Kết thúc phiên 28/6, giá dầu WTI đóng cửa cao hơn 2% lên 111,76 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 2,54% lên 113,80 USD/thùng. Cả hai mặt hàng dầu thô tăng đều tăng giá phiên thứ ba liên tiếp khiến cho chỉ số MXV- Index Năng lượng tăng 0,58% lên 5.407,94 điểm.
Giải pháp mới để xoa dịu những nỗi lo mất cân bằng cung cầu
Các nhà hoạch định chính sách đã tìm mọi cách nhằm gia tăng nguồn cung, và hạn chế nhu cầu tiêu thụ để giá dầu thô hạ nhiệt. Hiện nay, do các lệnh cấm vận mà sản lượng dầu của Nga có thể sẽ giảm từ 11,3 triệu thùng còn 9,3 triệu thùng trong năm nay. Mức thâm hụt này khó có thể được bù đắp lại ngay cả khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) gia tăng sản lượng.
Vì thế, bên cạnh việc tăng lãi suất để hạn chế tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và nhu cầu tiêu thụ đối với dầu thô và các sản phẩm lọc dầu, các nhà lãnh đạo đang tìm kiếm một giải pháp khác để giúp cho tình trạng mất cân bằng cung cầu trên thế giới không quá nghiêm trọng.
Tại hội nghị Thượng đỉnh G7 đang được tổ chức tại Đức, các nhà lãnh đạo đang thảo luận về việc áp một mức giá trần đối với dầu thô của Nga. Theo Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Janet Yellen, chính sách này có thể giúp gia tăng nguồn cung dầu thế giới, đồng thời cắt giảm mức lợi nhuận từ việc bán dầu của Nga, nhằm giảm bớt nguồn thu nhập đang tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Các quan chức đang cân nhắc việc cấm toàn diện tất cả các dịch vụ từ vận chuyển tới kinh doanh dầu thô và các sản phẩm lọc dầu của Nga, trừ khi dầu được mua bằng hoặc thấp hơn mức giá trần được thỏa thuận.
Những rào cản đe dọa sự thành công của chính sách
Ý tưởng này dù nhận được nhiều sự ủng hộ mạnh mẽ, nhất là từ Mỹ và Italy nhưng sẽ còn rất nhiều khó khăn trước mắt để đạt được sự đồng thuận cao giữa các quốc gia và thực thi chính sách. Đầu tiên, việc áp dụng cơ chế này có thể đặc biệt khó khăn đối với Liên minh châu Âu, nơi cần có thỏa thuận từ tất cả 27 quốc gia thành viên để thay đổi các biện pháp trừng phạt hiện có,
Chính sách này đang được “đơn phương” thảo luận ở phía Mỹ và các nước đồng minh, còn phía Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào về vấn đề này. Trong kịch bản tiêu cực, nếu Nga không chấp nhận chính sách này, mà tiến hành đáp trả ngược lại, tình hình nguồn cung dầu thế giới sẽ càng bất ổn hơn, còn các nền kinh tế của Châu Âu và Bắc Mỹ sẽ phải gánh chịu nhiều thiệt hại vì giá năng lượng tiếp tục leo thang.
Ngay cả trong kịch bản tích cực, những cuộc đàm phán giữa nội bộ EU hay G7 và cả những cuộc đàm phán song phương thường mất rất nhiều thời gian mới có thể đạt được sự đồng thuận, nên chính sách áp giá trần đối với dầu thô của Nga có thể chưa mang lại hiệu quả ngay lập tức đối với vấn đề nguồn cung bị thắt chặt hiện nay.
Bất ổn nguồn cung ngắn hạn không ngừng gia tăng
Trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách vẫn đang đàm phán, thị trường dầu thế giới đã đón nhận rất nhiều tin tức tiêu cực về nguồn cung và khiến cho cán cân cung cầu khó có thể quay trở lại trạng thái cân bằng.
Về phía OPEC+, sản lượng của nhóm khó có thể tăng mạnh khi mà năng lực sản xuất dự phòng đang cạn kiệt. Bên cạnh đó, những hạn chế về vốn đầu tư cho các dự án khai thác, cùng với những bất ổn chính trị khiến hầu hết các thành viên của OPEC không thể tăng sản lượng, thậm chí còn sụt giảm mạnh như ở Libya.
Mặc dù đã cam kết sẽ gia tăng sản lượng cho thị trường, nhưng số liệu thực tế chỉ ra rằng các thành viên đang không đáp ứng được hạn ngạch đề ra. Trong tháng 5, OPEC+ đã sản xuất thấp hơn mục tiêu chung 2,69 triệu thùng/ngày.
Không chỉ OPEC+, Mỹ cũng phải đối mặt với các vấn đề về nguồn cung khi năng lực lọc dầu vẫn chưa quay trở lại mức trước đại dịch.Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô qua các cảng ở Vịnh Mexico đang được ước tính có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại mới là 3,3 triệu thùng trong quý II. Điều này sẽ gây sức ép đối với người tiêu dùng ở Mỹ, khi mà nguồn cung dầu thô và các sản phẩm lọc dầu bị hạn chế sẽ khiến cho giá năng lượng tiếp tục neo ở mức cao.
Về phía tiêu thụ, Trung Quốc mới đây đã công bố sẽ nới lỏng các hạn chế chống dịch, trong đó có cả những hạn chế đối với du khách nhập cảnh. Nếu nhu cầu tiêu thụ từ nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu tăng mạnh để phục hồi kinh tế, cân bằng cung – cầu sẽ ngày càng khó có thể lấy lại trạng thái cân bằng.
Có thể thấy triển vọng tăng trưởng nguồn cung dầu toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, nên ngay cả khi các nhà chức trách tìm cách thay đổi chính sách để kiểm soát giá, giá dầu vẫn có thể neo ở những vùng cao do áp lực nguồn cung ngắn hạn.
Tiên Phạm – Hồng Hoa