Các yếu tố cơ bản trái chiều đối với đậu tương sẽ khiến cho giá tiếp tục duy trì khoảng đi ngang
Mở cửa phiên giao dịch ngày 25/03, giá đậu tương tiếp tục suy yếu nhẹ xuống ngay dưới mốc kháng cự tâm lí 1700. Tuy nhiên, diễn biến chủ yếu vẫn đang khá giằng co khi các thông tin cơ bản về nguồn cung với đậu tương đang tác động trái chiều lên giá.
Theo báo cáo từ Sở giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE), thời tiết khô ráo trở lại trong tuần trước ở Argentina khiến cho chất lượng đậu tương giảm nhẹ. Cụ thể, diện tích đậu tương giảm xuống mức 32% diện tích đạt tốt - tuyệt vời, thấp hơn một chút so với mức 34% trong niên vụ 19/20. Nhìn chung, trong vài tuần gần đây, cây trồng đã dần ổn định hơn và ít chịu ảnh hưởng của khô hạn do ở trong giai đoạn phát triển cuối cùng trước thu hoạch. Tuy nhiên, BAGE cũng đang cảnh bảo về cơn bão sắp tới có thể sẽ mang tới gió và mưa lớn, khiến chất lượng cây trồng có thể tiếp tục giảm xuống.
Trong khi đó, tại Brazil, Emater cho biết, nông dân tại bang Rio Grande do Sul đã thu hoạch được 14% diện tích đậu tương dự kiến, tăng từ mức 9% trong tuần trước. Tiến độ vẫn đang chậm hơn mức 24% trung bình các niên vụ trước. Hiện tại đã có hơn 70% cây trồng sẵn sàng để thu hoạch và phần còn lại vẫn đang ở trong giai đoạn chín cuối cùng của hạt. Tuy nhiên, năng suất đậu tương ở khu vực này do ảnh hưởng của hạn hán nên ước tính chỉ đạt 1.46 kg/ha, thấp hơn 55% so với kì vọng ban đầu. Trong ngắn hạn, thông tin này có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ với đậu tương tuy nhiên tác động sẽ không quá mạnh do thời tiết đã khiến giá duy trì đà tăng trong suốt giai đoạn vừa qua.
Xét về mặt kĩ thuật, giá đậu tương đang tiếp tục suy yếu sau khi chạm mức kháng cự cũ 1730 và phiên suy yếu hôm qua đã làm mất đi hoàn toàn mức tăng của phiên trước đó cho thấy lực bán ở vùng giá này đang khá mạnh và có thể sẽ được đẩy mạnh trong phiên tối nay.
Khánh Linh
 
Diễn biến trái chiều có thể quay lại thị trường cà phê do Arabica đang đón nhận nhiều thông tin cơ bản hỗ trợ từ thị trường
Thị trường cà phê ngày 24/03 đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó giá Arabica trên Sở ICE US giảm 1.5% xuống mức 221.8 cents/pound, giá Robusta trên Sở EU giảm 0.1% xuống mức 2136 USD/tấn.
Việc các quỹ đầu tư tiếp tục cắt giảm vị thế mua đối với mặt hàng Arabica đã khiến giá đóng cửa trong sắc đỏ dù thị trường đang đón nhận nhiều thông tin cơ bản hỗ trợ liên quan đến nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ.
Cụ thể, nguồn cung cà phê tại Brazil và Colombia đang đối mặt với nhiều khó khăn do sự kéo dài của hiện tượng thời tiết La Nina. Hãng tin Safras và Mercado dự báo xuất khẩu cà phê của Brazil niên vụ 2022/23 sẽ chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn nhiều so với lượng xuất khẩu của năm 2020. Trong khi đó, Rabobank đã cắt giảm dự báo sản lượng cà phê của Brazil niên vụ này xuống còn 64.5 triệu bao. Do nhu cầu tiêu thụ cà phê của các quốc gia trên thế giới đang dần hồi phục trở lại sau đại dịch Covid-19 nên dự kiến nhu cầu nhập khẩu cà phê trong giai đoạn tới sẽ tăng mạnh, trong khi nguồn cung bị ảnh hưởng sẽ hỗ trợ giá Arabica duy trì đà tăng trong trung và dài hạn.
Xét về yếu tố kỹ thuật, chỉ số RSI đang ở vùng dưới 50, tuy nhiên do áp lực bán đã suy yếu vào cuối phiên hôm qua nên giá hôm nay có khả năng tăng hồi phục và test mức kháng cự 225 cents.
Đối với mặt hàng cà phê Robusta, giá suy yếu do vắng bóng thông tin cơ bản hỗ trợ từ thị trường. Tuy nhiên giá vẫn sẽ được hỗ trợ neo ở mức cao như hiện này do cà phê hoà tan từ Robusta đang ngày càng được ưa chuộng. Chỉ số RSI đang đi xuống vùng dưới 50, kết hợp với nến đảo chiều trong phiên trước đó nên giá hôm nay có thể sẽ tiếp tục suy yếu và phá vỡ mức hỗ trợ tâm lý 2100 USD.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Giá đồng có thể khôi phục lại sắc xanh trong phiên hôm nay, nhưng đà tăng sẽ thiếu bền vững
Giá đồng giảm 0.7% trong phiên hôm qua về 4.7 USD/pound. Thị trường hiện vẫn đang trong xu hướng đi lên, tuy nhiên các tin tức bất lợi đối với giá đồng đang ngày càng nhiều lên.
Đà tăng của thị trường hiện vẫn được hỗ trợ nhờ vào những lo ngại về nguồn cung, đặc biệt là sự sụt giảm mạnh mẽ của mức tồn kho trên Sở Thượng Hải, hiện chỉ còn dưới 50,000 tấn. Các hoạt động sản xuất và vận chuyển đồng hiện đang bị đình trệ do đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc. Hiện hai thành phố lớn là Bắc Kinh và Thượng Hải cũng đang có số ca nhiễm ngày càng tăng, do mật độ dân số đông đúc, và các nhà chức trách không thể hạn chế hoàn toàn các hoạt động đi lại.
Các nhà chức trách cũng hạn chế các hoạt động hậu cần, và khiến cho không chỉ chuỗi cung ứng hàng hóa nội địa gặp khó khăn, mà còn làm ảnh hưởng đến cả chuỗi cung ứng quốc tế. Vì vậy, nguồn cung đồng ở Trung Quốc rất có thể sẽ ở trong tình trạng bị thiếu hụt.
Tuy nhiên, khi xét tới nhu cầu tiêu thụ, với những biện pháp phòng dịch hiện nay, các ngành tiêu thụ nhiều kim loại như cơ sở hạ tầng, hay bất động sản đều chưa hồi phục. Thêm vào đó, nguy cơ bùng phát dịch rộng hơn ở Trung Quốc vẫn có thể sẽ xảy ra, nhất là khi không thể duy trì chính sách đóng cửa quá lâu. Số dân lớn và mật độ dân số cao cũng sẽ khiến cho dịch bệnh lây lan nhanh và mạnh hơn.
Có thể thấy đà tăng của giá đồng hiện nay không bền vững, nên nếu giá tăng lại lên mức đỉnh cũ cũng sẽ bị giảm mạnh xuống như lần tăng trước đó vào đầu tháng này.
Về mặt kỹ thuật, giá đồng đang ở trong một kênh giá hướng lên và đang giằng co giữa hai đường EMA 34 và 89. Trong phiên hôm nay, các nhà đầu tư có thể mua khi giá chạm biên dưới của kênh, tương đương mức 4.73 USD với kỳ vọng chốt lời ở mức 4.78 USD.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá dầu thô suy yếu do các nước châu Âu EU không đưa ra lệnh cấm vận dầu khí Nga
Giá dầu giảm điều chỉnh trong phiên hôm qua, sau khi phía Liên minh châu Âu EU thất bại trong việc gia tăng các lệnh cấm vận lên ngành dầu khí của Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 2.25% xuống 112.34 USD/thùng, giá Brent giảm 2.08% xuống 115.3 USD/thùng.
Bất chấp các kêu gọi gia tăng sản lượng của các nước phương Tây, các nhà sản xuất cả trong và ngoài OPEC dường như không quá hào hứng đối với phương án này. Sản lượng dầu của Mỹ tiếp tục duy trì ở mức 11.6 triệu thùng/ngày trong 7 tuần liên tiếp, trong khi số giàn khoan gia tăng luôn ở mức dưới 2 chữ số mỗi tuần. Trong khi đó, số lượng giếng đào nhưng chưa hoạt động (DUC - Drilled but uncompleted well) trong tháng 02/2022 giảm 156 so với tháng 01/2022, cho thấy năng lực sản xuất dự phòng cũng đang đi xuống. Như vậy, không chỉ khả năng tăng sản lượng trong tương lai gặp khó khăn, mà trong trường hợp gặp gián đoạn bất ngờ, ví dụ như tác động của thiên tai như cơn bão Ida năm ngoái, sản lượng sẽ khó có thể phục hồi. Điều này sẽ khiến cho thị trường trong trung và dài hạn dễ chịu biến động và các “cú sốc” lớn, có thể tạo tiền đề để giá tiếp tục tăng. Chỉ tính trong 3 đầu năm 2022, thị trường đã chịu nhiều gián đoạn nguồn cung hơn rất nhiều so với cả năm 2021. Không chỉ sản lượng dầu tại các nước bất ổn như Libya hay Nigeria, mà hoạt động sản xuất, vận chuyển tại các nước như Iraq hay Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, UAE cũng gặp nhiều sự cố hỏa hoạn hay đình công, cũng như tấn công bằng máy bay không người lái. Các bất ổn leo thang này chính là tiền đề để cho giá gia tăng. Trong hội nghị tuần này, các nhà đầu tư dầu cho rằng giá có thể chạm mức 200 USD/thùng trong năm nay.
Giá đã tìm thấy hỗ trợ tại vùng 110.5 USD/thùng trong khi liên tiếp chịu áp lực bán từ vùng kháng cự 116.5 USD/thùng. Khả năng cao trong phiên hôm nay giá sẽ còn tiếp tục giao dịch trong khoảng này khi không có nhiều thông tin mới. Xác suất giá thoát được vùng 116.5 USD/thùng là không lớn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV