện diện của hạt điều trong các thực phẩm chế biến còn thấp. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), mức tiêu thụ điều tại thị trường nội địa mới chỉ dừng lại ở tỉ lệ 5-6% tổng sản lượng ngành điều. Để phát triển bền vững, nâng cao tiêu thụ điều nội địa cũng đang là một hướng đi quan trọng của các doanh nghiệp ngành điều.
Năm 2012, khi nhiều khách hàng xuống nhà máy C&N tại Long An để mua sản phẩm, lãnh đạo của C&N nhận ra đã bỏ qua thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng, đồng thời lên kế hoạch giúp người tiêu dùng Việt Nam làm quen với một sản phẩm tốt cho sức khỏe với chỉ số đường huyết thấp, chứa hàm lượng omega 3 và nhiều khoáng chất...
Thông thường, các sản phẩm điều chế biến sâu có hạn sử dụng là 1 năm, song với thời tiết và khí hậu tại Việt Nam, sau khi đến được tay người tiêu dùng thường mất đi độ giòn, thơm ngon và mùi vị đặc trưng. Từ đó C&N đã xây dựng lại chiến lược phân phối, điều chỉnh thời hạn sử dụng xuống còn 6 tháng, chỉ sản xuất khi có đơn hàng và lựa chọn những đại lý bán lẻ để sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Các quyết định trên khá liều lĩnh khi đem lại doanh thu không cao, nhưng đổi lại sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu bền vững tại thị trường điều nội địa còn sơ khai.
Đối với nhiều doanh nghiệp trong ngành, nguyên liệu là khâu nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Từ thời sơ khai, cây điều không phải là loại cây nông nghiệp được quy hoạch dài hạn, mà chỉ có tác dụng phủ kín đồi trọc hay xóa đói giảm nghèo, sản lượng điều nội địa chỉ cung cấp được khoảng 1/3 nhu cầu chế biến trong nước. Là quốc gia xuất khẩu điều số 1 thế giới, Việt Nam cũng là nước nhập khẩu điều nguyên liệu ở mức cao nhất. Vài năm trở lại đây với sản lượng điều thô nhập khẩu năm 2015 lên tới 867.000 tấn từ 25 quốc gia. Riêng tháng 6, Việt Nam đã nhập khẩu 158.300 tấn hạt điều, trị giá 231,3 triệu USD, tăng 56,5% về lượng và tăng 59,2% về trị giá so với tháng liền kề trước đó.
Để đảm bảo được 20.000 tấn nguyên liệu/năm, C&N phải cân đối nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sản xuất các mặt hàng chế biến sâu. “Theo kinh nghiệm của chúng tôi, điều Việt Nam có chất lượng ngon hơn hẳn điều nhập khẩu. Béo hơn, thơm hơn, hàm lượng omega cao hơn và có vị ngọt tự nhiên dễ cảm nhận, nên chúng tôi vẫn yêu thích nguồn nguyên liệu điều Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc Kinh doanh của C&N, chia sẻ.
Lịch sử và công nghệ chế biến của ngành điều Việt Nam cũng là một câu chuyện thú vị và cho thấy lợi thế của hạt điều Việt Nam. Theo tìm hiểu, năm 1982, ông Phạm Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đã chỉ thị cho ông Mười Phi, Giám đốc Sở Ngoại thương TP.HCM, nghiên cứu chế biến hạt điều xuất khẩu chứ không chỉ dừng lại ở xuất nguyên liệu thô. Một nhóm kỹ sư thuộc Công ty Nông sản Xuất khẩu TP.HCM đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu trong 3 năm trước khi đạt được thành công bước đầu khi cho ra đời công nghệ chế biến điều nhân xuất khẩu.
Năm 1989, công nghệ này được chuyển giao cho tỉnh Long An, sau đó là tỉnh Sông Bé rồi dần lan sang các tỉnh thành khác và trở thành nền tảng cho ngành chế biến điều hiện tại. Qua thời gian dài nghiên cứu và cải tiến, công nghệ chế biến điều “Made in Vietnam” này được các chuyên gia thế giới đánh giá cao vì tỉ lệ bể vỡ và nhiễm dầu thấp. “Tại C&N, bên cạnh công nghệ đã có, chúng tôi cũng liên tục đầu tư và học hỏi công nghệ để tăng tỉ lệ cơ giới hóa trong sản xuất đạt khoảng 60-70%. Tỉ lệ này sẽ tiếp tục được cải thiện”, ông Thanh cho biết.
Sau khi xây dựng được chỗ đứng trong ngành, bên cạnh mục tiêu giữ vững doanh số, Công ty sẽ tiếp tục tập trung cho các dòng sản phẩm chế biến sâu để đa dạng hóa ngành hàng và tiếp tục tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới trong thời gian tới, đồng thời, giữ vững được lợi thế tại thị trường nội địa.

Nguồn: Lan Anh/Nhipcaudautu.vn