Các yếu tố “bearish" vẫn sẽ duy trì đối với đậu tương cho tới trước 2 báo cáo quan trọng tuần này của USDA
Mở cửa phiên giao dịch ngày 29/03, giá đậu tương đang hồi phục nhẹ trở lại sau phiên rơi mạnh nhất kể từ cuối tháng 2. Diễn biến giằng co của đậu tương sau khi vượt lên khỏi vùng tích luỹ cho thấy lực mua đang không đủ mạnh dẫn tới việc giá nhanh chóng suy yếu sâu về vùng chặn dưới của khoảng đi ngang. Một phần những yếu tố về thời tiết ở Nam Mỹ không còn quá ảnh hưởng và hỗ trợ giá, bên cạnh đó, những kỳ vọng của thị trường về triển vọng nguồn cung đậu tương nới lỏng hơn trong những báo cáo quan trọng sắp tới đã tạo áp lực bán lên giá đậu tương.
Rõ ràng chi phí sản xuất là một trong những yếu tố đáng để cân nhắc đối với quyết định gieo trồng trong năm nay của nông dân Mỹ khi nguồn cung phân bón toàn cầu hạn chế đã đẩy giá lên mức cao nhất. Điều này sẽ tạo điều kiện để diện tích đậu tương mở rộng hơn so với năm ngoái nếu như so sánh với việc mở rộng diện tích ngô. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin thị trường, có khả năng diện tích đậu tương sẽ không mở rộng quá nhiều do không chỉ ngô, mà lúa mì hay bông cũng là một trong những lựa chọn thay thế đối với nông dân trong mùa vụ gieo trồng sắp tới.
Nhìn lại nguồn cung toàn cầu, mùa vụ đậu tương ở Nam Mỹ mặc dù không quá tốt như những kì vọng ban đầu nhưng cũng cải thiện so với năm ngoái và hoạt động thu hoạch vẫn đang diễn ra thuận lợi. So với ngô hay lúa mì, những mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến tranh Nga – Ukraine và triển vọng vẫn chưa rõ ràng khi căng thẳng vẫn đang tiếp diễn, thì nguồn cung của đậu tương lại ổn định hơn. Chính vì thế nên nếu như số liệu về diện tích ở Mỹ chỉ cải thiện nhẹ so với năm ngoái thì cũng sẽ là yếu tố “bearish” đối với đậu tương. Và với triển vọng sắp tới thì giá đậu tương có thể sẽ hình thành vùng đỉnh trong ngắn hạn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Triển vọng tiêu thụ tích cực sẽ hỗ trợ giá cà phê Robusta trở lại đà tăng
Thị trường cà phê ngày 28/03 đóng cửa trong sắc đỏ trước áp lực bán tháo của các quỹ đầu tư, trong đó hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 3.3% xuống mức 214.5 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn thấp hơn 0.4% ở mức 2140 USD/tấn.
Việc chứng khoán Mỹ tăng 3 phiên liên tiếp cho thấy giới đầu tư đang luân chuyển dòng tiền từ thị trường hàng hoá sang thị trường chứng khoán, từ đó lý giải cho mức giảm mạnh của giá Arabica trong phiên hôm qua.
Xét về nguồn cung, mặc dù Brazil đang phải trải qua điều kiện thời tiết khô hạn do hiện tượng LaNina gây ra, hợp tác xã cà phê lớn nhất nước này vẫn kỳ vọng sản lượng năm 2022 sẽ tăng 12.9% so với năm trước đó. Ngoài ra, tồn kho Arabica trên Sở ICE vẫn đang duy trì ở mức trên 1 triệu bao kể từ đầu tháng 3 cho đến nay, kết hợp với việc Brazil chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch đã cho thấy nguồn cung trong ngắn và trung hạn vẫn được đảm bảo.
Trong khi đó, sự hồi phục trong nhu cầu tiêu thụ cà phê tại các nước châu Âu đang bị ảnh hưởng do người dân đang phải ưu tiên chi tiêu cho các loại thực phẩm mang tính thiết yếu hơn, từ đó có thể khiến giá Arabica kéo dài đà giảm trong phiên hôm nay.
Tuy nhiên, việc giá cà phê Arabica giảm mạnh cũng sẽ là động lực thu hút dòng tiền của các quỹ đầu tư, từ đó kìm hãm đà giảm của giá.
Chỉ số RSI đang đi xuống vùng quá bán, tuy nhiên giá chưa phá vỡ hỗ trợ tâm lý 210 cents nên trong phiên hôm nay giá có thể test lại ngưỡng này và có khả năng xác định xu hướng mới.
Đối với mặt hàng Robusta, Tổng cục thống kê Việt Nam ước tính xuất khẩu cà phê trong quý 1 đầu năm tăng 19.4% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 541 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu tăng 50.4% lên mức 1.2 tỷ USD. Số liệu xuất khẩu tích cực cho thấy tiêu thụ cà phê Robusta đang được đẩy mạnh, từ đó hỗ trợ giá kéo dài đà tăng. Chỉ số RSI đang dao động ở vùng 50, giá Robusta có thể phá vỡ mức kháng cực 2160 USD.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Giá đồng vẫn đang giằng co trong khoảng hẹp do tình trạng sụt giảm nguồn cung và dịch bệnh ở Trung Quốc
Giá đồng tăng trở lại trong phiên hôm qua lên 4.72 USD/pound. Giá vẫn đang giằng co từ 4.6 – 4.8 USD/pound, và biên độ giao dịch thu hẹp dần trong các phiên gần đây cho thấy mức độ sôi động của thị trường đã giảm xuống.
Từ đầu năm đến nay, giá đồng đã tăng gần 7% tuy nhiên so với nhiều loai hàng hóa khác, mức tăng của giá đồng có phần khiêm tốn và không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản về cung cầu. Sức mua phần lớn phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư về nhu cầu tiêu thụ trong tương lai, thay vì những yếu tố hiện tại.
Nguồn cung ở hai nước sản xuất lớn là Chile và Peru được dự đoán sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt nguồn nước và các cuộc biểu tình tại các mỏ. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có những ước tính rõ ràng về tình trạng sụt giảm nguồn cung.
Về phía tiêu thụ, tâm điểm của thị trường vẫn hướng về Trung Quốc, trong bối cảnh quốc gia này vẫn rất quyết tâm thực hiện mục tiêu “Không Covid”. Hiện Thượng Hải, thành phố đông dân nhất của Trung Quốc với số dân lên tới 24 triệu người, đang phải tiến hành phong tỏa trong vòng 9 ngày để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệch. Đây cũng là một địa phương đầu tàu của nền kinh tế thứ hai toàn cầu, nên các hoạt động sản xuất cũng như vận chuyển cả trong và ngoài nước đều bị tê liệt.
Cảng biển Thượng Hải, và Thâm Quyến là cảng biển lớn nhất và lớn thứ ba trên thế giới, nên tình hình dịch hiện nay có thể gây gián đoạn nặng nề lên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện mức tồn kho trên Sở Thượng Hải giảm mạnh xuống còn 44,000 tấn, và là mức thấp nhất trong vòng 1.5 tháng. Số liệu năm nay cũng thấp nhất trong vòng 5 năm và đang là yếu tố hỗ trợ cho giá trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với triển vọng tiêu thụ kém khả quan của Trung Quốc hiện nay, khó có thể khẳng định rằng vì tồn kho thấp mà giá đồng sẽ tăng, thay vào đó, giá đồng có thể giảm trở lại.
Về mặt kỹ thuật, giá đồng vẫn đang biến động trong một kênh giá hướng lên. Chỉ số RSI trên mức 50, cùng với việc giá vẫn đang nằm trên hai đường EMA 34 và 89. Các nhà đầu tư nên đợi giá điều chỉnh lên và canh bán ở hai mức 4.75 và 4.82 USD với kỳ vọng chốt lời ở mức 4.65 USD.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá dầu thô có thể tiếp tục suy yếu nếu không có thêm thông tin hỗ trợ
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá dầu WTI giảm 6.97% xuống 105.96 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 6.71% xuống 109.41 USD/thùng.
Lo ngại về vùng giá “phá hủy nhu cầu” một lần nữa quay trở lại trên thị trường, nhất là sau triển vọng tiêu cực của kinh tế Trung Quốc, khi các tỉnh phía Đông như Thâm Quyến và Thượng Hải lần lượt tiến hành phong tỏa. Giới phân tích vẫn chưa thống nhất quan điểm về điểm thật sự sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu, và các ước tính kéo dài từ mức 120 cho đến 200 USD/thùng. Tuy vậy, một sự sụt giảm trong sức khỏe kinh tế Trung Quốc có thể kéo cho điểm giá này xuống thấp hơn, vì Trung Quốc tiêu thụ đến 15 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 15% nhu cầu của thế giới. Ngay cả trước khi có dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA đã điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu dầu thế giới xuống 1.3 triệu thùng/ngày từ quý II đến hết quý IV năm 2022, do tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm, một phần dưới tác động của lạm phát. Vì vậy, nếu Trung Quốc tiếp tục đưa ra các thông tin tiêu cực về tình hình dịch COVID-19, giá dầu có thể tiếp đà suy yếu, bất chấp cuộc chiến của Nga – Ukraine vẫn đang tiếp diễn và tạo hỗ trợ trong trung và dài hạn đối với thị trường.
Các chỉ số kỹ thuật tương đối tiêu cực với RSI và MACD hướng xuống vùng trung tính, trong khi MACD đã cắt xuống dưới đường Signal, sau khi đã phá vỡ hỗ trợ tại vùng 107.2 USD/thùng. Giá có thể test lại vùng 101 USD/thùng trong 1-2 phiên tới.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV