Giá đậu tương có khả năng sẽ phá vỡ vùng biến động đi ngang trong suốt 3 tuần qua
Mở cửa phiên giao dịch ngày 22/03, đậu tương đã bật mạnh lên trên mức kháng cự tâm lí 1700 khi lực mua lan toả trên toàn nhóm nông sản. Nếu duy trì mức đóng cửa vẫn nằm trên vùng giá này tức là giá đậu tương đã xác nhận phiên phá vỡ khỏi vùng đi ngang trong suốt 3 tuần vừa qua và có thể sẽ hình thành nhịp xu hướng tăng ngắn.
Mặc dù giai đoạn này hàng năm, thông thường mùa vụ ở Nam Mỹ về dài hạn sẽ không còn ảnh hưởng quá nhiều đến diễn biến giá đậu tương khi cây trồng đang ở trong giai đoạn thu hoạch nhưng thời tiết ở một số khu vực vẫn đang cản trở hoạt động của nông dân Brazil đang là yếu hỗ trợ cho đà tăng của giá. Đặc biệt là khi những ràng buộc thương mại Mỹ Trung đã kết thúc, nguồn cung từ Brazil sẽ được buyer Trung Quốc ưu tiên hơn do nguồn cung có sẵn và mức giá cạnh tranh hơn. Những số liệu nhập khẩu Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm cũng cho thấy xu hướng tỉ trọng đậu tương từ Brazil tăng lên và Mỹ giảm xuống. Tuy nhiên, hiện tại, dự báo thời tiết đang cho thấy mưa vẫn đang diễn ra ở các khu vực sản xuất miền nam Brazil và chất lượng đậu tương đã thu hoạch cũng không đạt được như kỳ vọng. Điều này có thể khiến cho tốc độ đậu tương của nước này được đưa ra thị trường quốc tế sẽ chậm hơn và là yếu tố tác động “bullish” tới giá mặt hàng này trong ngắn hạn.
Khi các yếu tố cơ bản của đậu tương vẫn đang duy trì thì diễn biến của giá sẽ chủ yếu chạy theo 2 yếu tố. Thứ nhất là ảnh hưởng từ các mặt hàng cùng nhóm. Với diễn biến đang tăng mạnh của dầu thô thì cũng có thể thúc đẩy lực mua đối với đậu tương. Thứ hai, giá sẽ nhạy hơn với các đường kháng cự và hỗ trợ kĩ thuật. Đối với đậu tương, vùng giá 1695 – 1700 khá quan trọng khi giá đã test lại nhiều lần kể từ đầu tháng 3 tới nay nên việc giá vượt lên và đóng cửa sẽ ảnh hưởng tới xu hướng.
Khánh Linh
 
Lo ngại về nguồn cung cà phê ở Brazil sẽ là động lực thúc đẩy giá Arabica duy trì đà tăng
Thị trường cà phê ngày 21/03 đóng cửa trong sắc xanh, trong đó giá cà phê Arabica trên Sở ICE US tăng 2.1% lên mức 224.6 cents/pound, giá Robusta trên Sở ICE EU tăng 0.4% lên mức 2175 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa 2 Sở đạt 44% chiết khấu cho giá Robusta.
Động lực thúc đẩy đà tăng của giá mặt hàng Arabica là những thông tin tiêu cực liên quan đến nguồn cung, cụ thể là mùa vụ cà phê tại Brazil. Vùng cà phê trọng điểm của nước này là Minas Gerais đang trải qua điều kiện thời tiết hanh khô, kết hợp với việc thiếu phân bón có khả năng sẽ gây ra tình trạng thiếu dinh dưỡng ở cây, từ đó dẫn đến những lo ngại về sản lượng cà phê niên vụ của năm sau.
Trong khi đó tại Colombia, các khu vực trồng cà phê lại đón nhận lượng mưa nhiều hơn bình thường, từ đó có thể gây ra hiện tượng ngập úng và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây. Do hiện tượng thời tiết LaNina sẽ còn kéo dài đến giữa năm và tiếp tục ảnh hưởng đến 2 nước trồng cà phê chính là Brazil và Colombia nên giá Arabica vẫn còn động lực để duy trì đà tăng.
Xét đến yếu tố kỹ thuật, giá đang hồi phục trở lại kể từ khi vượt qua vùng quá bán, chỉ số RSI đang hướng lên trên vùng 50, cho nên giá Arabica hôm nay có khả năng duy trì được đà tăng và tiến về vùng 230 cents.
Ở một diễn biến khác, 1 số vùng trồng Robusta của Brazil đã ghi nhận mức giá thành sản xuất cao chưa từng thấy, chủ yếu là do giá phân bón tăng cao. Tại Việt Nam, tình trạng hanh khô cũng có thể xảy ra và ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của cây, kết hợp với việc chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao có thế khiến người nông dân bị thua lỗ. Chỉ số RSI của giá Robusta đang hướng lên trên vùng 50 nên giá trong phiên hôm nay có thể test ngưỡng kháng cự tâm lý 2200 USD.
Hà Linh
 
Giá đồng có thể tiếp tục giảm trong phiên hôm nay do các yếu tố hỗ trợ đều suy yếu
Giá đồng sụt giảm trong phiên giao dịch đầu tuần về mức 4.71 USD/pound. Vì các tin tức hỗ trợ của thị trường từ tuần trước đã phản ánh hết vào giá và thị trường thiếu vắng các tin tức tích cực, nên áp lực chốt lời trong phiên hôm qua là khó tránh khỏi.
Các yếu tố củng cố cho đà tăng của giá đồng hiện không quá nhiều, ngoài việc mức tồn kho chỉ hơn 200,000 tấn trên ba Sở lớn của thế giới. Tuy nhiên, đây cũng có thể là chỉ báo cho thấy nhu cầu tiêu thụ đối với đồng hiện không tăng mạnh.
Hiện tâm điểm của thị trường vẫn thuộc về Trung Quốc, khi mà nước này đang trải qua đợt bùng phát dịch lớn nhất trong vòng hai năm. Các bình luận trấn an của giới chức nước này không đủ để vực dậy một nền kinh tế, đặc biệt, cả thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản vẫn chìm sâu vào khủng hoảng.
Dữ liệu chính thức cho thấy Trung Quốc có 7.8 tỷ mét vuông dự án chưa hoàn thành vào tháng 2. Những người mua nhà cũng đang rất lo ngại, đồng thời triển vọng sức mua cũng rất yếu vì rất nhiều chủ đầu tư vỡ nợ và không thể hoàn thành các căn hộ đã bán.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đang kêu gọi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nới lỏng các chính sách tiền tệ để mở rộng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh và PBOC trước đó đã nhiều lần hỗ trợ thị trường, nên rất khó sẽ có một chính sách mới nào được đưa ra.
Vì thế, sắc xanh có thể chưa quay trở lại thị trường đồng trong hôm nay. Lăng kính kỹ thuật cho thấy giá đồng đang đi ngang giữa hai khu vực Fibonacci 50 và đường hỗ trợ EMA 34. Các nhà đầu tư có thể canh bán nếu giá test lại vùng kháng cự 4.72 USD với kỳ vọng chốt lời 4.67 USD.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Dầu thô nhiều khả năng sẽ duy trì đà tăng khi thị trường không giải quyết được vấn đề thiếu hụt nguồn cung
Giá dầu tăng mạnh phiên thứ 3 liên tiếp, khi nhóm các nước EU cân nhắc lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 6.67% lên 109.97 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 6.52% lên 111.92 USD/thùng.
Các hy vọng về hòa bình đã nhanh chóng bị xóa bỏ sau các đợt tấn công gia tăng của Nga vào thành phố cảng Mariupol. Điều này đang khiến cho các nước thuộc Liên minh châu Âu EU cân nhắc các lệnh cấm vận mới, nhất là vào các ngành công nghiệp trọng điểm như năng lượng. Tùy thuộc vào số lượng dầu thực tế Nga có thể đem bán lại cho các khách hàng châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ trong tháng này thị trường mới có thể đánh giá được tác động thực tế của các lệnh cấm lên sản lượng dầu của Nga. Trong khi đó, sản lượng “giải cứu” đến từ phía Iran gần như chắc chắn sẽ khó có thể đến kịp. Trước đấy, Iran được cho là nỗ lực để đạt được thỏa thuận hạt nhân mới trước dịp năm mới ngày 20/03, thì hy vọng đấy đã sụp đổ sau các yêu cầu của Nga đòi hỏi phải được duy trì quan hệ làm ăn bình thường với Tehran bất chấp các lệnh cấm vận. Điều này có thể buộc Mỹ phải quay trở lại thắt chặt mối quan hệ với Saudi Arabia. Bất chấp việc quan hệ giữa các bên đã xấu đi trong những năm gần đây, tuy nhiên với việc Saudi Arabia tăng sản lượng thêm 140,000 thùng/ngày trong tháng 02/2022, nhiều hơn đáng kể so với hạn ngạch tăng 100,000 thùng/ngày. Trong khi trước đó, Saudi Arabia luôn tuân thủ chặt chẽ các hạn mức đề ra. Điều này có thể gợi ý các nỗ lực ngoại giao của Nhà Trắng phần nào phát huy tác dụng. Không chỉ thế, việc Saudi Arabia lên tiếng về cuộc chiến với phiến quân Houthi, có thể gợi ý nước này vẫn đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ. Mặc dù đã tiêu tốn khá nhiều vào các vũ trang cũng như quân đội, Saudi Arabia vẫn chưa thể giải quyết trọn vẹn các vấn đề an ninh với Houthi. Những lúc như thế này, sự đảm bảo an ninh của Mỹ có giá trị lớn, đặc biệt là khi đồng minh OPEC+ nhiều khả năng sẽ suy yếu đáng kể sau khi bước ra khỏi cuộc chiến. Tuy vậy, sẽ phải mất nhiều thời gian và thêm nhiều cuộc đối thoại để các cam kết thành hiện thực. Ngay cả trong trường hợp chiến tranh nhanh chóng kết thúc, tình trạng thiếu hụt nguồn cung vẫn sẽ duy trì và tạo đà cho giá dầu gia tăng.
Về mặt kỹ thuật, giá đang test lại vùng 112 USD/thùng. Các chỉ số tương đối tích cực, với RSI hướng lên trên trong khi MACD có dấu hiệu cắt lên Signal. Giá WTI khả năng cao sẽ test vùng 116 USD/thùng trong 1-2 phiên tới.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV