Số liệu tồn kho ethanol tối nay có thể sẽ tạo áp lực lên giá ngô
Mở cửa phiên giao dịch ngày 06/04, giá ngô vẫn đang tiếp nối đà tăng từ phiên hôm qua tuy nhiên diễn biến chung vẫn đang chỉ giằng co. Sau 2 phiên hồi phục đầu tuần, giá ngô đã quay trở lại vùng biên trên của khoảng sideway. Trong phiên hôm nay, chúng tôi cho rằng khoảng đi ngang này vẫn sẽ được duy trì khi các yếu tố cơ bản hiện tại đang không nghiêng quá về bull hay bear, và thị trường cũng đang trong tâm lí chờ đợi các số liệu trong 2 báo cáo Cung - cầu quan trọng vào cuối tuần này.
Lo ngại về cuộc xung đột ở Biển Đen kéo dài sẽ ngày càng ảnh hưởng lớn hơn đến nguồn cung trong dài hạn. Với các động thái trả đũa gần đây từ phương Tây cho thấy mối quan hệ giữa các nước đang ngày càng nghiêm trọng hơn, khả năng Ukraine có thể xuất khẩu thông suốt trở lại là rất thấp. Chính vì thế số liệu tồn kho ngô thế giới trong báo cáo Cung – cầu tháng 4 này sẽ không đánh giá được mức độ thắt chặt về nguồn cung. Và chiến tranh vẫn đang là yếu tố hỗ trợ giá ngô tiếp tục biến động trong xu hướng sideway thay vì suy yếu như các mặt hàng nông sản khác.
Tuy nhiên, một yếu tố cũng cần lưu ý trong phiên tối nay là giá đang gặp phải kháng cự mạnh cùng với áp lực từ xu hướng tăng mạnh của tồn kho ethanol trong thời gian gần đây. Điều này sẽ là yếu tố hạn chế và khiến giá ngô khó vượt lên biên trên của khoảng đi ngang.
Khánh Linh
 
Giá cà phê Robusta có khả năng test mức hỗ trợ 2100 USD trong phiên hôm nay để thiết lập xu hướng mới
Thị trường cà phê ngày 05/04 tiếp tục đóng cửa trái chiều nhau, trong đó hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 tăng 0.3% lên mức 231.3 cents/pound , hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn giảm 0.7% xuống còn 2117 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica đánh dấu chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp kể từ đầu tháng 4 cho đến nay với các yếu tố hỗ trợ đến từ nước xuất khẩu số 1 thế giới là Brazil. Cụ thể, việc đồng nội tệ Reals của nước này đạt ngưỡng cao kỷ lục với mức tăng 20% kể từ đầu năm cho đến nay đang là yếu tố chính củng cố cho đà tăng của giá. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất tại Brazil và Colombia cũng đang là yếu tố tiềm ẩn hỗ trợ đến giá do hiện tượng thời tiết LaNina được dự báo sẽ kéo dài cho hết nửa đầu của năm 2022.
Ngoài ra, thị trường cũng đang lo ngại về chuỗi cung ứng do tình hình dịch bệnh căng thẳng của Trung Quốc. Giá nhiên liệu tăng cao kết hợp với tình trạng thiếu hụt container sẽ làm tăng chi phí vận chuyển, từ đó cũng góp phần hỗ trợ giá neo cao ở mức như hiện nay do tình trạng này đã kéo dài kể từ năm ngoái.
Xét đến yếu tố kỹ thuật, đà tăng của giá đã có dấu hiệu suy yếu sau khi chạm mức kháng cự 232 cents, chỉ số RSI đang quay đầu giảm sau khi bước vào vùng quá mua. Do đó giá trong phiên hôm nay có khả năng giảm về vùng 225 cents đến 230 cents.
Mặt hàng Robusta chịu áp lực bán mạnh trong phiên hôm qua, giá có dấu hiện thoát ra khỏi xu hướng đi ngang để bước vào “trend” giảm. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã dần chững lại do người nông dân đã bán ra gần hết và giữ lại một phần để chờ giá tăng cao, do vậy thị trường trong giai đoạn này sẽ bị chi phối chủ yếu bởi các quỹ đầu tư. Do chỉ số RSI của Robusta đang hướng xuống dưới vùng 50 nên giá hôm nay sẽ test mức hỗ trợ tâm lý 2100 USD.
Hà Linh
 
Xu hướng tăng của giá đồng có thể tiếp tục được duy trì, nhưng mức biến động sẽ không lớn
Giá đồng tăng nhẹ trong phiên giao dịch hôm qua lên 4.79 USD/pound. Trong phiên giá test lại mức 4.83 USD tuy nhiên sau đó đã lập tức quay đầu giảm.
Bên cạnh lực bán từ mức kháng cự do tâm lý chốt lời, đà tăng của giá đồng gặp nhiều khó khăn do một loạt các tin tức tiêu cực đến từ Trung Quốc. Các nhà chức tránh đã tiến hành phong tỏa toàn bộ thành phố Thượng Hải, sau khi số ca nhiễm vượt quá mốc 13,000 người. Số ca nhiễm mới trên toàn lãnh thổ Trung Quốc cũng đã vượt quá mức 20,000 ca. Trước những tin tức này, các nhà đầu tư ngày một quan ngại về chính sách “Không Covid” bởi tình hình dịch vẫn chưa được kiểm soát, trong khi các biện pháp chống dịch không khoan nhượng đang làm cho nền kinh tế ngày một đi xuống. Chỉ số PMI dịch vụ của Caixin được công bố sáng nay giảm mạnh về 42 điểm, và cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, tức thời điểm nền kinh tế của thế giới bắt đầu hứng chịu cú shock mang tên Covid-19.
Ngoài ra, việc đồng USD tăng mạnh cũng khiến cho chi phí mua đồng trở nên đắt hơn, và là một yếu tố khác khiến cho giá đồng chịu nhiều sức bán. Hiện chỉ số Dollar Index đã tăng lên gần 99.6 điểm, mức cao nhất trong vòng 3 năm và có thể sớm lấy lại mức 100 điểm. Trong phiên hôm nay, các nhà đầu tư cũng đang hướng sự chú ý về biên bản cuộc họp trong tháng 3 vừa qua của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC). Sau phát biểu mang tính thắt chặt của ứng cử viên Phó Chủ tịch Fed, Lael Brainard trong phiên tối qua, biên bản họp FOMC dự kiến sẽ tiết lộ thêm về tiến trình thu hẹp bảng cân đối kế toán của Fed.
Tuy nhiên, giá đồng vẫn nhận được sức mua nhất định do những lo ngại về nguồn cung, và đặc biệt là tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.
Về mặt kỹ thuật, giá đồng vẫn đang nằm trên một kênh giá tăng, tuy nhiên chỉ số RSI cho thấy lực mua sẽ yếu dần. Nhiều khả năng trong phiên hôm nay giá sẽ giảm về test lại cạnh dưới của kênh giá. Vì các tin tức cơ bản sẽ vẫn cân bằng như hiện nay, nên các nhà đầu tư có thể mua khi giá chạm mức 4.7 USD và mức 4.65 USD với kỳ vọng chốt lời ở mức 4.75 USD.
Tiên Phạm
 
Giá dầu có thể tiếp tục gặp áp lực khi ngành dầu khí của Nga không chịu quá nhiều áp lực
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô WTI giảm 1.28% xuống 101.96 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 0.83% xuống 106.64 USD/thùng. Các lệnh cấm của châu Âu lên Nga vẫn thiếu sức nặng và khó có thể tạo thêm sức ép cho Nga.
Theo dự kiến, châu Âu sẽ ngưng nhập khẩu than và gỗ, hóa chất từ Nga, với trị giá kim ngạch trong năm 2021 vào khoảng 10 tỷ USD. Để so sánh, nhập khẩu dầu khí của EU từ Nga trị giá khoảng 100 tỷ USD. Như vậy, lệnh cấm này khó có thể đủ sức nặng để thay đổi chiến dịch của Nga tại Ukraine.
Theo thống kê, hầu hết các cuộc chiến, hay xung đột vũ trang hiện đại đều kéo dài hơn 2 tháng. Như vậy, từ giờ cho đến tháng 5, khó có thể kỳ vọng các căng thẳng sớm giảm bớt, trừ khi có các động thái quyết liệt từ các bên. Như vậy, quyết định của EU ngày hôm qua, vòng cấm vận lần thứ 5 cho thấy nhóm không sẵn sàng từ bỏ các lợi ích kinh tế từ nguồn cung cấp năng lượng ổn định của Nga. Hiện tại, các nước châu Âu như Ba Lan cũng đã lên tiếng cho biết họ đã phải tốn kém đáng kể để trợ giúp cho Ukraine. Điều này sẽ khiến cho họ ngần ngại trong việc chịu thêm gánh nặng tài chính và kinh tế nếu tự “cắt đứt” nguồn cung năng lượng. Kết hợp với báo cáo mới đây của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA và Báo cáo dầu khí tuần của Viện Dầu khí Mỹ API sáng nay cho thấy nhu cầu tiêu thụ từ Mỹ có thể sắp chững lại. Báo cáo Cung cấp xăng dầu hàng tháng của EIA điều chỉnh nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong tháng 1 từ mức 21.8 triệu thùng/ngày trong các báo cáo tuần xuống 19.7 triệu thùng/ngày. Tồn kho dầu thô lẫn nhiên liệu chưng cất đều tăng lên báo hiệu một sự suy yếu theo mùa của nhu cầu tiêu thụ. Tiêu thụ có thể giảm nhiều hơn các năm trước, do giá xăng cao kết hợp với lạm phát đang ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu của người dân.
Các chỉ số kỹ thuật tương đối tiêu cực với RSI và MACD tiếp tục hướng xuống. Dải Bollinger Bands cũng thu hẹp cạnh trên. Giá WTI kỳ hạn tháng 05/2022 có thể sẽ tiếp tục test lại vùng 100 USD/thùng trong 1-2 phiên tới.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV