Giá đậu tương có khả năng sẽ chịu áp lực bán nhiều hơn trước 2 báo cáo quan trọng trong tuần này
Mở cửa phiên giao dịch ngày 28/03, giá đậu tương đã rơi mạnh khỏi vùng 1700, theo lực bán chung của thị trường nông sản. Giá đậu tương đang có dấu hiệu quay trở lại vùng tích luỹ đi ngang 1650 – 1695 sau khi vượt lên từ tuần trước nhưng lực mua không đủ mạnh đã khiến cho giá chỉ giằng co và không thể xác nhận một nhịp tăng mới. Trong phiên đầu tuần này, khi nhóm nông sản đều đang chịu áp lực trước tiến triển đàm phán giữa Nga và Ukraine thì giá đậu tương có khả năng sẽ tiếp tục suy yếu. Bên cạnh đó, trong tuần này, thị trường đậu tương dự báo cũng sẽ đón nhận nhiều thông tin “bearish” hơn.
Trong tuần này, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ phát hành 2 báo cáo hàng quý quan trọng là báo cáo Grain Stocks và Prospective Plantings vào tối thứ Năm tuần này. Chính vì thế, bên cạnh các thông tin xoay quanh diễn biến của cuộc chiến sự ở Biển Đen thì nguồn cung ở Mỹ cũng sẽ là yếu tố được thị trường chú ý. Nếu như triển vọng diện tích gieo trồng sẽ ảnh hưởng tới sản lượng của Mỹ trong niên vụ 22/23 thì số liệu Tồn kho hàng quý lần này cho thấy khả năng tiêu thụ cũng như xuất khẩu đậu tương trong thời gian qua. Điều này sẽ một phần ảnh hưởng đến việc liệu Mỹ có xuất khẩu được khối lượng gần 57 triệu tấn như ước tính của USDA hay không. Nhìn chung, với số liệu diện tích gieo trồng đang được kì vọng sẽ tăng lên so với niên vụ trước, cùng với triển vọng xuất khẩu sang Trung Quốc không mấy tích cực trong 3 tháng đầu năm, chúng tôi cho rằng kịch bản giảm giá sẽ chiếm ưu thế hơn đối với đậu tương trước khi báo cáo được công bố. Bên cạnh đó, việc thị trường chuyển dần mối quan tâm sang mùa vụ ở Mỹ cũng đồng nghĩa với việc giai đoạn thu hoạch ở Nam Mỹ trong tuần này sẽ không có quá nhiều tác động tới giá đậu tương.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
Sự khôi phục nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sẽ là yếu tố chính thúc đẩy đà tăng của thị trường cà phê
Kết thúc tuần vừa qua, thị trường cà phê đóng cửa với diễn biến trái chiều nhau trên bảng giá của 2 mặt hàng. Cụ thể, giá cà phê Arabica trên Sở ICE trong tuần giằng co và đóng cửa tăng 0.8% lên mức 221.8 cents/pound, giá cà phê Robusta trên Sở ICE EU biến động nhẹ và giảm 0.8% xuống 2148 USD/tấn.
Đối với mặt hàng cà phê Arabica, những lo ngại về nguồn cung tại 2 nước xuất khẩu chính là Brazil và Colombia vẫn đang là yếu tố chính hỗ trợ đà tăng của giá. Do hiện tượng thời tiết LaNina được dự báo sẽ còn kéo dài cho đến hết tháng 5 năm nay nên sản lượng của mùa vụ năm 2022 được dự báo không quá cao so với năm mất mùa 2021.
Ngoài ra, Brazil cũng đang có cái nhìn tích cực về hoạt động bán hàng trong thời gian tới. Chủ tịch hợp tác xã xuất khẩu cà phê lớn nhất của Brazil kỳ vọng xuất khẩu cà phê trong năm nay sẽ đạt 6.8 triệu bao, cao hơn mức 6.02 triệu bao trong năm 2022. Nhu cầu tiêu thụ cà phê trong thời gian tới cũng được kỳ vọng sẽ khôi phục mạnh mẽ do các quốc gia đồng loạt khôi phục sau đại dịch Covid-19, từ đó tạo điều kiện cho giá Arabica bứt phá.
Xét về yếu tố kỹ thuật, đà giảm của giá trong phiên cuối tuần đã có dấu hiệu suy yếu, chỉ số RSI đang đi ngang ở vùng dưới 50. Với các thông tin cơ bản hỗ trợ từ thị trường, giá Arabica có thể tăng trở lại và tiến đến vùng 230 cents.
Mặt hàng cà phê Robusta đang thu hút được dòng tiền của các quỹ đầu tư, nguồn cung nội địa bắt đầu khan hiếm dần nên khả năng cao giá vẫn sẽ tiếp tục kéo dài đà tăng. Việc nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới hồi phục cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ giá của mặt hàng này. Giá Robusta trong phiên cuối tuần trước chưa thể phá vỡ mức kháng cự 2150 USD. Chỉ số RSI đang hướng lên trên vùng 50, giá trong phiên hôm nay có thể dao động từ 2150 USD đến 2170 USD.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
Tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc vẫn không ngừng gây sức ép lên giá đồng
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá đồng giảm nhẹ 0.9% về 4.7 USD/pound. Đây có thể coi là mức giảm nhẹ, bởi thị trường đồng hầu như vắng bóng các tin tức tích cực để hỗ trợ cho giá.
Xét về nguồn cung, mặc dù các hoạt động sản xuất ở Peru bị gián đoạn, nhưng đây không phải là một tin tức quá mới hay cú sốc đối với thị trường. Hơn nữa, nguồn cung bị thắt chặt ở Peru có thể được bù đắp lại bằng sản lượng đang ngày một gia tăng của cụm mỏ Kamoa – Kakula, Congo. Vì vậy, nguồn cung đồng trên thế giới không quá đáng báo động trong thời điểm này.
Về phía nhu cầu, nhà tiêu thụ số một thế giới là Trung Quốc hiện đang tiến hành phong tỏa rất nhiều tỉnh thành lớn như Thượng Hải, Đường Sơn, hay Thâm Quyến để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Với mật độ dân số đông, và mục tiêu hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh, Trung Quốc có thể đối mặt với nhiều đợt đóng cửa trong thời gian tới, và khiến cho các hoạt động sản xuất công nghiệp bị tê liệt. Bên cạnh đó, tình hình tắc nghẽn chuỗi cung ứng trên toàn cầu có thể gia tăng do các chính sách hạn chế di chuyển và giãn cách của Trung Quốc sẽ làm cho hoạt động tại các cảng giảm mạnh. Theo khảo sát của China Logistics Information Index (Beijing) Co. các chính sách hạn chế Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng bị rạn nứt và các ngành công nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ 2020 đến nay.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đang xoay sở tìm cách hỗ trợ nền kinh tế, bởi lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện đều ở mức thấp và khó có thể tiếp tục giảm.
Có thể thấy, triển vọng nhu cầu tiêu thụ sụt giảm đang gây sức ép lên giá đồng nhiều hơn, và áp đảo những tin tức tích cực, nên sức ép bán có thể sẽ chiếm ưu thế nhiều hơn trong tuần này.
Bên cạnh các tin tức về cung cầu, thị trường đồng cũng bị tác động bởi các tin tức vĩ mô. Việc đồng USD đang ngày càng mạnh lên nhờ kỳ vọng vào các chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ gây sức ép nhất định trên thị trường đồng. Giá đồng hiện cũng đang ở rất gần mức đỉnh cao nhất mọi thời đại, cộng với triển vọng nhu cầu tiêu thụ kém khả quan sẽ ngày càng làm giảm động lực mua hàng thực.
Về mặt kỹ thuật, giá đồng vẫn đang duy trì giao dịch trong một kênh giá hướng lên trên. Với các tin tức cơ bản hiện nay, giá có thể test lại đường trendline hỗ trợ trong tuần này. Các nhà đầu tư có thể canh bán ở mức 4.7 – 4.6 USD.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
Dầu thô có thể quay trở lại đà giảm trong tuần này trước các tin tức tiêu cực của Trung Quốc
Kết thúc tuần vừa rồi, giá WTI tăng 10.49% lên 113.9 USD/thùng trong khi Brent tăng 11.71% lên 117.37 USD/thùng, sau 2 tuần giảm liên tiếp.
Giá dầu được hỗ trợ phần nào trong tuần vừa rồi, khi mà Thượng Hải phủ nhận tin đồn phong tỏa thành phố bất chấp số ca lây nhiễm tăng cao. Tuy vậy, “cơn ác mộng” của phe mua đã quay trở lại sau khi thành phố này bất ngờ tuyên bố đóng cửa từ hôm nay 28/03 cho đến hết 05/04 để tiến hành kiểm soát dịch. Như vậy, lần lượt các thành phố cảng lớn từ Thâm Quyến đến Thượng Hải đều chịu ảnh hưởng của dịch trong tháng này, bất chấp các nỗ lực ngăn chặn tiến trình dịch của chính phủ. Các tỉnh thành phía Đông là nơi tập trung sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, và cũng tương đối gần thủ đô Bắc Kinh, do đó gây áp lực lên tâm lý thị trường, nhất là khi Trung Quốc chưa từ bỏ chiến lược “Zero-Covid”. Trong trường hợp tích cực, Thượng Hải sẽ sớm dỡ bỏ phong tỏa đúng trong 9 ngày. Ngược lại, nếu như giống Quảng Châu năm ngoái, thời hạn có thể kéo dài vài tuần và tê liệt hệ thống sản xuất và con đường xuất khẩu thì thị trường có thể chịu lực bán mạnh. Mặt khác, nếu Trung Quốc phải từ bỏ chiến dịch “Zero-Covid” để tránh ảnh hưởng đến kinh tế, số ca nhiễm có thể tăng vọt trong thời gian ngắn và cũng sẽ tạo ra tâm lý lo ngại trên thị trường, do số người bệnh tăng cũng có thể khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ. Như vậy, trừ khi số ca nhiễm nhanh chóng sụt giảm giống Thâm Quyến tuần trước, giá dầu sẽ phải chịu áp lực trong cả ngắn và trung hạn.
Về mặt kỹ thuật, các chỉ số tương đối tiêu cực, với MACD có xu hướng cắt xuống đường Signal trong khi Signal hướng xuống. Giá dầu WTI có thể sẽ test lại kháng cự 107.20 USD/thùng trong 1-2 phiên tới.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa