2 phiên liên tiếp bị đẩy xuống bới mốc kháng cự 700, liệu giá lúa mì có vượt trở lại được không?
Kết thúc phiên giao dịch 02/06, giá ngô giảm mạnh 2% xuống mức 675.00 cent/giạ. Lúa mì cũng giảm xuống mức 687.50 cent/giạ, thấp hơn 0.87% so với phiên trước đó.
Chất lượng ngô Mỹ được đánh giá tốt hơn dự đoán của thị trường đã làm giảm bớt những lo ngại về điều kiện thời tiết khô hạn ở Trung Tây, Mỹ có thể gây cản trở giai đoạn nảy mầm của ngô khi mà gieo trồng ngô đã đạt 95% diện tích dự kiến. Đây là yếu tố mang tính “bearish” đối với giá. Ngoài ra, thời gian gần đây, giá ngô thường có những biến động rất lớn và khó lường khi thiếu đi các yếu tố cơ bản, nên việc đầu cơ chốt lời sau phiên chạm trần hôm trước đã làm gia tăng lực bán và khiến giá giảm mạnh.
Ở chiều ngược lại, bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) đã công bố số liệu Grain Crush cho tháng 4 vào ngày 01/06. Tiêu thụ ngô trong sản xuất ethanol là 410 triệu gia, cao hơn mức 245 triệu giạ cùng kì năm ngoái cho thấy triển vọng nhu cầu ngô cho ngành công nghiệp ethanol đang hồi phục và tăng lên. Thông tin này không phản ánh quá nhiều vào giá trong phiên hôm qua nhưng sẽ là yếu tố cho thấy tiềm năng của mặt hàng này và hỗ trợ giá trong dài hạn.
Trong những ngày tới, thị trường sẽ cần theo dõi các thông tin về cuộc biểu tình, chống chính sách cấm xuất khẩu thịt bò tại Argentina. Các hoạt động này có thể gây cản trở tới quá trình xuất khẩu ngũ cốc tại đây, và tác động lên giá ngô và lúa mì. Bên cạnh đó, thời tiết cũng sẽ tiếp tục là yếu tố ảnh hưởng đến chiều hướng thị trường khi đã thiếu vắng những con số khổng lồ từ hoạt động nhập khẩu ngô của Trung.
Mở cửa sáng nay, ngô được giao dịch ở mức 675.75 và bên mua đang chiếm ưu thế. Đứng ở góc nhìn kĩ thuật, giá giảm trong phiên hôm qua nhưng vẫn dao động trong dải trên của Bollinger Bands và đóng cửa duy trì ngay trên đường SMA 20 ngày cho thấy lực mua vẫn đang khá mạnh. Bên cạnh đó, các chỉ báo động lượng mặc dù không cho tín hiệu mua rõ ràng nhưng cũng ủng hộ xu hướng tăng giá. Chính vì thế, việc giá ngô chinh phục lại được mốc 700 có khả năng lớn sẽ xảy ra trong tuần sau. Tuy nhiên trước đó, giá ngô có thể trải qua một vài phiên tích luỹ quanh nền giá 675.

Dien bien gia ngo ky han

Đà giảm mạnh trong phiên của ngô cũng góp phần vào mức giảm hôm qua của lúa mì. Thời tiết thuận lợi hơn tại các vùng gieo trồng lúa mì ở Úc cũng là yếu tố “bearish” đối với giá.
Ở góc nhìn kĩ thuật, mức kháng cự 700 vẫn đang đóng vai trò là mốc chặn trên quan trọng với lúa mì khi đẩy giá xuống trong 2 phiên liên tiếp. Chính vì thế, có thể trong một vài phiên tới, lúa mì sẽ điều chỉnh về mức 680. Tuy nhiên, với xu hướng tăng hiện tại, mức kháng cự 700 này chỉ là yếu tố về tâm lí trong ngắn hạn. Khi giá đã tích luỹ đủ nền thì sẽ sớm phá vỡ và vượt lên mức 700.
 
Liệu có khủng hoảng nguồn cung kim loại quý trên toàn cầu?
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, hai mặt hàng kim loại quý tiếp tục diễn biến trái chiều. Sắc xanh đã quay trở lại với thị trường Bạc khi giá đóng cửa tăng 0.36% lên 28.2 USD/ounce. Ngược lại Bạch kim giảm 0.58% còn 1192.7 USD/ounce sau phiên tăng mạnh trước đó.
Trong bối cảnh vắng bóng các tin tức cơ bản ở thị trường Bạch kim, đà tăng gần đây của Bạc rất có thể được hậu thuẫn bởi sự lo lắng của thị trường trước việc thiếu hụt nguồn cung.
Cục đúc tiền kim loại Mỹ, nơi chịu trách nhiệm sản xuất các mặt hàng vàng bạc thỏi và các đồng bạc, đã gửi email cho các khách hàng để thông báo rằng sự thiếu hụt Bạc trên toàn cầu đã thúc đẩy nhu cầu đối với nhiều sản phẩm Bạc đạt mức cao kỷ lục. Đồng thời cơ quan này cũng khuyến cáo khách hàng nguồn cung bạc thấp hơn nhu cầu nên có thể nhiều khách hàng sẽ không mua được sản phẩm mà họ mong muốn. Email này sau đó đã lan truyền rộng rãi vào đầu tuần này, khiến cho các khách hàng và nhiều nhà đầu tư hiểu lầm rằng nguồn cung Bạc trên toàn cầu thiếu hụt nghiêm trọng. Tới hôm nay, Cục đúc tiền kim loại Mỹ đã phải đính chính lại rằng họ chỉ thiếu hụt các miếng Bạc đúc sẵn để sản xuất các đồng Bạc, và không có tình trạng thiếu hụt Bạc trên toàn cầu.
Tuy vậy, nhưng sự kiện này cũng góp phần chứng minh rằng nhu cầu tích trữ Bạc vật chất của các nhà đầu tư đã gia tăng chóng mặt, khi áp lực lạm phát ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, đợt “bán tháo" gần đây của thị trường tiền điện tử khiến cho rất nhiều nhà đầu tư mất niềm tin vào khả năng thay thế tiền mặt của các đồng tiền tử. Vì vậy, dòng vốn sẽ được ưu tiên đổ vào các thị trường trú ẩn an toàn.
Từ góc nhìn kỹ thuật, giá Bạc vẫn nằm trên xu hướng tăng và được hỗ trợ bởi đường trendline. Sau khi giá phá cản 28 USD/ounce vào phiên hôm qua, đây là mức hỗ trợ mới với Bạc, tuy nhiên lực mua vẫn nằm dưới đường trung bình, nên đây chưa được coi là mức hỗ trợ vững. Trong 2 tuần giao dịch vừa qua, đã 4 lần giá Bạc test lại mức cản 28.34 USD/ounce, nhưng vẫn chưa vượt được. Hôm nay, giá có thể test lại mức cản này, tuy nhiên nếu Bộ Lao động Mỹ công bố số đơn xin trợ cấp lần đầu tiếp tục giảm và thấp hơn so với dự đoán, đồng USD có thể tăng và gây sức ép lên đà tăng của kim loại quý.
Đối với Bạch kim, giá giảm trong phiên chịu ảnh hưởng từ lực chốt lời ở vùng kháng cự. Tuy nhiên, đã có tín hiệu kỹ thuật tích cực đối với thị trường Bạch kim, khi các phiên giao dịch gần đây, mô hình nến tạo các đáy thấp hơn (lower low). Hai đường MACD cũng đang có tín hiệu cắt nhau. Một kịch bản tích cực có thể diễn ra với Bạch kim trong các phiên sắp tới là giá sẽ tăng phá cản 1200 USD và đường trendline, các nhà đầu tư có thể cân nhắc lệnh khi có các tín hiệu kỹ thuật xác nhận sau: hai đường MACD cắt nhau vượt qua mức 0, chỉ số RSI tăng qua mức 50 để khẳng định xu thế tăng và khối lượng giao dịch vượt qua mức trung bình. Trong trường hợp thị trường tiếp tục đi ngang, các nhà đầu tư có thể vào mua ở vùng hỗ trợ 1170 USD và bán ở vùng kháng cự 1200 USD.
 
Giá dầu WTI có thể đạt 70 USD/thùng trong một vài phiên tới
Giá dầu có thể tiếp tục tạo các đỉnh mới sau khi đã phá được khoảng giao dịch 60-70 USD từ tháng 3 vừa rồi nhờ triển vọng tích cực của sự gia tăng nhu cầu nhiên liệu thế giới.
Nhu cầu sử dụng nhiên liệu được phản ánh rất rõ qua lượng lưu thông xe cộ. Theo số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải Anh, tổng lượng sử dụng phương tiện giao thông trong tuần cuối tháng 5 đã vượt mức trước đại dịch COVID-19 khoảng 1% khi người dân tận dụng kỳ nghỉ dài 3 ngày cho các chuyến du lịch. Việc nước Anh mở cửa trở lại trong ngày 17/5 khiến nhu cầu di chuyển bùng nổ.

Bên cạnh đó, tiến trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19 thuận lợi tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khiến nhóm này trở thành “đầu tầu” kéo hoạt động kinh tế, sản xuất của thế giới đi lên. Mới đây Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng hứa hẹn “mùa hè tự do” cho nước Mỹ thông qua mục tiêu 70% người trưởng thành Mỹ tiêm chủng vắc-xin trước Ngày Quốc khánh Mỹ 4/7.

Tồn kho liên tục giảm đang hỗ trợ tích cực cho giá dầu. Báo cáo thống kê độc lập của Viện Dầu khí Mỹ (API) sáng nay cho thấy tồn kho dầu thô giảm 5.36 triệu thùng, sâu hơn nhiều so với kỳ vọng giảm 2.4 triệu thùng. Dự kiến Báo cáo Dầu khí hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tối hôm nay cũng sẽ cho thấy tồn kho dầu giảm, hỗ trợ cho giá dầu. Trong bối cảnh nhu cầu tăng, nguồn cung thu hẹp, giá dầu đang ở thời điểm thuận lợi để tiến đến mức mới.
Về mặt kỹ thuật, các chỉ số MACD và RSI đang cho tín hiệu trái chiều khi giá test lại mức 69.4 USD/thùng. Nếu báo cáo của EIA cho kết quả như kỳ vọng, khả năng cao giá dầu WTI sẽ tiệm cận 70 USD/thùng.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)