Liệu giá đậu tương có khả năng chinh phục trở lại mốc kháng cự 1400 hay không?
Mở cửa phiên giao dịch ngày 05/01, giá đậu tương đang quay đầu suy yếu trước thông tin về xuất khẩu ở Brazil. Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu ngũ cốc (Anec), luỹ kế bán hàng đậu tương tại Brazil tính đến hết năm 2021 là 86.63 triệu tấn, và là mức cao nhất từ trước đến nay. Sản lượng đậu tương kỉ lục được thu hoạch trong niên vụ 20/21 đã giúp thúc đẩy xuất khẩu tăng mạnh 6% so với niên vụ trước. Bán hàng khô đậu tương cũng tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ niên vụ 11/12. Tuy nhiên, những thông tin ảnh hưởng tới sản lượng đều đã được phản ánh vào giá nên thông tin này mặc dù về lý thuyết sẽ tạo áp lực lên giá đậu tương CBOT nhưng sẽ tác động sẽ không còn mạnh.
Trong khi đó, mặc dù hạn hán đã kéo dài ở Nam Mỹ từ cuối tháng 10 nhưng đến nay, các tổ chức lớn mới đang dần chuyển sang đánh giá tiêu cực hơn về mùa vụ ở 2 quốc gia sản xuất đậu tương chính này. Lượng mưa vẫn sẽ tiếp tục mở rộng ở Brazil tiếp tục gây ra ngập lụt ở các khu vực gieo trồng phía bắc.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Giá Arabica có thể tiếp tục dẫn dắt đà tăng của thị trường cà phê trong hôm nay
Kết thúc phiên 4/1, hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 3 tăng mạnh gần 4% lên 231.8 cents/pound.
Chính phủ Brazil ước tính rằng xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 12 đạt 3,460,667 bao, giảm 18.43% so với cùng kỳ năm ngoái, do ảnh hưởng bởi những chậm trễ trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ đối với thị trường Robusta, và cộng hưởng với tiến độ thu hoạch chậm của Việt Nam trong năm nay, khối lượng xuất khẩu của nước ta trong các tháng cao điểm của năm 2022 có thể sẽ giảm.
Trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt, nhu cầu tiêu thụ cà phê có thể sẽ không tăng quá mạnh, bởi hiện nay, dù người dân không còn quá lo ngại trước các tin tức về dịch bệnh, nhưng sự lây lan nhanh của biến thể Omicron sẽ giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê tại các hàng quán trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, lực lượng lao động trong các dịch vụ lưu trú và ăn uống của Mỹ tiếp tục giảm mạnh, gián tiếp phản ánh sự sụt giảm trong các hoạt động của nhà hàng và quán cà phê.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Những chính sách hỗ trợ của Trung Quốc chưa đủ để hỗ trợ giá đồng bứt phá
Giá đồng kết thúc phiên hôm qua với mức tăng 1.2% lên 4.47 USD/pound. Tuy nhiên, đây là phiên đi ngang thứ 8 liên tiếp của giá trong khoảng từ 4.38 – 4.48 USD.
Những tin tức rất tích cực về sự tăng trưởng của lĩnh vực xe điện (EV) đang hỗ trợ rất tốt cho giá đồng. Mới đây, Tesla công bố doanh số bán xe điện trong quý IV/2021 đạt gần 310,000 chiếc, tăng hơn 30% so với quý trước. Ngoài ra, doanh số bán xe sử dụng năng lượng tái tạo ở Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đạt khoảng 3 triệu chiếc trong năm 2022, cao hơn gấp đôi năm 2020. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đối với đồng trong những năm sắp tới, không chỉ riêng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, đà tăng của đồng đang phải đối mặt với một lực cản khá lớn đến từ sự suy yếu của thị trường bất động sản Trung Quốc. Trong tháng một, rất nhiều công ty phải thanh toán các khoản nợ trái phiếu và nợ lương nhân viên, nhưng phần lớn trong số các nhà phát triển vẫn đang chịu khủng hoảng tiền mặt. Trong sáng nay, có hai tập đoàn bất động sản trong top 30 của Trung Quốc công bố không trả cổ tức cho các nhà đầu tư để bảo toàn lượng tiền mặt.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá dầu có thể phá vỡ khoảng đi ngang trong 1-2 phiên tới, với xác suất tăng đang cao hơn
Các mặt hàng dầu thô đồng loạt tăng trong phiên hôm qua bất chấp quyết định tăng sản lượng của OPEC+. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.2% lên 76.99 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1.29%, lấy lại mốc giao dịch 80 USD/thùng.
Tương tự như giai đoạn tháng 8 năm ngoái, nguồn cung sụt giảm đang trở thành một trong các yếu tố chính thúc đẩy đà tăng của giá bất chấp các yếu tố hỗ trợ khác đang suy yếu. Nguồn cung suy yếu tại Libya có thể xem một trong những nguyên nhân quan trọng nhất để hỗ trợ phe bull hiện tại. Nếu ngành sản xuất dầu khí của Libya không thể nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất trở lại, kết hợp với sản lượng đang dần chững lại từ các nước OPEC+ như Nga, đây có thể là một trong các yếu tố đẩy giá trở lại giao dịch trên vùng 80 USD/thùng. Lũ lụt ở Malaysia cũng đang là một yếu tố thị trường qua tâm do có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất dầu của nước này.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV