Chỉ vừa bước vào tháng 6 nhưng lo ngại về thời tiết đã đè nặng lên triển vọng phát triển cây trồng ở mỹ
Thị trường nông sản đã trải qua một tuần biến động bất ngờ khi đồng loạt tăng mạnh trở lại vào cuối tuần, xoá đi mức giảm trước đó do áp lực của đồng Dollar mạnh lên. Kết tuần, tất cả các mặt hàng trong nhóm đều hồi phục trở lại.

Ngô có khả năng quay lại vùng đỉnh tháng 5 trong tuần này
Giá ngô đóng cửa tuần tăng 3.96%, lên mức 682.75 cent/giạ. Mức tăng này chủ yếu đến từ những lo ngại về tác động tiêu cực của thời tiết lên nguồn cung ở 2 nước xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới là Mỹ và Brazil. Điều kiện hạn hán nghiêm trọng ở Brazil có thể tiếp tục làm giảm thêm quy mô vụ ngô safrinha - và các đợt xuất khẩu tiếp theo. Bên cạnh đó, dự báo thời tiết ở Mỹ cho thấy các vùng sản xuất ngũ cốc chính cũng sẽ chịu khô nóng trong nửa đầu tháng 6. Nếu những ảnh hưởng của thời tiết lên ngô vụ 2 ở Brazil là tiêu điểm gần đây và đã được thị trường tiếp nhận khi các hãng phân tích lớn trên thế giới đều hạ mức sản lượng dự báo, thì tác động của băng giá lẫn khô nóng lên ngô Mỹ dường như vẫn đang bị xem nhẹ.
Vào 23:00 thứ 5 tuần này, Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ phát hành báo cáo Cung – cầu nông sản thế giới tháng 6. Trong báo cáo này, thị trường cần chú ý đến 3 con số: năng suất của Mỹ, sản lượng của Brazil, và mức nhập khẩu của Trung Quốc. Đây sẽ là những thông tin cơ bản đại diện cho các yếu tố nội tại của ngô và có tác động lớn lên giá của mặt hàng ngũ cốc này.
Mở cửa sáng nay, ngô đã tạo một khoảng gapup khá lớn và đã chạm được mức kháng cự mạnh 700. Điều này cho thấy thị trường đang kỳ vọng vào những con số phía trước được công bố vào thứ 5. Tuy nhiên, khoảng gapup này cũng đi kèm với rủi ro vì đây có thể là khoảng trống giá tiếp diễn nếu giá tiếp tục theo xu hướng nhưng cũng có thể là khoảng trống giá kiệt sức – dấu hiệu đầu tiên cho sự kết thúc xu hướng. Chính vì thế, 2 phiên tới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định xu hướng và đưa ra hành động giá phù hợp của nhà đầu tư. Trước báo cáo cung cầu, giá sẽ rung lắc mạnh nhưng có khả năng sẽ vượt mốc 700.

Dien bien gia ngo ky han

Nhu cầu từ Trung Quốc sẽ hỗ trợ giá lúa mì
Lúa mì tuần vừa qua cũng tăng 3.65%, lên mức 687.75 cent/giạ. Bất chấp mùa vụ có khả năng bội thu trong niên vụ này, giá lúa mì có thể sẽ tăng do được hỗ trợ từ nhu cầu của Trung Quốc. Nếu như từ đầu năm 2021, khoảng cách giữa giá của ngô và lúa mì là khoảng 150 cent thì hiện tại giá 2 mặt hàng ngũ cốc này gần như tương đương nhau. Chính vì thế, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể xem xét thay thế ngô bằng lúa mì khi mà giá ngô hiện đang đắt hơn so với giá lúa mì nếu so sánh tương quan giữa 2 mặt hàng. Trung tâm Thông tin Ngũ cốc Quốc gia Trung Quốc cũng cho biết trong thứ 6 tuần trước, nước này có khả năng sẽ tăng tốc độ nhập khẩu lúa mì trong niên vụ 2021/22 do nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.
Diễn biến giá lúa mì sáng nay cũng tương tự như giá ngô khi bị chặn trên bởi mốc kháng cự 700. Các chỉ báo kĩ thuật vẫn chưa cho tín hiệu rõ ràng nhưng nhìn chung vẫn ủng hộ xu hướng tăng ngắn hạn. Trong một vài phiên tới, giá lúa mì cũng có khả năng sẽ tăng lên quanh mức 713.

Dầu đậu tương dẫn dắt xu hướng nhóm đậu tương
Giá đậu tương đóng cửa tuần trước tăng lên mức 1583.75 cent/giạ, cao hơn 3.48% so với tuần trước. Lo ngại về nguồn cung càng bị thắt chặt trước những căng thẳng hạn hán trong những ngày tới ở Mỹ là yếu tố chính hỗ trợ giá đậu tương. Trước đó, nông dân Iowa đã phải gieo trồng lại đậu tương và xem xét gieo trồng lại ngô khi không khí lạnh phá vỡ kỷ lục thời tiết, băng giá đã gây ra thiệt hại lớn cho mùa vụ đậu tương ở đây.

Bên cạnh đó, tốc độ bán hàng chậm của Brazil so với cùng kì năm ngoái do đồng Real mạnh lên cũng lý giải cho mức tăng của giá đậu tương.
Mở cửa sáng nay, giá đậu tương đã nhảy vọt qua mức kháng cự 1600 cho thấy đà tăng vẫn đang rất mạnh. Chỉ báo MACD Histogram cũng bắt đầu chuyển từ âm sang dương cho thấy giá đang ở xu hướng tăng. Trong phiên hôm nay, có khả năng đậu tương sẽ có rung lắc mạnh và đóng cửa quanh vùng 1615.

Dầu đậu tương là mặt hàng có mức tăng ấn tượng nhất trong tuần qua khi tăng rất mạnh 8.44%, lên mức 71.34 cent/pound do triển vọng trong nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sinh học tăng lên. Trong khi đó, diễn biến dịch Covid-19 đang trở nên phức tạp hơn ở Malaysia, cùng với sự thiếu hụt lao động đã gia tăng lo ngại về nguồn cung dầu cọ, kéo theo nguồn cung dầu đậu tương cũng trở thành mối quan tâm của thị trường. Dầu đậu tương tăng cao cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá đậu tương tăng lên.
Kim loại quý có thể gặp nhiều bất lợi khi các thị trường đầu tư mạo hiểm hồi phục
Thị trường kim loại quý trải qua một tuần đầy biến động các số liệu kinh tế. Kết thúc tuần, giá Bạc đóng cửa với mức giảm 0.42% so với tuần trước đó, về 27.896 USD/ounce, giá Bạch kim giảm 1.52% về 1164.4 USD.

Nhờ các thông tin tích cực của nền kinh tế Mỹ, chỉ số Dollar Index tăng 0.12% trong tuần qua lên 90.14. Thị trường kim loại quý tưởng chừng như rơi vào bất lợi khi nền kinh tế Mỹ hồi phục tích cực, và các nhà đầu tư lo lắng khi Fed sẽ cân nhắc các chính sách thắt chặt. Tuy nhiên, số liệu Bảng lương phi nông nghiệp công bố hôm 4/6 vừa qua không tăng như kì vọng, khiến cho các nhà đầu tư vẫn tin tưởng rằng Fed tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng trong các tháng còn lại của năm 2021. Thêm vào đó, tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm còn 5.9%, phản ánh sự tăng trưởng của thị trường lao động. Đây là yếu tố hỗ trợ rất tốt cho nhu cầu công nghiệp của Bạc và Bạch kim.
Tuần vừa qua, thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử cũng hồi phục nhẹ. Thị Thị trường chứng khoán Mỹ chỉ còn cách đỉnh lịch sử thiết lập vào tháng trước 0.2%. Nếu trong tuần tới, các thị trường đầu tư mạo hiểm vẫn tiếp tục duy trì đà tăng, giá của Bạc và Bạch kim sẽ chịu rất nhiều sức ép, do các nhà đầu tư ưu tiên đổ dòng vốn vào thị trường mang lại lợi nhuận cao trong ngắn hạn. Thêm vào đó, Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 5 sắp công bố trong tuần này được dự đoán giảm so với tháng trước cũng là một yếu tố gây áp lực đến giá của các mặt hàng kim loại quý. Theo báo cáo mới nhất của CFTC, các vị thế mua vào của các quỹ đầu tư đang có xu hướng giảm trong 4 tuần gần đây đối với thị trường kim loại quý, phản ánh lực mua đang yếu dần.

Sau một tuần thị trường biến động với các tin tức kinh tế Mỹ, trong tuần này, Fed khá “im hơi lặng tiếng”, thay vào đó là các quyết định về lãi suất của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) và Ngân Hàng Trung Ương Canada. Những quyết định này sẽ gây ảnh hưởng gián tiếp tới đồng USD và dòng vốn vào các thị trường đầu tư. Nếu lãi suất vẫn được duy trì ở mức thấp, thị trường kim loại quý sẽ gặp áp lực trong ngắn hạn do dòng tiền sẽ được đưa ra khỏi các kênh trú ẩn an toàn.
Từ góc nhìn kỹ thuật, phiên giao dịch cuối tuần qua đã đưa Bạc quay trở lại giao dịch trên mốc hỗ trợ cứng 27.5 USD và nằm trên xu thế tăng trong dài hạn. Tuy nhiên, trong tuần này, nếu sự dịch chuyển dòng vốn không quá mạnh, giá Bạc được dự đoán vẫn giao dịch trong biên độ 27.5 – 28 USD/ounce.

Đối với Bạch kim, kịch bản giao dịch của kim loại này không được tích cực như Bạc khi trong nhiều tuần, giá liên tiếp rơi khỏi các mốc hỗ trợ 1200 USD và 1170 USD. Hiện giá Bạch kim đang được hỗ trợ ở vùng 1150 USD. Nếu các tin tức tuần này tiêu cực đối với các mặt hàng kim loại quý, giá Bạch kim có thể rơi về vùng 1100 USD. Một kịch bản tích cực hơn với giá Bạch kim có thể đến từ lực bắt đáy của các nhà đầu tư đưa giá quay trở lại giao dịch trên mức 1700 USD. Nếu giá phá đường cản trendline, Bạch kim có thể tiến test lại mức cản 1200 USD/ounce.
Giá dầu có thể tiếp tục tăng nhờ các báo cáo quan trọng trong tuần 
Tuần vừa rồi, giá dầu thô liên tục phá vỡ các kháng cự và kết thúc tuần tăng mạnh gần 5% - tuần thứ 2 liên tiếp đóng cửa trong sắc xanh nhờ các nhận định tích cực về tăng trưởng nhu cầu năng lượng thế giới.
Việc OPEC+ giữ nguyên mức hạn ngạch dự kiến sau phiên họp hàng tháng vào ngày 01/06 đã đẩy giá dầu Brent vượt ngưỡng 70 USD/thùng. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng theo đúng kịch bản của FED và do đó nhiều khả năng các gói kích thích kinh tế sẽ tiếp tục diễn ra theo đúng kế hoạch. Đáng chú ý, nếu gói ngân sách trị giá 6,000 tỉ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất nếu được Quốc hội thông qua trong tháng 9, Dollar sẽ giảm giá và hỗ trợ cho thị trường hàng hóa nói chung.
Trong khi đó, nguồn cung nhiều khả năng sẽ được thắt chặt trong thời gian tới khi đàm phán hạt nhân giữa Iran và Mỹ chậm lại, trong khi các tập đoàn năng lượng tại Mỹ và châu Âu tăng chi đầu tư cho các nguồn nhiên liệu sạch thay vì gia tăng các giếng dầu: Thiết lập một giếng dầu mới có thể tốn từ 18-25 triệu USD, trong khi việc khởi động lại các giếng dầu cũ cũng hiếm khi xảy ra. Chi phí thi công có thể lên đến vài trăm nghìn USD 1 giếng, thời gian thi công có thể kéo dài 2 năm, và trong một số trường hợp, các giếng từng dừng hoạt động có thể sẽ không bao giờ đạt được mức sản lượng như trước.

Như vậy, có thể thấy thị trường dầu đang ở thời điểm hết sức thuận lợi để đạt mức giá cao hơn: Nhu cầu đang tăng lên trong khi nguồn cung được hạn chế. Ngoài ra, thị trường tuần này sẽ liên tục đón nhận các báo cáo quan trọng của các tổ chức lớn như Báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn của EIA, Báo cáo thị trường Dầu của IEA và Báo cáo thị trường dầu hàng tháng của OPEC. Trong tháng trước, các tổ chức này đều đã đưa ra nhận định tích cực về nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới, và với việc vắc-xin COVID được triển khai rộng, nhiều khả năng các báo cáo lần này cũng sẽ đưa ra các dữ liệu lạc quan.
Giá dầu WTI đang điều chỉnh giảm sau khi chạm mức 70 USD/thùng trong sáng nay. Các tín hiệu MACD và RSI hướng xuống gợi ý giá chưa thể vượt mức 70 USD/thùng ngay trong ngày hôm nay mà cần thêm thời gian tích lũy trong 1-2 phiên tới. Đặc biệt, Báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn sẽ phát hành vào 23h00 ngày mai sẽ có tác động mạnh đến giá dầu trong tuần.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)