Giá đậu tương vẫn đang duy trì mức tăng mạnh trước triển vọng nguồn cung sẽ bị cắt giảm
Mở cửa phiên giao dịch ngày 04/01, giá đậu tương tiếp tục đà tăng mạnh và lấy lại hoàn toàn mức giảm trong phiên thứ 5 tuần trước. Mặc dù diễn biến tăng mạnh vẫn được duy trì nhưng biến động trong phiên hôm qua cho thấy việc đặt vị thế mua mới đuổi theo giá thị trường sẽ rất rủi ro đối với nhà đầu tư.
Việc giá tạo gapup, tăng mạnh khi mở cửa và mặc dù đóng cửa vẫn tăng lên nhưng trong phiên có thời điểm đã giảm tới 25 cents từ mức cao nhất cho thấy đậu tương đang ở trong giai đoạn rung lắc rất mạnh và việc lựa chọn điểm vào hợp lí sẽ là mấu chốt trong một xu hướng tăng mạnh như hiện tại.
Trước hết, về nguồn cung, các yếu tố tác động tới giá vẫn đang thiên về tính “bullish”. Tại Argentina, thời tiết vẫn duy trì khô hạn, thiếu hụt độ ẩm ngày càng trầm trọng hơn khi nhiệt độ dự báo sẽ vẫn ở mức cao. Trong khi đó, thời tiết khắc nghiệt đối lập giữa hạn hán ở miền nam và mưa quá nhiều ở miền bắc và miền trung Brazil cũng đang ảnh hưởng rõ ràng hơn tới đánh giá của các tổ chức về triển vọng mùa vụ đậu tương niên vụ 2021/22.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Giá hai mặt hàng cà phê có thể không đi cùng chiều với nhau trong ngắn hạn
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022, giá Arabica giảm hơn 1% còn 223 cents/pound. Thị trường Robusta không giao dịch trong phiên hôm qua, nên mức chênh lệch giữa hai Sở được thu hẹp còn 52% chiết khấu cho giá Robusta.
Thị trường Arabica không còn nhận được sự hỗ trợ từ các tin tức cơ bản, cộng thêm số ca mắc mỗi ngày tại hai thị trường tiêu thụ chính là Châu Âu và Bắc Mỹ tăng mạnh, nên phe bán hoàn toàn áp đảo trên thị trường trong phiên tối qua. Mức tồn kho Arabica cũng giảm nhẹ về 1.538 triệu bao, nhưng không đủ để hỗ trợ cho giá, vì đà giảm đã chững lại trong các tuần gần đây.
Xuất khẩu cà phê của Bờ Biển Ngà trong tháng 11, nhà sản xuất cà phê Robusta hàng đầu ở Tây Phi đạt 42,766 bao trong tháng 11, thấp hơn 97.05% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của những chậm trễ trong chuỗi cung ứng. Đây không phải số liệu mang tính dự báo, mà chỉ có tính chất xác nhận xu hướng giá.
Trong phiên hôm nay, giá Arabica có thể sẽ tiếp tục giảm bởi mức chênh lệch phù hợp giữa hai Sở sẽ dao động từ 47 – 50% chiết khấu cho giá Robusta. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ cà phê tại các nhà hàng vẫn chưa phục hồi do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Áp lực thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc sẽ tiếp tục đè nặng lên giá đồng
Giá đồng giằng co rất mạnh trong phiên giao dịch đầu năm mới rồi đóng cửa giảm 1% còn 4.42 USD/pound.
Giá đồng chịu sức ép rất lớn bởi triển vọng u ám của thị trường bất động sản Trung Quốc. Dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tiến hành nới lỏng các chính sách tiền tệ, nhưng các chủ đầu tư và doanh nghiệp bất động sản vẫn phải đối mặt với áp lực thanh khoản khi các khoản nợ trái phiếu và nợ lương nhân viên đáo hạn. Nhu cầu cho các khoản tiền mặt có thể lên tới 708 tỷ USD trong tháng 1, và một phần lớn trong đó đến từ các khoản vay tiêu dùng để chi tiêu cho dịp Tết Nguyên đán.
Trong ngắn hạn, những vấn đề này sẽ khó có thể được giải quyết và là một yếu tố đè nặng lên sự tăng trưởng của thị trường đồng. Chỉ số PMI sản xuất của Caixin công bố trong sáng nay cũng tăng lên 50.9 điểm, cao hơn gần 1 điểm so với tháng trước, tuy nhiên, tin tức này chỉ hỗ trợ giá đồng neo ở mức cao như hiện tại, chứ không thể thúc đẩy giá bứt phá lên trên mức 4.5 USD.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Sản lượng từ các nước chịu cấm vận sẽ là yếu tố bất ngờ cho thị trường thời gian tới
Giá dầu tăng ngay trong phiên đầu tuần, bất chấp các thông tin tiêu cực xung quanh diễn biến của đại dịch COVID-19. Kết thúc giao dịch, giá WTI tăng 1.16% lên 76.08 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1.33% lên 78.98 USD/thùng.
Trong số 23 thành viên và đồng minh của OPEC+, có 3 nước được miễn trừ khỏi các thảo thuận cắt giảm sản lượng là Libya, Venezuela và Iran. Hiện tại, ngoại trừ Libya đang gặp vấn đề lớn đối với việc gia tăng sản lượng, 2 nước còn lại được cho là đang có kế hoạch thúc đẩy sản lượng.
Sản lượng trung bình trong tháng đạt 625,000 thùng/ngày, và là tháng tăng sản lượng thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, sau khi đã ký kết dự thảo Kế hoạch 25 năm với Trung Quốc, ngành dầu khí Iran có khả năng sẽ nhận được khoản tiền đầu tư lên đến 280-400 tỷ USD.
Theo ước tính, điều này có thể giúp cho Iran phục hồi ngành dầu khí sau nhiều năm thiếu đầu tư. Trong trường hợp Iran được gỡ các lệnh cấm xuất khẩu dầu ngay 2022, sản lượng dầu có thể tăng nhanh 1.6 – 1.7 triệu thùng/ngày trong vòng 6 - 9 tháng. Dầu thô của Iran cũng có thể là động lực giúp cho sản lượng của Venezuela đi lên, do đây là một nguyên liệu quan trọng để trộn với loại dầu cát nặng của Venezuela.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV