Đà giảm có khả năng vẫn tiếp tục duy trì đối với thị trường đậu tương trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 04/08, giá đậu tương tiếp tục nối tiếp đà suy yếu từ 4 phiên trước đó. Sau chuỗi tăng vọt tuần vừa rồi, đậu tương nhanh chóng quay đầu do tâm lí phản ứng thái quá của thị trường về ảnh hưởng của thời tiết đối với mùa vụ tại Mỹ. Nếu như khô hạn là yếu tố làm gia tăng lo ngại về năng suất đậu tương thì ngược lại, lượng mưa được ghi nhận tại các khu vực gieo trồng trong tuần này đã tạo áp lực mạnh tương tự tới giá mặt hàng này. Điều này cũng góp phần lý giải cho việc giá biến động mạnh mẽ trong giai đoạn này, mặc dù không xuất hiện thêm các thông tin cơ bản mới cho thấy sự thay đổi cơ cấu cung – cầu.
Tại Mỹ, chất lượng đậu tương đã xấu đi trong 6 tuần liên tiếp sau báo cáo Crop Progress đầu tiên của năm nay. Đây là khoảng thời gian giảm dài nhất của số liệu trên kể từ năm 2012, khi một đợt hạn hán kỷ lục xảy ra trên khắp nước Mỹ. Con số mùa vụ càng trở nên khó đoán hơn khi mưa lại xuất hiện trong thời gian gần đây và giúp cải thiện năng suất cây trồng. Ngược lại, tình hình ở Brazil lại khả quan hơn nhiều khi một số dự báo cho thấy sản lượng đậu tương Brazil niên vụ 22/23 có thể đạt 152 triệu tấn, cao hơn nhiều so với mức kỉ lục mà USDA hiện đang dự báo là 149 triệu tấn.
Xét trên góc độ kĩ thuật, giá đậu tương đang ở trong đà giảm mạnh và đã phá vỡ mức chặn dưới của khoảng giằng co 1375 – 1405 trước đó. Điều này cho thấy phe bán hiện tại đang dần lấy lại ưu thế và đang được đẩy mạnh hơn nữa. Với bối cảnh thiêu vắng thông tin mới xuất hiện thì chúng tôi cho rằng giá đậu tương vẫn sẽ tiếp tục suy yếu. Tuy nhiên, giá sẽ khó có thể giảm sâu hơn vùng 1320 do những rủi ro về thời tiết đối với màu vụ đậu tương Mỹ vẫn đang hiện diện, ít nhất là cho tới trước khi cây trồng đã bước qua giai đoạn phát triển quan trọng. Còn trong giai đoạn tháng 8 này, dự báo về lượng mưa ở Midwest sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến diễn biến giá đậu tương trong phiên.

Giá bông kỳ vọng sẽ giằng co trong phiên hôm nay khi thị trường đang chờ đợi số liệu dự đoán từ báo cáo WASDE trong tuần tới
Kết thúc phiên giao dich 03/08, 2 mặt hàng bông và đường diễn biến trái chiều nhau. Trong khi đường tăng giá nhờ sự hỗ trợ từ việc đồng Real hồi phục 2 phiên liên tiếp, bông suy yếu trước những lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, giảm nhu cầu nhập khẩu bông từ Mỹ của Trung Quốc.
Bắt đầu từ 01/10, Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 3 thế giới, tăng giá sàn đối với mía từ 2.90 USD/tạ lên 3.05 USD/tạ. Điều này sẽ khiến chi phí sản xuất đường tăng lên, kéo theo giá đường nội địa. Tuy nhiên trong dài hạn, khi giá đường nội địa ở mức cao sẽ làm giảm cạnh tranh so với đường từ các nước xuất khẩu lớn khác như Brazil và Thái Lan. Điều này sẽ khiến việc xuất khẩu ra quốc tế gặp rủi ro cũng như hạn chế việc nhập khẩu từ các quốc gia khác, khiến Ấn Độ phải quay lại với các chính sách nới lỏng nguồn cung và tác động tiêu cực lên giá.
Giá xăng dầu trong tháng 07, tại Brazil giảm 14.01% so với tháng trước và ethanol cũng giảm 8.34%. Điều này càng đẩy mạnh hơn nữa lợi thế cạnh tranh của đường, từ đó thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường, khiến nguồn cung nới lỏng và gây sức ép lên giá trong thời gian tới.
Đối với bông, bên cạnh những tín hiệu tích cực về chất lượng mùa vụ bông tại Mỹ được phản ánh trong báo cáo Crop Progress tuần qua, thị trường đang trông chờ vào số liệu từ báo cáo bán hàng bông hàng tuần của Mỹ vào tối nay cũng như báo cáo Cung – cầu tháng 08 phát hành trong tuần tới.
Roger Varner, chủ tịch Varner Brokerage ở Cleveland, Mississippi, cho biết “Tôi không nghĩ giá bông sẽ vượt ra ngoài phạm vị 92 – 97 cents trước báo cáo WASDE, vì vậy có khả năng rất cao chỉ đi ngang trong 1 tuần rưỡi tới”. Nhận định này củng cố thêm cho những gì thực sự diễn ra trên thị trường khi giá bông trong 2 tuần qua vẫn đang trong tình trạng giằng co, cùng với yếu tố ảnh hưởng là thị trường tiền tệ cũng đang trong xu hướng đi ngang.
Về mặt kỹ thuật, dải Bollinger đang siết chặt 2 đầu, dự kiến giá sẽ giao động trong khoảng hẹp, cùng với giá nằm giữa 2 đường trung bình động MA10 và MA20.

Giá đồng có thể tiếp tục suy yếu khi vắng bóng các tin tức cơ bản mang tính tích cực
Đà phục hồi của giá đồng đang bắt đầu chững lại bất chấp nguồn cung suy yếu trong những phiên giao dịch gần đây. Một phần, những yếu tố rủi ro địa chính trị xung quanh căng thẳng Mỹ - Trung hạn chế tâm lý rủi ro của các nhà đầu tư. Mặt khác, thị trường dường như đang có rất ít những thông tin khẳng định cho nhu cầu phục hồi bùng nổ.
Về mặt vĩ mô, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian gần đây liên tục đưa ra các bình luận “diều hâu” tái khẳng định tiến trình tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Mới đây, Chủ tịch Fed St. Louis trong cuộc phỏng vấn với CNBC phát biểu rằng những hành động mạnh mẽ cần phải thực hiện để đưa lạm phát về mốc 2%. Trước đó, chủ tịch Fed Chicago bày tỏ quan điểm nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ ổn nếu 75 điểm cơ bản tiếp tục được bổ sung vào tháng 9. Cam kết mạnh mẽ được khẳng định vẫn sẽ là yếu tố gây ra áp lực tới thị trường kim loại nói chung và đồng nói riêng.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh mới đây đang cân nhắc mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, mức lớn nhất trong 27 năm bất chấp rủi ro suy thoái ngày càng tăng. Như vậy, khoảng 70 Ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã tăng lãi suất ít nhất nửa điểm một lần trong năm nay. Mặc dù tâm lý lo ngại về suy thoái kinh tế đã phản ánh vào giá đồng từ trước đó. Tuy nhiên, tăng trưởng chậm lại trên thực tế tiếp tục ngăn cản sự phục hồi trong nhu cầu về đồng khi các hoạt động sản xuất thắt chặt trong tương lai.
Tại thị trường Trung Quốc, truyền thông Tân Hoa xã mới đây đưa tin về việc Chính phủ quốc gia này đang có kế hoạch đầu tư hơn 150 tỷ nhân dân tệ trong nửa cuối năm 2022 vào các đường dây tải điện siêu cao áp. Việc xây dựng các dự án này nhằm kết nối với các vùng viễn Tây, nơi đặt chủ yếu các nhà máy năng lượng gió, mặt trời. Đây là ngành tiềm năng cho sự bùng nổ nhu cầu về đồng. Tuy nhiên, các chính sách sẽ cần thời gian để có thể phát huy hiệu quả. Trong ngắn hạn, thị trường đồng vẫn ít nhận được trợ lực giúp giá có thể bật tăng mạnh mẽ.

Giá dầu có thể ít biến động hơn trong phiên hôm nay, khi thị trường vắng bóng các tin tức có ảnh hưởng mạnh
Giá dầu không biến động mạnh trong sáng nay sau khi giảm về mức thấp nhất trong vòng 6 tháng. Sức ép kép từ việc nguồn cung dầu tăng lên trong khi triển vọng tiêu thụ kém đi đang khiến cho dòng tiền chưa quay trở lại với thị trường.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) mặc dù đã thống nhất tăng sản lượng thêm 100,000 thùng/ngày, tuy nhiên mức tăng khiêm tốn này chỉ đủ để đáp ứng 0.1% nhu cầu tiêu thụ của thế giới. Thông thường, tin tức này có thể khiến cho giá dầu tăng, nhưng nhà đầu tư hiện đang thận trọng trước việc nhu cầu tiêu thụ không những không tăng mạnh mà còn đang có dấu hiệu suy yếu.
Bên cạnh Mỹ, một trong những nhà tiêu thụ lớn nhất khác là Trung Quốc, hiện vẫn đang ưu tiên phòng chống dịch bệnh thay vì phát triển kinh tế. Theo khảo sát của China Beige Book International, sản lượng của các nhà máy tại Trung Quốc, cũng như số lượng đơn đặt hàng mới đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2020. Các nước khu vực Châu Âu cũng có nguy cơ bước vào suy thoái khi phải chống chọi với áp lực kép đến từ lạm phát và việc các Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất.
Trong hôm nay, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng sẽ có quyết định lãi suất mới và mức tăng đang được giới phân tích dự đoán là 0.5%. Mặc dù, động thái của BOE có thể sẽ không gây ảnh hưởng mạnh lên thị trường dầu như các quyết định của FED, nhưng xu hướng chung tăng lãi suất trên toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng tiêu thụ, bởi lãi suất cao hơn sẽ khiến cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Sau khi các tin tức và báo cáo tuần quan trọng đã được công bố vào hôm qua, giá dầu có thể có một phiên giao dịch ít biến động hơn, nếu các thị trường tài chính không chịu áp lực bán mạnh.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV