Lo ngại về hạn hán kéo giá ngô bật tăng mạnh
Sau kì nghỉ Lễ, các mặt hàng nông sản được giao dịch trở lại trong phiên đầu tiên của tháng 6 với nhiều diễn biến khởi sắc. Ngô và lúa mì là 2 mặt hàng đáng chú ý nhất khi tăng rất mạnh gần 5% trong phiên hôm qua. Giá ngô đã tăng kịch trần 40 cent chỉ vài phút sau khi bắt đầu phiên Mỹ, tuy nhiên tâm lý chốt lời ngắn đã đẩy giá giảm nhẹ trờ lại vào cuối phiên về mức 688.75 cent/giạ, tăng 32 cent so với mức tham chiếu. Giá lúa mì đóng cửa cũng tăng rất mạnh 4.52%, lên mức 693.50 cent/giạ.
Dự báo thời tiết cho thấy vùng đồng bằng phía Bắc và Trung Tây của Mỹ sẽ trải qua nhiệt độ cao và khô hạn hơn, khiến cho độ ẩm của đất giảm nhanh hơn. Thông tin này gây ra lo ngại cho chất lượng ngô của khu vực này và hỗ trợ cho đà tăng của giá. Bên cạnh đó, hạn hán tiếp tục kéo dài ở Brazil và đạt mức báo động trong hơn 90 năm là yếu tố chính lý giải cho phiên tăng mạnh của ngô. Đứng trước tình trạng này, các hàng tư vấn lớn trên thế giới như AgRural, StoneX đã đồng loạt giảm dự đoán sản lượng ngô của Brazil niên vụ 2020/21 xuống dưới 90 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với con số 102 triệu tấn mà Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra trong báo cáo Cung- cầu tháng 5. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy khả năng cao USDA cũng sẽ giảm mức sản lượng dự báo trong báo cáo tiếp theo.
Rạng sáng nay, USDA đã công bố báo cáo Crop Progress cho thấy 76% vụ ngô được đánh giá tốt trở lên, cao hơn nhiều so với mức dự đoán của thị trường là 70%. Thông tin này sẽ hạn chế đà tăng của giá trong phiên hôm nay. Tháng 6 là bắt đầu vào giai đoạn cao điểm của mùa hè nên thường sẽ xuất hiện các thông tin về thời tiết khô hạn. Nhìn lại lịch sử giá ngô trong các năm, thời điểm này cũng là lúc mà giá sẽ trải qua đợt tăng do ảnh hưởng của hạn hán, kéo theo chuỗi hệ quả liên quan tới các vấn đề về nguồn cung. Nếu tình trạng lượng mưa thiếu hụt ở Trung Tây, Mỹ tiếp tục diễn ra thì sẽ là yếu tố “bullish” mạnh với giá trong vài tuần tới. Ngược lại, nếu mưa xuất hiện ở Brazil, thì cũng chưa chắc sẽ khiến giá giảm mạnh vì đã quá muộn để có những cải thiện đáng kể tới ngô vụ 2 đã bị thiệt hại nặng nề tại nước này. Ngoài ra, trong vài phiên gần đây, giá ngô có xu hướng tăng mạnh hơn với những hợp đồng tháng xa cho thấy nhu cầu dài hạn đang tăng lên. Chính vì vậy, trong vài tuần tới, ngô có thể sẽ dao động trong kênh xu hướng tăng.
Mở cửa phiên sáng nay, giá ngô đang được giao dịch ở mức 686 cent/giạ. Hiện tại, giá đã vượt lên đường SMA 20 ngày và đang hướng lên dải trên của Bollinger Bands. Chỉ báo động lượng MACD cắt lên cũng cho thấy giá có khả năng cao là tiếp tục tăng. Có thể trong tuần sau, giá ngô sẽ vượt được mốc kháng cự 700.
 
Giá lúa mì cũng tăng lên một phần nhờ vào đà tăng của ngô. Bên cạnh đó, thông tin Nga hạ mức thuế xuất khẩu từ 32,59 USD/tấn xuống còn 28,10 USD/tấn và có hiệu lực từ ngày 2 tháng 6 tới, nhưng mức xuất khẩu lúa mì của nước này được dự báo là thấp hơn niên vụ trước đã cho thấy triển vọng tích cực hơn cho lúa mì Mỹ. Đây cũng là yếu tố góp phần vào đà tăng mạnh hôm qua của mặt hàng này.
Cũng Trong Báo cáo Crop Progress, thông tin 43% diện tích lúa mì vụ xuân được đánh giá tốt trở lên, giảm xuống 2% so với tuần trước sẽ là yếu tố “bullish" đối với giá lúa mì trong phiên hôm nay.
Mở cửa sáng nay, lúa mì đang được giao dịch ở mức 691 cent/giạ. Các chỉ báo kĩ thuật như RSI hay MACD mặc dù không cho tín hiệu quá rõ ràng nhưng đều ủng hộ cho xu hướng tăng giá. Có thể trong vài phiên tới, giá lúa mì sẽ tiến tới mốc kháng cự 700.
 
Kịch bản nào cho thị trường kim loại quý khi Fed tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng?
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6, giá Bạc giảm 0.24% còn 28.1 USD/ounce, trong khi giá Bạch kim vẫn duy trì được đà tăng của phiên trước đó, tăng 0.72% lên 1199.7 USD/ounce.
Giá Bạc có lúc chạm tới mức 28.7 USD, lần thứ 4 kể từ đầu năm, tuy nhiên, giá không thể giữ được ở mức này do áp lực bán mạnh vào cuối phiên. So với lần trước đó, khi giá Bạc chạm đến mức 28.7 USD và giảm mạnh về 24 USD, phải mất tới gần 3 tháng để giá Bạc có thể quay trở lại mức này, thì lần này, giá Bạc hồi phục lại chỉ trong vòng 10 phiên giao dịch. Có thể thấy, triển vọng tăng giá của Bạc ngày càng được củng cố dù giá đóng cửa thấp hơn.
Trái ngược với Bạc, Bạch kim hôm qua trải qua lực bán mạnh ở giữa phiên, đưa giá về gần mức hỗ trợ 1170 USD/ounce, tuy nhiên trước khi giá chạm mức này, lực mua mạnh kéo giá Bạch kim tăng trở lại.
Tuy biến động mạnh trong phiên, nhưng giá các mặt hàng kim loại quý vẫn chưa thoát khỏi xu hướng đi ngang trong ngắn hạn khi sự chú ý của thị trường đều được đổ dồn vào bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell cuối tuần này. Các nhà đầu tư đều mong muốn biết về động thái tiếp theo của Fed đối với các chính sách tiền tệ. Thêm vào đó, Tổng thống Biden tiếp tục đề xuất gói ngân sách 6.000 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và phát triển năng suất do dân số già hóa, lực lượng lao động giảm.
Vì thế, nếu Fed tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cộng thêm với chính sách tài khoá nới lỏng được Quốc hội Mỹ thông qua, nền kinh tế nhiều khả năng phục hồi nhanh hơn so với dự tính của các nhà chức trách, làm cho chi tiêu vượt quá khả năng cung cấp hàng hoá và dịch vụ của nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc chính phủ hỗ trợ người dân quá mức sẽ làm giảm động lực làm việc và gây ra tình trạng thiếu lao động, buộc các công ty phải tăng lương. Cán cân cung cầu sẽ càng trở nên mất cân bằng khi sản xuất không theo kịp nhu cầu, giá cả hàng hoá được dự đoán sẽ tăng ở mức khó kiểm soát.
Trong bối cảnh đó, các kim loại quý như Bạc và Bạch kim sẽ được hưởng lợi và sẽ tăng mạnh trong nửa cuối của năm nay nhờ được hỗ trợ bởi vai trò trú ẩn an toàn và nhu cầu cho nguyên liệu sản xuất tăng.
Góc nhìn kỹ thuật cho phiên giao dịch hôm nay
Giá Bạc hiện đang tích luỹ rất chắc chắn trong khu vực 27.5 – 28 USD. Trong phiên hôm qua, giá đóng cửa tạo thành hình nến Gravestone Doji, thể hiện rằng lực mua đã yếu hẳn so với lực bán, rất có thể giá trong phiên hôm nay sẽ giảm về mức hỗ trợ mạnh là 27.5 USD/pound. Biên độ dao động dự đoán trong phiên hôm nay là 27.5 – 28.1 USD.

Đối với Bạch kim, mức 1200 vẫn là một mức kháng cự khá mạnh khi hôm qua giá vẫn không thể đóng cửa trên mức này. Thêm vào đó, Bạch kim cũng là một mặt hàng có khá nhiều yếu tố đầu cơ, nên hành vi giá ở các vùng kháng cự và hỗ trợ khá mạnh. Trong phiên hôm nay, giá Bạch kim được dự đoán sẽ giảm và dao động trong khu vực 1180 – 1200 USD/pound.
 
Giá dầu có thể tiếp tục tăng trong tuần này
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá dầu Brent vượt mốc 70 USD/thùng lần đầu tiên trong 2 năm trong khi giá WTI cũng lên 67.72 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Giá tăng nhờ Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh OPEC+ giữ nguyên mức gia tăng sản lượng trong tháng 6 và tháng 7.
Kinh tế phục hồi kéo theo các hoạt đông sản xuất và nhu cầu di chuyển gia tăng trên thế giới. Ngày hôm qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế nâng dự báo GDP trong nhóm năm 2021 tăng từ 4.2% lên 5.8% - mức cao nhất kể từ năm 1973 nhờ quá trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19 thuận lợi giúp đẩy nhanh quá trình mở cửa.
Trong khi đó, nguồn cung sẽ không gia tăng đột ngột trong quý II, III khi mà kết quả cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran-Mỹ bị lùi đến tháng 8. Ngay cả trong trường hợp Iran được phép xuất khẩu dầu trở lại, dự kiến OPEC sẽ có các động thái kiểm soát cung để hỗ trợ giá, khi mà cuộc họp vừa qua nhóm không đề cập đến các thay đổi trong chính sách hạn ngạch từ tháng 8 trở đi. Ngoài ra, với xu hướng phát triển “năng lượng xanh” tại Mỹ và các nước phương Tây, nhiều khả năng các hãng năng lượng sẽ gia tăng đầu tư vào hạng mục năng lượng thay thế, đồng thời ngừng hoặc giảm bớt các khoản tiền khai thác giếng dầu. Theo phát biểu mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đầu tư vào ngành dầu khí truyền thống tăng 10% so với năm trước, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch. Trong khi đó, 2021 sẽ là năm thứ 6 liên tiếp đầu tư vào điện cao hơn đầu tư vào ngành dầu khí.
Về mặt kỹ thuật, giá đang test lại ở khoảng 67.5 USD/thùng và các chỉ số RSI, MACD đều đang báo hiệu giảm. Tuy nhiên, giá vẫn có khả năng tăng lên 68 USD/thùng trong một vài phiên tới, nếu Báo cáo tồn kho dầu của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lương Mỹ (EIA) tiếp tục cho thấy tồn kho giảm.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)