Thị trường đậu tương sẽ tiếp tục phản ứng với các số liệu “bearish" từ báo cáo Triển vọng gieo trồng của Mỹ
Mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4, nhóm đậu tương đang tiếp tục suy yếu với sự dẫn dắt của dầu đậu tương. Giá đậu tương đang ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 2, tức là giai đoạn ngay sau đà tăng vọt do lo ngại về những ảnh hưởng của cuộc chiến tại Biển Đen. Xu hướng sideway cũng đã bị phá vỡ xuống sau khi giá xác nhận đóng cửa dưới mức 1640. Hiện tại, với các số liệu trong báo cáo hôm qua, chúng tôi cho rằng thị trường đậu tương có thể sẽ bước vào nhịp giảm mới.
Kể từ cuối năm ngoái cho tới nay, đà tăng của đậu tương đều gắn liền với các vấn đề gây ra lo ngại về nguồn cung từ hạn hán ở Nam Mỹ, đến chiến tranh ở Biển Đen. Chính vì thế thị trường sẽ rất kỳ vọng vào triển vọng gieo trồng mùa vụ tới của Mỹ. Những số liệu diện tích đậu tương dự kiến trong năm 2022 được công bố vào tối hôm qua cho thấy nguồn cung vượt lên trên dự đoán của thị trường. Với diện tích 90.96 triệu mẫu cùng với thời tiết không quá tiêu cực, sản lượng đậu tương của Mỹ trong niên vụ tới có thể sẽ đạt mức kỉ lục. Điều này sẽ làm giảm bớt áp lực lên nguồn cung toàn cầu trong bối cảnh lo ngại về chiến tranh giữa Nga và Ukraine đang dần hạ nhiệt. Nếu như mức diện tích thấp hơn khiến cho đậu tương sắp bước vào xu hướng tăng kéo dài vào thời điểm này năm ngoái thì báo cáo mới đây đang tác động “bearish” lên giá. Và cùng với sự xác nhận của mô hình kĩ thuật khi giá break khỏi vùng tích luỹ đi ngang, xu hướng giảm của đậu tương đang được hình thành.
Trong khi đó, hoạt động thu hoạch đậu tương ở Argentina cũng bắt đầu sớm hơn so với năm ngoái. Theo báo cáo từ Sở giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE), chất lượng cây trồng cải thiện nhẹ lên mức 33% diện tích đạt tốt - tuyệt vời. Độ ẩm không còn là mối lo ngại đối với cây trồng và dự báo thời tiết khô ráo sắp tới sẽ giúp đẩy mạnh tiến độ và giúp đẩy nhanh nguồn cung ra thị trường quốc tế.
Khánh Linh
 
Tồn kho Arabica trên Sở ICE quay đầu giảm sẽ củng cố đà tăng của giá cà phê trong ngắn hạn
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/03, thị trường cà phê tiếp tục bứt phá với giá cà phê Arabica trên Sở ICE US tăng 2% lên mức 226.4 cents/pound, giá cà phê Robusta trên Sở ICE EU tăng 0.6% lên mức 2165 USD/tấn.
Theo tổ chức cà phê thế giới, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong quý 1/2022 đã đạt 53.25 triệu bao, giảm 0.8% so với cùng kỳ năm ngoái do hoạt động tiêu thụ cà phê trong giai đoạn vừa qua bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19 và cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Sang tháng 4, đây vẫn sẽ là những yếu tố hỗ trợ giá cà phê neo ở mức cao do dịch bệnh và chiến tranh đang làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng và thúc đẩy chi phí vận chuyển leo thang.
Ghi nhận trong ngày 31/03, tồn kho Arabica trên Sở ICE tiếp tục giảm về mức 1.08 triệu bao. Trong khi đó, vùng cà phê Minas Gerais của Brazil đang phải đón nhận lượng mưa thấp hơn mức bình thường, kết hợp với tình trạng thiếu phân bón có thể làm sản lượng thực tế không đạt được như mức kỳ vọng trước đó. Điều này sẽ khiến cho thị trường một lần nữa lo ngại về nguồn cung và từ đó hỗ trợ giá tăng trong ngắn hạn.
Xét đến yếu tố kỹ thuật, chỉ số RSI đang hướng về vùng quá bán, giá đã vượt qua ngưỡng kháng cự 225 cents. Do đà tăng đã có dấu hiệu suy yếu trong cuối phiên hôm qua nên giá Arabica trong phiên hôm nay có thể sẽ dao động trong khoảng từ 225 cents đến 230 cents.
Đối với mặt hàng cà phê Robusta, thông tin về hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã phản ánh lên giá nên đà tăng trong phiên hôm qua đến từ diến biến của giá Arabica. Ngoài ra, do các quỹ đầu tư đã gia tăng vị thế mua đối với mặt hàng này kể từ tuần trước, do đó động lực mua ở thời điểm này cũng đã dần suy yếu.
Giá Robusta trong phiên hôm qua đã quay đầu giảm sau khi phá vỡ mức kháng cự 2170 USD, chỉ số RSI đang hướng lên trên vùng 50. Giá trong phiên hôm nay có khả năng sẽ test mức kháng cự 2200 USD.
Hà Linh
 
Doanh số bán nhà giảm có thể là yếu tố gia tăng sức ép lên thị trường đồng
Giá đồng kết thúc tháng 3 với mức tăng 6.6% lên 4.75 USD/pound. Điểm nhấn của thị trường trong ba mươi ngày qua thuộc về tuần giao dịch đầu tiên, khi mà giá lập đỉnh mới ở mức 5 USD/pound. Tuy nhiên, do đà tăng thiếu đi sự hỗ trợ từ các yếu tố về nhu cầu tiêu thụ nên giá không giữ được ở mức đỉnh này và đã giảm trở lại.
Nhìn chung, giá đồng vẫn đang trên một xu hướng tăng, nhờ vào những lo ngại về tình hình nguồn cung của thế giới. Do giá năng lượng gia tăng mà chi phí sản xuất cũng trở nên đắt đỏ hơn. Bên cạnh đó, công suất của các mỏ tại hai quốc gia sản xuất hàng đầu là Chile và Peru, cũng đang sụt giảm do ảnh hưởng của thiếu hụt nước và các cuộc biểu tình của người dân. Đà tăng của đồng có phần “từ tốn” hơn so với các mặt hàng khác như nông sản hay năng lượng, bởi nhu cầu tiêu thụ đồng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình dịch bệnh của Trung Quốc. Các chính sách kiểm soát dịch chặt chẽ đang làm cho nền kinh tế của Trung Quốc tổn thất nặng nề. Chỉ số PMI của Caixin tiếp tục cho thấy sự suy giảm trong hoạt động của các nhà máy, khi giảm từ 50 điểm về 48.1 điểm.
Các thước đo sức khỏe của nền kinh tế khác như doanh số bán lẻ, giá bán nhà và đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đều đang giảm từ cuối năm ngoái. Giới phân tích vẫn đang đặt câu hỏi về mức độ hiệu quả của chính sách “Không Covid” mà Trung Quốc vẫn đang theo đuổi, bởi thời gian phong tỏa càng lâu, thì mức độ ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế sẽ càng nặng nề.
Mặt khác, các nhà chức trách, từ Chủ tịch nước Tập Cận Bình, tới Thủ tướng Lý Khắc Cường, và cả những quan chức của Ngân hàng Nhân dân (PBOC) đều chỉ đang trấn an người dân bằng lời nói, chứ chưa có các biện pháp nào thực sự rõ rệt để giúp cho nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu tránh khỏi một cuộc suy thoái.
Các động thái này cũng phần nào hạn chế sức bán trên thị trường đồng và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư về khả năng kiểm soát dịch sớm của Trung Quốc.
Về mặt kỹ thuật, giá đồng vẫn đang duy trì xu hướng tăng, giá biến động trong kênh giá rộng. Tuy nhiên, các tin tức tiêu cực đang khiến cho sức ép bán mạnh lên, và chỉ số RSI giảm về dưới 50 trên khung H4. Giá đang tạo thành mô hình “vai – đầu – vai”, nên các nhà đầu tư có thể canh chốt lời ở mức 4.65 nếu đã có vị thế bán. Khuyến nghị mới: mở vị thế bán ở mức 4.7 – 4.65 USD.
Tiên Phạm
 
Giá dầu thô nhiều khả năng tiếp tục điều chỉnh, tuy nhiên khó có thể quay về vùng giá năm ngoái
Giá dầu giảm mạnh trong phiên hôm qua, khi Mỹ và các đồng minh dự định giải phóng một lượng dầu “khổng lồ” ra thị trường để hạ nhiệt giá. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI giảm 6.99% xuống 100.28 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 6.04% xuống 104.71 USD/thùng.
Bên cạnh việc Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden quyết định mở kho dự trữ chiến lược trong suốt 6 tháng, với lượng dầu tương đương 1 triệu thùng/ngày để hạ nhiệt cho thị trường, một chính sách nữa mà chính phủ đề xuất là thúc giục các công ty dầu khí trong nước nâng sản lượng. Trước mắt, Tổng thống Biden kêu gọi tính phí đối với các công ty có các hợp đồng cho phép khoan và khai thác trên đất liên bang mà không sử dụng. Trước đấy, một số nghị sĩ cũng đề nghị sẽ đánh thuế khoản thu lợi nhuận lớn mà các công ty được hưởng lợi, khi giá dầu tăng vọt do tác động của việc Nga tấn công vào Ukraine.
Tuy vậy, thực tế, ngay cả nếu các công ty có muốn tăng sản lượng, hiện tại về mặt năng lực họ khó có thể đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân là các công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn về mặt logistics cũng như về nhân lực. Hiện tại số giàn khoan đang ở mức 531 giàn, thấp hơn đáng kể con số trên 800 giàn thời kỳ trước dịch Covid-19. Khó khăn từ việc thuê nhân công đúng ngành cho đến tắc nghẽn tuyến vận chuyển, hoạt động sản xuất công nghiệp lẫn giá đầu vào sắt thép tăng đang tạo ra sức ép cho các ngành kinh tế nói chung lẫn ngành công nghiệp khai thác. Hơn thế nữa, kể cả khi các vấn đề này được giải quyết, thì từ khi bắt đầu hoạt động khoan cần ít nhất 6-8 tháng để giếng dầu đi vào hoạt động. Trong khi đó, số lượng giếng khoan đã đào nhưng chưa đi vào hoạt động (DUCs) vốn có thể kích hoạt để nhanh chóng gia tăng sản lương, hiện tại chỉ 4528, thấp hơn 1 nửa so với con số 8,835 trong năm 2020. Không những thế, số lượng DUCs còn giảm 19 tháng liên tiếp. Như vậy cho đến hết năm nay, khó có thể thấy sản lượng dầu đá phiến từ Mỹ gia tăng một cách có ý nghĩa. Vì vậy, dù có giảm trong ngắn hạn, giá dầu cũng khó có thể quay trở lại vùng giá năm ngoái.
Về mặt kỹ thuật, các chỉ số khá tiêu cực với RSI và MACD hướng sâu xuống dưới. Giá dầu WTI thất bại trong việc phá vỡ kháng cự vùng 101.20 USD/thùng và do đó có khả năng sẽ giảm sâu trong hôm nay và thách thức hỗ trợ vùng 96 USD/thùng.
Hồng Hoa