Đà tăng ngắn của ngô có thể sẽ tiếp tục được duy trì trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 05/04, giá ngô tiếp nối đà tăng từ phiên hôm qua nhờ diễn biến tăng vọt của lúa mì. Hiện tại, giá đã gần với mức chặn trên của khoảng biến động đi ngang kể từ đầu tháng 3 cho tới nay và ngô là mặt hàng nông sản duy nhất vẫn đang duy trì được xu hướng sideway này. Nếu giá đi ngang càng lâu thì khi giá vượt ra khỏi giai đoạn này sẽ đi theo xu hướng càng mạnh. Hiện tại, với số liệu diện tích gieo trồng ở Mỹ trong năm nay thấp hơn nhiều so với kì vọng của thị trường thì giá ngô sẽ khó có thể giảm sâu. Tuy nhiên, nếu tình hình chiến tranh ổn định hơn thì giá cũng không thể tăng mạnh lên được. Trước 2 yếu tố đang tác động mạnh nhất lên giá nhưng lại trái chiều nhau, giá ngô có khả năng sẽ vẫn duy trì khoảng sideway hiện tại cho tới khi 1 trong 2 yếu tố trên có sự thay đổi hoặc xuất hiện thêm thông tin cơ bản mới đủ mạnh ảnh hưởng lên cung – cầu.
Nông dân Mỹ đang bắt đầu bước vào gieo trồng cho mùa vụ sắp tới. Trung bình, báo cáo Triển vọng gieo trồng vào tháng 3 sẽ thấp hơn so với số liệu thực tế. Nếu như nông dân đã có đủ phân bón, hạt giống và hoá chất thì tiến độ gieo trồng nhanh chóng có thể sẽ giúp mở rộng con số diện tích này. Bên cạnh đó, việc thay đổi quyết định gieo trồng trong những tháng tới khi lợi nhuận giữa các mặt hàng thay đổi cũng có thể là yếu tố đáng chú ý trong dài hạn.
Mặc dù không quá tác động mạnh đến giá trong giai đoạn này nhưng triển vọng ngô vụ 2 của Brazil có thể sẽ ảnh hưởng đến những số liệu trong báo cáo Cung – cầu tuần này. Trong báo cáo trước, USDA vẫn giữ nguyên mức sản lượng dự kiến của Brazil là 114 triệu tấn và thậm chí các hãng tin hay tổ chức lớn còn cắt giảm xuống mức thấp hơn. Tuy nhiên với vụ ngô thứ 2 có khởi đầu thuận lợi nhờ những trận mưa tích cực giúp cải thiện độ ẩm đúng lúc, trái ngược với tình hình vụ 1. Đây có thể sẽ là yếu tố “bearish” đối với giá ngô trong tuần này.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Triển vọng tiêu thụ tích cực có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ giá cà phê Robusta bứt phá ra khỏi vùng đi ngang
Thị trường cà phê ngày 04/04 tiếp tục ghi nhận diễn biến trái chiều nhau, trong đó giá Arabica trên Sở ICE US tăng 0.9% lên mức 230.6 cents/pound, giá Robusta trên Sở ICE EU giảm 0.3% về mức 2132 USD/tấn.
Đối với mặt hàng Arabica, giá được hỗ trợ neo ở mức cao nhờ những thông tin liên quan đến nước xuất khẩu hàng đầu là Brazil. Cụ thể, việc đồng nội tệ Reals của nước này đạt mức cao kỷ lục trong vòng 2 năm trở lại đây đã khiến người nông dân hạn chế bán hàng. Chính phủ Brazil đồng thời cho biết, xuất khẩu cà phê trong tháng 3 của nước này đạt hơn 203 nghìn tấn, thấp hơn 15.9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng thông tin này chỉ có tác động trong ngắn hạn do Brazil đang ở trong năm được mùa và chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch, do đó hoạt động xuất khẩu sẽ sớm được đẩy mạnh.
Ngoài ra, tồn kho Arabica trên Sở ICE đã tăng trở lại nhưng vẫn ở dưới mức 1.1 triệu bao, do đó giá Arabica vẫn có khả năng giữ vững đà tăng trong ngắn hạn.
Xét về yếu tố kỹ thuật, chỉ số RSI đang hướng lên trên và chưa bước vào vùng quá bán, giá quay đầu giảm sau khi chạm ngưỡng kháng cự 232 cents, do đó giá hôm nay có thể sẽ dao động quanh vùng giá này.
Giá Robusta đóng cửa giảm nhẹ do nước xuất khẩu số 1 thế giới là Việt Nam cho biết, xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm đạt 541 nghìn tấn, tăng 19.2% so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch trị giá 1.2 tỷ USD. Tuy nhiên, giá Robusta trong trung và dài hạn vẫn sẽ được hỗ trợ neo ở mức cao do thị trường cà phê hoà tan toàn cầu trong năm 2028 ước tính sẽ đạt 98.7 tỷ USD với mức tăng trưởng hàng năm đạt 6%, theo công ty Million Insights.
Giá Robusta trong phiên hôm qua diễn biến giằng co ở vùng hỗ trợ 2130 USD, dải Bollinger Bands có dấu hiệu thu hẹp, do đó giá Robusta có khả năng sẽ thiết lập xu hướng mới. Trong phiên hôm nay, giá có thể test mức kháng cự 2170 USD.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Giá đồng có thể tăng khi Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu cho các nước phương Tây
Giá đồng tăng gần 2% trong phiên giao dịch đầu tuần lên 4.78 USD/pound. Xu thế đi lên của thị trường đồng vẫn khá vững chắc, bất chấp những tin tức tiêu cực của Trung Quốc.
Hiện nhà sản xuất đồng số một thế giới đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch lớn nhất kể từ tháng 3/2020 đến nay. Đáng chú ý, Thượng Hải, thành phố quan trọng đối với các hoạt động xuất nhập khẩu đồng, vẫn đang ở trong tình trạng bị phong tỏa, và số ca nhiễm hiện đã tăng lên 13,000 người.
Giới phân tích dự đoán nhu cầu tiêu thụ đồng của Trung Quốc sẽ sụt giảm vì các hoạt động sản xuất và xây dựng đều bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. Tuy vậy, các số liệu tồn kho đồng ở nước này vẫn giảm, cụ thể, mức dự trữ trên Sở giảm về khoảng 41,000 tấn. Tồn kho tại các tỉnh lớn của Trung Quốc trong tuần vừa qua giảm 4,500 tấn về 137,700 tấn. Dựa trên những số liệu này, Trung Quốc có thể vẫn duy trì các hoạt động luyện kim để phục vụ các hoạt động xuất khẩu đồng, bởi hiện giá đồng đang rất gần với mức cao nhất mọi thời đại, và nhu cầu tiêu thụ đồng trong lĩnh vực năng lượng xanh ngày một gia tăng.
Sản lượng đồng ở Chile và Peru hiện đang có nguy cơ sụt giảm vì thiếu hụt nước và ảnh hưởng của các cuộc biểu tình, trong khi nhu cầu của các nước tiêu thụ nhiều như khu vực Châu Âu vẫn gia tăng để đáp ứng các hoạt động sản xuất xe điện, nên Trung Quốc có thể hưởng lợi nhờ các hoạt động xuất khẩu.
Ngoài ra, việc gia tăng nguồn cung đồng chắc chắn phải mất tới nhiều năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ có thể tăng đột biến bất kỳ lúc nào, nên thị trường đồng vẫn đang có nguy cơ đối mặt với những sức ép về nguồn cung. Hiện mức tồn kho trên Sở LME dù đã tăng lên gần 95,000 tấn nhưng vẫn thấp hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì thế giá đồng vẫn có khả năng neo ở những vùng giá cao.
Về mặt kỹ thuật, chỉ số RSI cho thấy sức mua trên thị trường đồng đang áp đảo. Giá test lại mức kháng cự 4.8 USD/pound lần thứ ba. Tuy nhiên, việc short ở mức giá này hiện khá rủi ro, nên các nhà đầu tư có thể đợi giá hồi về 4.8 rồi mua lướt sóng với kỳ vọng chốt lời 4.89 USD.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá dầu thô tăng mạnh trước lo ngại về các lệnh cấm vận của châu Âu
Giá dầu tăng mạnh trong phiên đầu tuần, do khả năng các nước châu Âu gia tăng các lệnh trừng phạt với Nga. Cụ thể, giá dầu thô WTI tăng 4.04% lên 103.28 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 3.01% lên 107.53 USD/thùng.
Mặc dù các nước châu Âu đang cân nhắc gia tăng các biện pháp trừng phạt lên Nga, tuy nhiên khó có thể kỳ vọng các quốc gia này sẽ áp dụng lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn giống như Mỹ. Độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu của cả khối lên đến gần 58% trong năm 2020, với đối tác cung cấp lớn nhất là Nga. Gần 27% lượng dầu nhập khẩu, 40% lượng khí tự nhiên và 50% than của 27 thành viên đến từ Nga. Trong số đó, Đức, “đầu tầu” nền kinh tế của cả khối nhập khẩu 34% dầu, 55% khí và 50% than cần thiết từ Nga. Đặc biệt, nước này tiếp nhận khí tự nhiên khô thông qua đường ống, và không có cơ sở tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng nội địa như Pháp, do đó sẽ gặp nhiều khó khăn nếu áp dụng các biện pháp trừng phạt quá cứng rắn như Mỹ. Tuy vậy, theo ước tính của Bloombergs, nếu EU tiếp tục nhập khẩu năng lượng từ Nga, Nga có thể thu lợi 321 tỷ USD doanh thu, tăng hơn 30% so với 2021, đủ giúp cho nước này giảm thiểu các tác động từ các lệnh trừng phạt kinh tế khác. Như vậy, khả năng cao các lệnh cấm vận và EU dự kiến sẽ thảo luận trong hôm nay sẽ không hướng tới một lệnh cấm vận hoàn toàn giống trường hợp Mỹ và Iran, nhưng cũng sẽ đủ để cho giảm năng lực sản xuất của Nga. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giá dầu tăng trong phiên tối nay.
Các chỉ số kỹ thuật đang trái chiều nhau với MACD vẫn đang hướng xuống trong khi RSI đang có dấu hiệu đi lên. Giá đã vượt qua kháng cự vùng 101.40 và đang tiến tới vùng giá 106.80 USD/thùng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV