Các số liệu về diện tích gieo trồng và tồn kho tối nay có khả năng sẽ tạo sức ép lên giá đậu tương
Mở cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3 cũng là ngày được thị trường mong chờ trong suốt giai đoạn vừa rồi, giá đậu tương đang giảm nhẹ trở lại sau phiên tăng mạnh hôm qua. Giá hiện tại đã quay trở lại vùng sideway đi ngang kể từ đầu tháng. Sau 2 báo cáo quan trọng được USDA công bố vào 23h tối nay, giá đậu tương nhiều khả năng sẽ hình thành 1 xu hướng biến động mới.
Báo cáo Prospective Plantings được kì vọng sẽ có những số liệu ảnh hưởng mạnh tới giá đậu tương trong phiên tối nay. Trong báo cáo năm ngoái, đậu tương đã đóng cửa ở mức kịch trần khi diện tích gieo trồng thấp hơn so với kì vọng của thị trường mặc dù vẫn tăng 5% so với niên vụ trước. Hãng tin Reuters đã tổng hợp dự đoán trước báo cáo tối nay, trong đó diện tích gieo trồng đậu tương được cho là sẽ tăng lên mức 88.7 từ mức 87.2 triệu mẫu trong năm ngoái. Có thể thấy bối cảnh hiện tại đang khá tương đồng so với năm ngoái khi các số liệu dự đoán đều cao hơn. Tuy nhiên, theo chúng tôi, báo cáo tối nay sẽ tiềm ẩn nhiều tác động “bearish” hơn và khả năng giá tăng mạnh như năm ngoái là khá thấp. Mặc dù mức giá đậu tương đang khá hấp dẫn sau đợt tăng từ cuối năm ngoái cho tới nay cùng với việc chi phí phân bón tăng cao khiến nông dân hạn chế gieo trồng ngô, mức tăng diện tích lại được dự báo không quá lớn như năm ngoái. Điều này sẽ hạn chế khả năng số liệu thấp hơn nhiều so với kì vọng của thị trường như báo cáo trước.
Ngoài ra, mặc dù được dự đoán sẽ không ảnh hưởng như Triển vọng gieo trồng nhưng báo cáo Tồn kho quý cũng có thể phần nào tạo áp lực lên giá. Tốc độ xuất khẩu đậu tương trong tháng 12 và tháng 1 thấp hơn 25% so với năm ngoái có thể khiến cho tồn kho tăng lên đáng kể. Hiện tại, con số dự đoán đang ở mức 1.9 tỷ giạ, so với mức 1.6 tỷ giạ trong cùng kì niên vụ trước.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá Arabica có thể kéo dài đà tăng
Thị trường cà phê ngày 30/03 ghi nhận lực mua áp đảo của giới đầu tư, trong đó hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 2.8% lên mức 221.8 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn tăng 1.3% lên mức 2152 USD/tấn.
Những lo ngại về nguồn cung đã quay trở lại thị trường Arabica do tồn kho trên Sở ICE giảm liên tiếp trong 3 phiên gần đây sau khi duy trì đà hồi phục từ đầu tháng 3. Ngoài ra, giá cước vận chuyển sẽ còn tiếp tục tăng do tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển của Trung Quốc. Cụ thể, nhằm kiểm soát dịch bệnh, nước này đã phong toả một nửa thành phố Thượng Hải, từ đó khiến cho khả năng ùn tắc tại các cảng biển tăng cao, đặc biệt là khi nước này vừa kết thúc phong toả thành phố Thâm Quyến. Điều này sẽ làm tăng phí vận chuyển và từ đó khiến cho giá hàng hoá trở nên đắt đỏ hơn.
Ngoài ra, việc đồng Reals của Brazil thiết lập đỉnh mới trong vòng 2 năm trở lại đây sau khi Brazil mạnh tay nâng lãi suất cơ bản cũng đang là yếu tố hỗ trợ đà tăng cho giá mặt hàng Arabica.
Xét đến yếu tố kỹ thuật, chỉ số RSI đã vượt qua vùng 50 và đang có xu hướng đi lên. Sự xuất hiện của nến đảo chiều trong khung H4 cho thấy giá đang trên đà tăng và có thể test mức kháng cự 225 cents trong phiên hôm nay.
Đối với mặt hàng cà phê Robusta, nước xuất khẩu số 1 trên thế giới là Việt Nam cho biết, tính đến ngày 15/03, xuất khẩu cà phê đạt hơn 450 nghìn tấn, kim ngạch trị giá hơn 1 tỷ USD. Con số này tăng hơn 22% về lượng và 54% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, từ đó đem đến cái nhìn tích cực về triển vọng tiêu thụ. Tuy nhiên do thị trường chuẩn bị đón nhận nguồn cung từ Brazil và Colombia nên đà tăng của giá sẽ bị kìm hãm so với mặt hàng Arabica.
Hiện tại giá Robusta đang đi ngang trong khoảng trên của dải Bollinger Bands, chỉ số RSI đã vượt qua vùng 50, giá hôm nay có thể dao động xung quanh cùng giá 2170 USD.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Tăng trưởng trong sản xuất và xây dựng của Trung Quốc kém đi sẽ là yếu tố gây áp lực lên giá đồng
Kết thúc phiên giao dịch 30/3, giá đồng tăng phiên thứ ba liên tiếp lên 4.75 USD/pound. Giá đồng giằng co mạnh trong phiên, và đã có lúc chạm 4.83 USD/pound. Tuy nhiên, ở khu vực này, giá hấp thụ hết sức mua rồi sau đó giảm và lực bán mạnh hơn vẫn duy trì cho đến phiên sáng nay.
Các tin tức của Trung Quốc vẫn là chất xúc tác mạnh đối với giá đồng. Trong sáng nay, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố các số liệu Quản lý Thu mua (PMI) trong tháng 3 của nước này. Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất lần đầu giảm về dưới 50 điểm trong vòng 5 tháng, cho thấy mức độ suy yếu của các hoạt động sản xuất. Chỉ số PMI phi sản xuất, đo lường những hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ cũng giảm mạnh về 48.4 điểm. Các chỉ số đều phản ánh những tác động nặng nề mà nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới phải gánh chịu trong quá trình chống chọi với dịch bệnh Covid-19.
Các công ty như nhà cung cấp Foxconn của Apple Inc. đã tạm thời ngừng sản xuất tại Thâm Quyến trong thời gian thành phố đóng cửa kéo dài một tuần. Tại Trường Xuân, một trung tâm công nghiệp chiếm khoảng 11% tổng sản lượng ô tô hàng năm của Trung Quốc vào năm 2020, các nhà sản xuất ô tô như Toyota Motor Corp. đã buộc phải đóng cửa.
Chỉ số đo lường đơn đặt hàng xuất khẩu mới tiếp tục giảm, giảm xuống 47.2 trong tháng 3 từ mức 49 do “sự leo thang gần đây trong của cuộc xung đột địa chính trị ở Biển Đen”.
Giới phân tích cũng cho rằng những chỉ số của tháng 3 vẫn chưa phản ánh hết thực trạng của nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời cũng đưa ra dự báo rằng số liệu tháng 4 của nước này sẽ còn tiêu cực hơn nữa.
Đây là tin tức ảnh hưởng lớn đến thị trường đồng, và việc nhu cầu tiêu thụ sụt giảm vì các hoạt động sản xuất, xây dựng bị thu hẹp sẽ khiến cho sức mua trên thị trường đồng cũng bị kìm hãm. Bên cạnh đó, giá đồng hiện cũng đang rất gần với mức đỉnh lịch sử, nên mức giá cao hiện nay cũng làm cho các nhà tiêu thụ không muốn mua vào quá nhiều.
Xét về các yếu tố tích cực, giá đồng vẫn được hỗ trợ nhờ triển vọng phát triển của ngành năng lượng xanh, đặc biệt là xe điện. Tuy nhiên tin tức này không đủ để hỗ trợ cho giá bởi phần lớn sức mua đã bị hấp thụ hết trong phiên hôm qua.
Về mặt kỹ thuật, sức bán đang dần áp đảo hơn trên thị trường. Nhiều khả năng, giá sẽ test lại đường EMA 34 trên khung H1, tương đương với mức 4.65 USD/pound. Các nhà đầu tư có thể canh bán từ 4.72 – 4.67 USD.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Quyết định cuộc họp của OPEC+ tối nay sẽ không thể thay đổi hướng đi của thị trường
Giá dầu phục hồi trở lại trong phiên giao dịch hôm qua, khi thị trường cân nhắc về khả năng Liên minh châu Âu EU tăng cường các lệnh cấm vận lên Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô WTI tăng 3.43% lên 107.82 USD/thùng trong khi giá Brent 3.46% lên 111.44 USD/thùng.
Bên cạnh các thông tin mới từ các thay đổi dự kiến về mặt chính sách năng lượng của Mỹ, ngày hôm nay thị trường sẽ đón nhận các thông tin mới về cuộc họp nhóm của OPEC+. Trước mắt, các thông tin đều chỉ ra rằng OPEC+ khả năng cao sẽ vẫn giữ nguyên mức tăng sản lượng dầu dự kiến từ tháng 07/2021. Cuộc họp của Ủy ban Kỹ thuật JTC hôm qua, nhóm vẫn đưa ra nhận định khá lạc quan là trong quý I/2022 thị trường vẫn thặng dự 600,000 thùng/ngày. Kết quả cuộc họp kỹ thuật phần nào cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định đến cuộc họp ngày hôm nay. Khả năng cao mức tăng sản lượng trong tháng 5 chỉ ở mức 432,000 thùng/ngày như nhóm dự tính từ tháng 07/2021.
Còn theo ước tính của nhiều nhà phân tích khác, khối lượng xuất khẩu dầu của OPEC+ trong tháng 3 còn giảm hơn 300,000 so với tháng 2, bất chấp nhóm liên tục gia tăng hạn ngạch. Trong tháng 4, với việc dầu thô của Nga bắt đầu chịu nhiều cấm vận do thời gian ân huệ kết thúc, sản lượng dầu của Nga sẽ còn giảm mạnh hơn. Trong trường hợp này, dù OPEC+ có quyết định tăng thay đổi chính sách và tăng hạn ngạch thêm 600,000-800,000 thùng/ngày trong cuộc họp hôm nay, với quy định hiện tại là các thành viên sẽ không được sản bù đắp ngay cả khi 1 quốc gia không đủ năng lực đảm bảo sản lượng cam kết, thì thị trường cũng sẽ không thể được cải thiện nhanh chóng.
Về mặt kỹ thuật, các chỉ số tương đối tiêu cực, và giá đã test lại hỗ trợ tại vùng 101 USD/thùng. Nếu hỗ trợ này bị vỡ, giá có khả năng giảm sâu xuống vùng 98 USD/thùng. Ngược lại, giá có thể phục hồi lên gần ngưỡng 105 USD/thùng trong 1-2 phiên tới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV