Giá dầu đậu tương vượt đỉnh lịch sử hỗ trợ cho đà tăng của đậu tương
Kết thúc phiên giao dịch ngày 08/06, cả 3 mặt hàng trong nhóm đậu tương đều hồi phục và có mức tăng đáng chú ý. Đậu tương tăng mạnh 1.27%, lên mức 1580.00 cent/giạ,
Giá đậu tương hồi phục được hỗ trợ bởi những lo ngại về thời tiết khô nóng ở các vùng gieo trồng chính của Mỹ và chất lượng mùa vụ bị hạ xuống trong tuần trước. Theo dữ liệu của Cục hải quan, Brazil đã xuất khẩu 2,5 triệu tấn đậu tương trong tuần đầu tiên của tháng 6 với tốc độ cao hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này đã cho thấy triển vọng về nhu cầu tăng cao và là yếu tố “bullish” với giá trong phiên hôm qua. Tuy nhiên, các chuyến hàng còn lại trong tháng 6 dự kiến sẽ không duy trì ở tốc độ nhanh như vậy do đây là xu hướng mùa vụ điển hình khi trong 4 năm qua, lượng đậu xuất xưởng trong tháng 6 giảm trung bình 14% so với mức của tháng 5. Chính vì thế, thông tin trên sẽ chỉ mang tính hỗ trợ trong ngắn hạn.
Vào tháng 5, Brazil đã xuất khẩu gần 100 nghìn tấn đậu tương sang Mỹ - nước xuất khẩu ngũ cốc nhất nhì thế giới. Động thái bất thường này đã gây nên lo ngại cho thị trường về nguồn cung thắt chặt ở Mỹ. Vào tháng 6 này, khoảng 116 nghìn tấn nữa có thể được vận chuyển từ Brazil theo dữ liệu của Hãng vận chuyển Cargonave. Thông tin này có khả năng sẽ giúp cho đậu tương giữ vững đà tăng trong ngắn hạn.
Kỳ vọng của thị trường về tồn kho đậu tương ở Mỹ niên vụ 2021/22 đạt 146 triệu tấn cao hơn mức 140 triệu tấn trong báo cáo Cung – cầu tháng 5 bất chấp việc điều kiện thời tiết không thuận lợi của nước này và chất lượng cây trồng bị hạ thấp. Nếu con số này tăng lên trong báo cáo tới như dự đoán thì sẽ không có tác động quá lớn đến giá nếu mức tồn kho giảm xuống thì đây sẽ là thông tin “bullish” mạnh đối với giá đậu tương.
Mở cửa phiên sáng nay, giá đậu tương đang giằng co ở quanh mức 1582.25. Mốc kháng cự 1600 vẫn là mức chặn trên mạnh khi đậu tương lại một lần nữa bị đẩy xuống trong phiên hôm qua. Trong phiên hôm nay, có thể giá sẽ không có thay đổi quá lớn và đóng cửa quanh mức 1585.

Tong hop cac ban tin ngay

Giá dầu đậu tương hôm qua tăng mạnh nhất nhóm nông sản lên mức 72.08 cent/pound, cao hơn 1.76% so với phiên trước đó. Giá khô đậu tương cũng tăng 0.75%, lên mức 389.8 USD/tấn. Thông tin cuộc đình công của các nhân viên hải quan Argentina yêu cầu được tiêm vacine Covid-19 sẽ làm tê liệt các hoạt động xuất khẩu tại nước này đã giúp hỗ trợ cho giá các mặt hàng này.
Hiện tại, các chỉ báo kĩ thuật vẫn đang cho thấy xu hướng tăng giá của dầu đậu tương sẽ được duy trì và chưa cho tin hiệu đảo chiều. Trong một vài phiên tới, dầu đậu tương có thể sẽ tiếp tục hướng tới vùng kháng cự quanh mức 74.

Giá khô đậu tương vẫn đang đi ngang và tích luỹ trên nền giá quanh 387. Trong phiên hôm qua, mặc dù tăng mạnh nhờ hỗ trợ từ nhóm đậu tương nhưng khô đậu tương vẫn không duy trì được mức tăng mạnh cho thấy lực bán vẫn đang chiếm ưu thế. Giá khô đậu tương có thể sẽ chỉ dao động trong biên hẹp 390-395 trong phiên hôm nay.
 
Kịch bản điều chỉnh của giá Cà phê liệu có tiếp diễn trong hôm nay?
Kết thúc phiên giao dịch 8/5, giá Cà phê trên hai sàn đồng loạt giảm. Giá Arabica kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE US đóng cửa với mức giảm 1.53% còn 157.7 cents/pound. Giá Robusta cùng kì hạn trên sàn ICE EU đóng cửa với mức giảm 1.78% còn 1596 USD/tấn.
Không có quá nhiều tin tức cơ bản để duy trì đà tăng giá, cả hai mặt hàng Cà phê đều chịu sức ép lớn từ lực chốt lời sau thời gian dài tăng giá. Cuộc đối thoại giữa Chính phủ Colombia và nhóm biểu tình sẽ tiếp tục diễn ra, đây là tín hiệu tích cực đối với các hoạt động xuất khẩu Cà phê Arabica ở nước này. Thêm vào đó, thời tiết thuận lợi tại các khu vực trồng Arabica chính ở Brazil trong tuần này cũng là một yếu tố gây bất lợi cho giá. Do vậy, giá Arabica trong phiên hôm nay có thể tiếp tục giảm nhẹ.
Từ góc nhìn kỹ thuật, gần đây, giá Arabica đang biến động trong khu vực 155 – 165 cents. Lực bán trong phiên hôm qua vẫn ở mức mạnh, duy trì trên đường trung bình, nên rất có thể giá hôm nay sẽ giảm về khu vực hỗ trợ 153 cents. Lực mua ở vùng này có thể đưa giá về đóng cửa ở mức 155 – 156 cents, phía trên đường trendline.

Đối với cà phê Robusta, giá đang bước vào chu kì giảm điều chỉnh sau thời gian dài tăng nóng. Các tin tức tích cực liên quan tới vắc xin ở Mỹ và sự mở cửa lại của các nước Châu cũng là yếu tố sẽ hạn chế đà tăng của giá.
Lăng kính kỹ thuật cũng cho thấy lực bán của các nhà đầu tư Robusta vẫn còn mạnh, cộng thêm tín hiệu phân kì đã ngày càng rõ ràng, do đó xu thế giảm của giá Cà phê Robusta có thể tiếp tục duy trì trong phiên hôm nay. Nếu lực bán vẫn áp đảo trong phiên hôm nay, giá có thể giảm về vùng 1548 USD.
 
Thị trường kim loại quý có thể gặp bất lợi trong ngắn hạn
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/6, trong khi sắc xanh bao phủ thị trường hàng hoá, giá các mặt hàng kim loại quý đồng loạt giảm. Giá Bạc đóng cửa giảm 1.02% về 27.731 USD/ounce, giá Bạch kim giảm 1.05% còn 1162.5 USD/ounce.
Các thị trường đầu tư không có nhiều biến động quá mạnh trong phiên hôm qua khi các nhà đầu tư đều thận trọng để chờ đợi các tín hiệu từ Fed. Bên cạnh đó, diễn biến của gói ngân sách 6,000 tỷ USD mới được Tổng thống Biden đề xuất cuối tháng 5 vừa qua cũng được giới đầu tư theo dõi sát sao. Hiện tại, các tin tức về lạm phát là yếu tố ảnh hưởng rất mạnh đến các thị trường đầu tư, đặc biệt là thị trường kim loại quý.
Báo cáo mới nhất được công bố vào hôm qua của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), cho biết trong số các nền kinh tế lớn, tăng trưởng kinh tế của Mỹ dự kiến đạt 6.8% trong năm nay, phản ánh phục hồi nhờ các gói ngân sách quy mô lớn và việc nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch. Tuy nhiên World Bank cũng chỉ ra rằng, với các nền kinh tế lớn đang trên đà hồi phục như Mỹ, việc bổ sung hỗ trợ tài chính cần được cân nhắc kỹ lưỡng để giảm thiểu các rủ ro tiềm ẩn đối với lạm phát và mức nợ công cao ngất ngưởng.
Do đó, trong kịch bản gói ngân sách 6,000 tỷ USD của tổng thống Biden được thông qua, áp lực lạm phát sẽ càng đè nặng lên đồng USD, giá cả hàng hoá sẽ tiếp tục tăng mạnh. Các kim loại quý như Bạc và Bạch kim, sẽ được hưởng lợi dưới bất kì hình thức dù là hàng hoá hay sản phẩm tài chính.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá của các mặt hàng kim loại quý sẽ tiếp tục đi ngang, thậm chí sẽ có xu hướng giảm nhẹ do các nhà đầu tư dần mất kiên nhẫn sau chuỗi thời gian đi ngang của thị trường trong hơn một tháng qua. Vì vậy, các nhà đầu tư kim loại quý hiện vẫn đang phản ứng với các mốc kỹ thuật nhiều hơn là tin tức cơ bản.
Đối với Bạc, giá đang có sự tích luỹ rất rõ rệt để chờ đợi các tín hiệu bứt phá. Giá vẫn được hỗ trợ khá chắc chắn bởi đường trendline và đang giao dịch ổn định trên vùng 27.5 USD/ounce. Trong bối cảnh thiếu vắng tin tức cơ bản, việc giá tiến lên mức 28.34 vẫn còn gặp rất nhiều sức ép từ lực chốt lời của các nhà đầu tư, công thêm tâm lý giá đảo chiều khi gặp vùng kháng cự mạnh là 28 USD. Biên độ dao động dự tính trong hôm nay vẫn là 27.5 – 28 USD, tuy nhiên giá đóng cửa có thể tăng nhẹ so với phiên hôm qua.

Đối với Bạch kim, lực bán mạnh gần đây khiến cho giá khó có sự bứt phá, và vùng 1200 USD đã trở thành mức cản cứng, khi giá liên tiếp thất bại trong việc vượt lên trên mức này suốt tuần qua. Thị trường Bạch kim vốn đã kém sôi động hơn so với các kim loại quý khác như Vàng và Bạc, nên rất có thể giá vẫn tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ. Biên độ dao động dự tính 1150 – 1180 USD, tuy nhiên lực mua vào rất lớn ở vùng hỗ trợ 1150 USD có thể khiến giá đóng cửa tăng nhẹ so với hôm qua.
 
Dầu WTI vượt mức 70 USD/thùng nhờ dữ liệu lạc quan của EIA
Giá dầu thô tiếp tục phá vỡ kháng cự ngày hôm qua nhờ các thông tin tích cực về cân bằng cán cân cung-cầu. Cụ thể, giá WTI tăng 1.18% lên 70.05 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 1.02% lên 72.22 USD/thùng.
Hôm qua có khá nhiều thông tin tích cực hỗ trợ cho giá các mặt hàng năng lượng. Theo khảo sát của Platts Global, tỷ lệ tuân thủ của nhóm trong tháng 5 đạt 114.45%, cao hơn so với con số tháng 4 là 111.16% cho thấy kỷ luật nhóm vẫn được giữ vững. Kết hợp với thông tin phía Mỹ bày tỏ lo ngại việc Iran sẵn sàng tuân theo các thỏa thuận hạt nhân, làm giảm lo ngại nguồn cung từ Iran quay lại thị trường sớm. Tuy nhiên, thông tin đặc biệt quan trọng chính là dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2021 đạt 6.7%, cao hơn so với con số 6.2% đưa ra trong tháng trước và đẩy tiêu thụ dầu lên cao, bù đắp lượng sụt giảm tại các nước châu Á. Vì vậy, dự báo tiêu thụ năng lượng thế giới trung bình năm 2021 vẫn đạt 97.65 triệu thùng/ngày, chỉ giảm khoảng 30,000 thùng/ngày so với ước tính trong tháng 5.
Báo cáo của Viện Dầu khí API sáng nay cho thấy tồn kho dầu thô giảm 3 tuần liên tiếp, tuy nhiên tồn kho các sản phẩm tinh chế lại tăng lên. Thông tin này có thể cản trở đà tăng của giá.
Bên cạnh dầu thô, EIA cũng dự đoán nhu cầu tiêu thụ khí tự nhiên đạt 82.85 tỷ feet khối, cao hơn 210 triệu feet khối so với dự báo tháng trước, chủ yếu đến từ tiêu thụ khu vực dân cư. Điều này giúp cho giá tăng liên tục từ tháng 4. Tuy nhiên, mức giá cao đang khiến cho các nhà máy phát điện chuyển sang sử dụng than, do đó tiêu thụ khí tự nhiên tại ngành điện lại giảm.
Khí tự nhiên là mặt hàng có tính chu kỳ, giá thường tăng cao vào mùa hè hoặc mùa đông, khi nhu cầu sử dụng năng lượng trong các hệ thống điều hòa và hệ thống sưởi cao. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái, giá vẫn đang ở mức khá cao. Nguyên nhân chủ yếu do các nhà sản xuất tại Mỹ gia tăng xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), kết hợp với tồn kho ở mức thấp từ đầu năm khi thời tiết lạnh giá tháng 2/2021 kéo theo nhu cầu tăng đột biến.

Về mặt kỹ thuật, giá đang điều chỉnh giảm sau khi chạm mức 70.4 USD/thùng. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tăng 2 tuần liên tiếp cho thấy nhu cầu chưa tăng như các nhà sản xuất kỳ vọng và đang tác động tiêu cực đến giá. Nhiều khả năng giá sẽ giao dịch trong khoảng hẹp 69.8-70.5 USD/thùng cho đến khi Báo cáo Dầu khí hàng tuần của EIA tối nay 21h30 xác nhận lại các dữ liệu tồn kho.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)