Kỳ vọng diện tích gieo trồng Mỹ tăng lên sẽ là yếu tố khiến cho đậu tương khó duy trì trên vùng giá 1700
Mở cửa phiên giao dịch ngày 23/03, lực mua có phần chiếm ưu thế hơn đối với nhóm đậu tương nhưng mức tăng không quá mạnh do diễn biến trầm lắng của cả thị trường nông sản. Phiên hôm qua là một phiên khá quan trọng trong việc xác nhận xu hướng tiếp theo của đậu tương khi mặt hàng này không duy trì vùng giá trên mức 1700. Diễn biến này tương tự như phiên giao dịch 09/03, khi giá có dấu hiệu vượt lên khoảng tích luỹ đi ngang những cũng nhanh chóng đảo chiều và trở lại kênh sideway. Chính vì thế nên, trong vài phiên tới, khả năng giá vượt trở lại vùng 1700 là rất thấp.
Vào ngày 31/03, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ công bố báo cáo Prospective Plantings, cung cấp các số liệu dự kiến ban đầu về diện tích gieo trồng cho mùa vụ đậu tương sắp tới. Một số hãng phân tích cũng đã đưa ra dự đoán triển vọng, và các số liệu về đậu tương hầu như đều tích cực hơn so với mức 88 triệu mẫu trong Diễn đàn Nông nghiệp Mỹ và mức 87.2 triệu mẫu trong năm ngoái. Chi phí sản xuất là yếu tố chính khiến cho nông dân ưa chuộng gieo trồng đậu tương hơn so với ngô. Ngô mặc dù có sức chống chịu cao hơn nhưng năng suất lại bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi phân bón và trong bối cảnh mà giá phân bón vẫn đang tăng mạnh, đặc biệt là kể từ cuối năm ngoái cho tới nay sẽ hạn chế việc mở rộng sản xuất ngô và tăng tiềm năng đối với đậu tương.
Bên cạnh đó, nguồn cung phân bón từ Canada cũng đang bị gián đoạn khiến cho nông dân Mỹ không thể nhập khẩu để chuẩn bị cho giai đoạn gieo trồng tiếp theo cũng góp phần củng cố thêm kỳ vọng diện tích đậu tương Mỹ tăng lên trong báo cáo tới của USDA. Chính vì thế, cho tới trước khi USDA công bố báo cáo Triển vọng gieo trồng sắp tới, các yếu tố cơ bản đối với đậu tương sẽ thiên về tác động “bearish”.
Khánh Linh
 
Thị trường cà phê có thể kéo dài đà tăng trước sự hồi phục của nhu cầu tiêu thụ toàn cầu
Thị trường cà phê ngày 22/03 đóng cửa trước tâm lý giằng co của giới đầu tư, trong đó giá cà phê Arabica trên Sở ICE US tăng nhẹ 0.2% lên mức 225 cents/pound, giá cà phê Robusta trên Sở ICE EU giảm 0.2% xuống 2170 USD/tấn.
Mặc dù dao động trong biên độ rộng, giá cà phê Arabica đóng cửa chỉ tăng nhẹ do chịu tác động của những thông tin trái chiều nhau liên quan đến nguồn cung. Cụ thể, việc đồng Reals của Brazil đạt mức cao nhất trong vòng 8 tháng trở lại đây đã làm giảm động lực xuất khẩu của người nông dân trong ngắn hạn. Trong khi đó, Trung tâm dự báo khí hậu Mỹ cho biết, hiện tượng thời tiết La NiNa có khả năng sẽ kéo dài đến giữa năm, từ đó có thể ảnh hưởng đến nguồn cung trong dài hạn của Brazil và Colombia. Tuy nhiên, những thông tin trên chỉ hỗ trợ giá cà phê neo ở mức cao như hiện nay chứ chưa thể bứt phá do tồn kho Arabica trên Sở ICE đang duy trì đà hồi phục và đã đạt 1.13 triệu tấn.
Xét về triển vọng tiêu thụ, do một số quốc gia đã sẵn sàng đón khách du lịch trở lại nên nhu cầu tiêu thụ cà phê dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian này. Ngoài ra, Hiệp hội Cà Phê quốc gia của Mỹ cho biết tiêu thụ cà phê tuần vừa qua đã đạt mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây do người tiêu dùng vẫn tiếp tục sử dụng cà phê khi cách ly tại nhà, từ đó hỗ trợ giá Arabica tăng lên trong ngắn và trung hạn.
Xét về yếu tố kỹ thuật, giá đã vượt qua ngưỡng kháng cự 225 và có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong phiên hôm nay. Tuy nhiên chỉ số RSI trong khung D1 chỉ tăng nhẹ và vẫn đang hướng về vùng 50, cho nên giá hôm nay sẽ dao động trong khoảng từ 225 cents đến 230 cents.
Đối với mặt hàng cà phê Robusta, nhà sản xuất số 1 là Việt Nam cho biết, xuất khẩu cà phê trong 2 tháng đầu năm đạt hơn 370 nghìn tấn, kim ngạch trị giá hơn 823 triệu USD. Con số này tăng 31% về lượng và 66% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam còn nhiều dư địa để xuất khẩu cà phê sang các thị trường lớn như Mỹ, Đức, Pháp,…do đó giá còn nhiều tiềm năng để kéo dài đà tăng. Giá Robusta phiên hôm qua giằng co quanh mức kháng cự 2170 USD. Tuy nhiên chỉ số RSI chưa vào vùng quá mua nên giá có thể tiếp tục hướng tới mức 2200 USD trong phiên hôm nay.
Hà Linh
 
Giá đồng có thể tiếp tục giằng co trong khu vực đi ngang do các tin tức cơ bản cân bằng
Giá đồng giằng co mạnh trong phiên rồi đóng cửa không thay đổi quá nhiều so với phiên trước đó, giảm còn 4.7 USD/pound. Lực bán đã có dấu hiệu giảm bớt khiến cho giá đang giằng co ở biên độ 4.66 – 4.76 USD.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Đồng Quốc tế, thị trường đồng thế giới sẽ thâm hụt vào khoảng gần 700,000 tấn trong năm nay, tuy nhiên, cụm mỏ Kamoa – Kakula có thể đạt được sản lượng gần 800,000 nên sự thiếu hụt có thể không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường vẫn đối mặt với những sức ép nhất định.
Trung Quốc hiện đang tiến hành rất nhiều đợt phong tỏa và tạm dừng rất nhiều hoạt động sản xuất, trong đó có cả hoạt động luyện kim. Hiện mức tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải cũng giảm về dưới 60,000 tấn, tuy nhiên đây chưa chắc là dấu hiệu của việc nguồn cung bị thắt chặt, thay vào đó, nhu cầu tiêu thụ đồng có thể không tăng trưởng mạnh.
Mới đây, các nhà chức trách cũng tiến hành phong tỏa thủ phủ thép Đường Sơn, và tiến hành hạn chế tối đa các hoạt động đi lại để chống dịch. Đây là ổ dịch chỉ cách Bắc Kinh chưa đến 200 km, vì thế, nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng thì rất có thể các hoạt động sản xuất và vận chuyển còn có thể bị tê liệt lâu hơn.
Dịch bệnh ở Trung Quốc đang làm ảnh hưởng đến cả nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ, vì thế giá đồng hiện vẫn đang chưa xác định rõ xu hướng, bởi thị trường cần thêm một chất xúc tác mạnh hơn các tin tức hiện nay.
Giá đồng có thể tiếp tục duy trì biên độ 4.66 – 4.76 USD trong phiên hôm nay. Về mặt kỹ thuật, giá cũng vẫn đang nằm trên xu hướng tăng: cả chỉ số RSI trên mức 40 và giá vẫn ở phía trên đường EMA 34 và 89 trên khung H4. Trong phiên hôm nay, các nhà đầu tư có thể canh mua vào ở mức 4.66 – 4.70 USD/pound.
Tiên Phạm
 
Giá dầu khả năng cao sẽ đi ngang trong khoảng rộng trước khi có các yếu tố mới
Giá dầu giảm 2 tuần liên tiếp khi thị trường cân nhắc các yếu tố liên quan đến tình hình giữa Nga – Ukraine. Cụ thể, giá WTI giảm 3.02% xuống 103.09 USD/thùng trong khi giá dầu giảm điều chỉnh trong phiên hôm qua, khi thị trường cân nhắc về triển vọng gia tăng các lệnh cấm vận của phương Tây lên Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 0.64% xuống 109.27 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 0.08% xuống 111.83 USD/thùng.
Thị trường giằng co với một bên là sức ép gia tăng các lệnh cấm vận của Mỹ và một bên là tình hình thiếu hụt nguồn cung thực tế trên thị trường. Một mặt, Mỹ vẫn đang thúc ép đồng minh tăng cường các lệnh cấm vận, mặt khác các nước vẫn đang ráo riết tìm kiếm nguồn cung thay thế. Theo ước tính của IEA, nguồn cung dầu của Nga có thể giảm 3 triệu thùng/ngày dưới các lệnh cấm vận hiện tại, tuy nhiên mức giảm có thể gia tăng dưới các sức ép mới. Tuy vậy, nếu Nhà Trắng có thể thành công trong việc thuyết phục các đồng minh gia tăng sản lượng, các khó khăn có thể được dần giải quyết. Theo ước tính, Saudi Arabia và UAE vẫn còn công suất thừa lên tới khoảng 2.5 triệu thùng/ngày, Iran tối đa 1-1.3 triệu thùng/ngày, Mỹ gần 700,000 thùng/ngày trong khi Venezuela khoảng 400,000 – 600,000 thùng/ngày. Nếu không tính sản lượng có thể gia tăng từ phía Iran, do các thỏa thuận hạt nhân đang gặp khó khăn, vẫn còn khoảng 3.6 – 3.8 triệu thùng/ngày. Giả định phía châu Âu không tung thêm các lệnh cấm vận vào Nga, và Nga tiếp tục cung cấp các sản phẩm dầu theo hợp đồng như bình thường, thị trường sẽ dần dần lấy lại được cân bằng. Trước mắt, việc Mỹ gửi thêm các tên lửa cho Saudi Arabia là tín hiệu cho thấy Mỹ đang nỗ lực hàn gắn quan hệ với Saudi Arabia.
Như vậy có thể thấy, cung-cầu trên thị trường dầu thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào các thành công trong chiến dịch ngoại giao của Mỹ cũng như kết quả các lệnh cấm vận. Vì vậy, bên cạnh các báo cáo thị trường như số liệu tồn kho dầu thương mại của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ tối nay, kết quả các cuộc gặp của Tổng thống Joe Biden với NATO và lãnh đạo Liên minh Châu Âu EU sẽ là thông tin dẫn dắt thị trường. Trong phiên hôm nay, khả năng cao giá sẽ tiếp tục giằng co trong khoảng rộng 108-112 USD/thùng khi không còn nhiều yếu tố mới.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV