Thiếu thông tin mạnh trước báo cáo Cung – cầu, giá ngô vẫn chưa thể vượt vùng 700
Kết thúc phiên giao dịch ngày 09/06, ngô lại một lần nữa đi ngược với xu hướng giảm chung của nhóm nông sản. Giá ngô tăng trở lại 1.58%, lên mức 690.75 cent/giạ vượt lên mức giảm mạnh vào đầu phiên sáng. Ngược lại, giá lúa mì giảm 0.4%, xuống mức 682.25 cent/giạ. Đây cũng là phiên đánh dấu mốc giá ngô đã vượt lên trên giá lúa mì, trong khi khoảng cách giữa 2 mặt hàng này là 150 cents vào đầu năm 2021. Điều này cho thấy mức tăng mạnh mẽ của giá ngô trong thời gian qua.
Dữ liệu chính được Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố cho thấy sản lượng ethanol tăng mạnh lên mức 1.06 nghìn thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 04/06 do tỷ suất lợi nhuận tốt tiếp tục thúc đẩy. Đây cũng là mức sản lượng cao nhất trong vòng 65 tuần vừa qua của Mỹ. Các khu sản xuất nhiên liệu sinh học chính Trung Tây đã đóng góp 1,02 nghìn thùng/ngày trong sản xuất, và đạt mức cao nhất lịch sử. Những con số kỷ lục trên là dấu hiệu cho thấy sự hồi phục và tăng trưởng trở lại của nghành công nghiệp này sau đợt cắt giảm và các nhà máy phải đóng cửa trong năm 2020. Thông tin này là yếu tố “bullish” hỗ trợ cho giá ngô trong phiên hôm qua. Bên cạnh đó, lực mua kĩ thuật ở vùng 670 cũng đóng góp vào đà tăng và giúp giá ngô bật tăng trở lại sau phiên sáng.
Vào 23:00 tối nay ngày 10/06, Bộ nông nghiệp Mỹ sẽ công bố báo cáo Cung- cầu nông sản thế giới. Những thay đổi trong báo cáo này so với tháng trước có thể sẽ tạo nên biến động lớn và khó lường đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh việc giảm bớt vị thế, thị trường cũng cần chú ý vào các số liệu quan trọng để có thể đưa ra quyết định đầu tư phù hợp. Về nhu cầu, nếu USDA tiếp tục điều chỉnh tăng mức xuất khẩu ngô cho niên vụ 2020/21 thì cũng sẽ không gây ra ngạc nhiên cho thị trường do các đơn hàng ngô lớn của Trung Quốc liên tục xuất hiện trong tháng 5 đã được phản ánh vào giá. Về nguồn cung, sản lượng của Mỹ niên vụ 2021/22 có thể là yếu tố tiềm ẩn gây ra bất ngờ khi mà thị trường hầu hết đều tập trung vào vụ ngô thứ 2 ở Brazil đang thiệt hại nặng nề do hạn hán.
Mở cửa sáng nay, giá ngô vẫn chỉ biến động nhẹ quanh mức 692. Trong vài phiên gần đây, giá vẫn dao động đi ngang trong biên 670-700 cho thấy đây cũng là 2 mốc hỗ trợ và kháng cự quan trọng. Nếu phiên biến động mạnh hôm nay phá vỡ khoảng tích luỹ này thì có thể sẽ xác nhận xu hướng trong vài tuần tới cho giá ngô. Nếu phá vỡ kháng cự 700, giá ngô có thể sẽ hướng tới vùng đỉnh 730 từ tháng 5.
Giá lúa mì giảm nhẹ trong phiên hôm qua do những trận mưa xuất hiện tại các vùng gieo trồng ở Canada, và dự báo có mưa ở vùng Đồng bằng phía Bắc nước Mỹ vào cuối tuần này, giúp cải thiện chất lượng cây trồng. Giới phân tích cũng kỳ vọng sản lượng lúa mì cho niên vụ 2021/22 của Mỹ sẽ tăng nhẹ so với báo cáo trước nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, việc giá ngô vượt lên giá lúa mì cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ dài hạn cho mặt hàng này do đây là 2 loại ngũ cốc có thể thay thế nhau trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ở góc độ kĩ thuật, mốc 675 vẫn đang là mức hỗ trợ mạnh cho giá lúa mì. Nếu trong phiên hôm nay giá đóng cửa nằm dưới mức hỗ trợ này thì sẽ xác nhận cho xu hướng giảm của lúa mì.
Kịch bản trái chiều giữa giá Cà phê hai sàn có thể tiếp diễn trong hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch 9/6, giá Cà phê hai sàn tiếp tục lao dốc. Giá Arabica có phiên giảm thứ 3 liên tiếp, giá giảm 0.32% về 157.2 cents/pound, giá Robusta cũng đóng cửa với mức giảm 0.88% còn 1582 USD/tấn.
Cuộc biểu tình ở Colombia đã kéo dài suốt hai tháng nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi những ảnh hưởng của nó lên nền kinh tế ngày một rõ rệt. Các cuộc phong toả đường phố đã làm gián đoạn các hoạt động thương mại, xuất khẩu Cà phê giảm 52% trong tháng 5. Liên đoàn Cà phê Colombia cho biết có ít nhất hai đối tác quốc tế đã ngừng sử dụng cà phê Colombia vì các lô hàng bị trì hoãn hoặc không đạt yêu cầu. Thêm vào đó, đồng Real của Brazil liên tục tăng giá gần đây cũng khiến nông dân trì hoãn bán hàng. Đây đều là các yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của giá Cà phê Arabica.
Từ góc nhìn kỹ thuật, giá Arabica biến động trong phiên hôm qua nhưng lực mua cuối phiên dần cân bằng lại với lực bán, nên giá đóng cửa chỉ giảm nhẹ so với đầu phiên. Đường trendline vẫn đang hỗ trợ khá tốt cho giá. Trong phiên hôm nay, dưới sự hỗ trợ của tin tức cơ bản, giá có thể tăng nhẹ và test lại mốc kháng cự 160 cents. Ngược lại, trong kịch bản tiêu cực hơn, khi lực bán mạnh tiếp tục diễn ra vào đầu phiên, giá Arabica có thể giảm về vùng 155 cents, tuy nhiên khả năng cao lực mua sẽ đẩy giá về đóng cửa ở trên đường trendline và cao hơn mức tham chiếu của phiên hôm qua.
Đối với Cà phê Robusta, phe mua tiếp tục thất bại đưa giá vượt qua mốc 1625 USD lần thứ 4 liên tiếp, và lực bán mạnh cũng làm giá giảm về dưới vùng 1600 USD. Các tin tức hỗ trợ giá Cà phê Robusta không còn quá mạnh hoặc có yếu tố bất ngờ đến giới đầu tư. Giá có thể tiếp tục giảm nhẹ trong phiên hôm nay.
Từ góc nhìn kỹ thuật, lực bán vẫn còn mạnh và nằm trên đường trung bình. Nếu phe bán tiếp tục duy trì được sức ép trong phiên hôm nay, giá Robusta có thể tiếp tục giảm và test lại đường hỗ trợ EMA 20, tương đương với khu vực 1545 – 1550 USD. Tuy nhiên, hành vi giá gần đây cho thấy, lực mua vào ở khu vực này có thể hỗ trợ giá tăng và đóng cửa trên mức 1570 USD. Biên độ dao động dự từ 1545 – 1600 USD.
Đâu là động lực thúc đẩy thị trường kim loại quý ngắn hạn?
Phiên giao dịch 9/6 kết thúc mà không có quá nhiều biến động đối với thị trường kim loại quý. Lực mua đưa giá Bạc quay trở lại mức 28 USD/ounce, bằng mức tăng 0.98%. Ngược lại, sắc đỏ vẫn tiếp tục duy trì ở thị trường Bạch kim khi giá đóng cửa giảm 0.92% về 1151.8 USD/ounce.
Đối với thị trường kim loại quý, hành vi giá tại các khu vực hỗ trợ và kháng cự rất quan trọng, nhất là trong những ngày có các tin tức kinh tế. Vùng 1900 USD/ounce đối với Vàng và 28 USD/ounce đối với Bạc là hai vùng giá chiến lược, khi phe mua liên tục thất bại trong việc đưa giá vượt cản trong những tuần gần đây, càng minh chứng cho việc thị trường đang rất thiếu động lực để giá bứt phá. Trong hôm nay, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu công bố quyết định lãi suất. Thị trường kì vọng cơ quan này sẽ không giảm tốc độ mua trái phiếu để duy trì sự ổn định cho nền kinh tế. Về phía Mỹ, số Đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu và Chỉ số giá tiêu dùng CPI là tin tức quan trọng của hôm nay. Có rất nhiều quan điểm xoay quanh các tin tức kinh tế, và việc thị trường sẽ đi theo hướng nào vẫn là điều không chắc chắn. Giới đầu tư vẫn đang theo dõi sát sao các tin tức cơ bản, và đây rất có thể là động lực của thị trường trong phiên hôm nay và các phiên sắp tới.
Giá Vàng thường có xu hướng đi cùng chiều với giá Bạc, thay vì cùng chiều với giá Bạch kim như trong phiên hôm qua. Tuy nhiên, góc nhìn kỹ thuật đang cho thấy động lực mua để phá cản ở vùng giá 28 USD của Bạc rõ ràng hơn rất nhiều so với các vùng cản của Vàng và Bạch kim. Đà giảm của Vàng rất có thể chỉ là sự giảm điều chỉnh để bứt phá quanh vùng 1900 USD. Trái lại đà giảm của Bạch kim đến từ sự ảm đạm của thị trường và việc kim loại này kém hấp dẫn hơn so với Vàng và Bạc, nên các nhà đầu tư có phần chùn bước trong các quyết định mua vào.
Hiện giá Bạc vẫn đang được giao dịch ổn định ở trên đường trendline và mức hỗ trợ 27.7 USD. Tuy nhiên lực mua ở các phiên gần đây đều không quá mạnh, nằm dưới đường trung bình, cho thấy giá khó có thể phá cản 28 USD trong hôm nay. Nếu các tin tức được công bố hôm nay tiêu cực với thị trường, thì một lực bán cũng đủ làm cho giá rớt về vùng 27.5 USD, thậm chí là 27 USD. Tuy nhiên, với triển vọng của thị trường kim loại quý, lực mua mạnh thường thấy ở vùng 27 USD có thể đưa giá đóng cửa trên mức 27.5 USD. Biên độ dao động dự tính 27.5 – 28 USD/ounce.
Xu thế giảm được hình thành ngày một rõ rệt ở thị trường Bạch kim. Chỉ số RSI cũng cho thấy rõ phe bán đang dần chiếm ưu thế. Trong phiên hôm nay, các tin tức cơ bản vẫn là yếu tố thúc đẩy thị trường Bạch kim, giá có thể giảm về dưới vùng hỗ trợ 1140 USD tuy nhiên, hành vi giá trước đây ở vùng này cho thấy, giá Bạch kim có thể vẫn đóng cửa trên mức 1140 USD trong hôm nay. Biên độ dao động dự kiến 1140 – 1160 USD/ounce
Tại sao tiêu thụ nhiên liệu tại Mỹ chưa tăng như kỳ vọng?
Dầu thô WTI đã đánh mất mốc 70 USD/thùng trong ngày hôm qua, sau khi Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho thấy tồn kho các sản phẩm tinh chế từ dầu tăng mạnh hơn dự đoán.
Nhu cầu sử dụng nhiên liệu sau kỳ nghỉ lễ Tưởng niệm cuối tháng 5 không tăng mạnh như các hãng sản xuất kỳ vọng, khiến cho tồn kho xăng tăng kỷ lục 7 triệu thùng và đẩy tổng lượng tồn kho lên 241 triệu thùng - mức cao nhất kể từ đầu tháng 2, khi nhiều bang nước Mỹ vẫn đang trong tình trạng phong tỏa. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng khi các nhà máy lọc dầu đã hoàn tất mua nhiên liệu đầu vào trong tháng 6.
Mặc dù có nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu, tuy nhiên sẽ có độ trễ nhất định giữa mong muốn và tiêu thụ thực tế do cần thời gian điều chỉnh tâm lý: theo khảo sát của Zeta Global, những người đã tiêm phòng COVID-19 thực chất lại tỏ ra ngần ngại trong việc du lịch nhiều hơn những người chưa tiêm vắc-xin. Nguyên nhân có thể là do họ là những người thuộc nhóm nguy hiểm cao hơn và quan tâm đến sức khỏe hơn. Vì vậy họ không sẵn sàng đến những địa điểm du lịch, giải trí không có quy định phòng chống dịch kỹ càng cho đến khi có số liệu chắc chắn rằng dịch đã được kiểm soát.
Nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của Mỹ vẫn đang tăng khá chậm, có thể do chưa có nhiều quốc gia khác đạt tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin đủ cao.
Ngược lại, số người từ các nước có độ tiểm chủng vắc-xin thấp di chuyển đến Mỹ gia tăng tương đối nhanh.
Ngoài ra, thị trường lao động Mỹ cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi, khiến cho lượng lớn nhân công không sẵn sàng trở lại văn phòng. Theo The Economist, nguyên nhân chính khiến cho 4 triệu người Mỹ chưa quay trở lại làm việc không phải là các tấm séc trợ giúp hàng tuần, mà là sự kết hợp giữa nỗi sợ COVID-19 và chuyển dịch cơ cấu việc làm: ngày càng có ít người mong muốn làm việc trong những ngành đòi hỏi tiếp xúc nhiều như chăm sóc sức khỏe, giải trí,… Các công việc có thể làm việc độc lập đang được yêu thích hơn, và do đó lượng giao thông di chuyển đến văn phòng cũng giảm.
Các chỉ số kỹ thuật đang có tín hiệu đi lên sau khi giá giảm sáng nay từ mức kháng cự 70 USD. Hỗ trợ tại vùng 69.5 USD đang đang khá mạnh, có thể ngăn giá giảm sâu trước khi OPEC phát hành Báo cáo thị trường dầu tháng 6 vào lúc 18h tối nay. Với việc Saudi Arabia vừa tăng giá bán chính thức các mặt hàng dầu thô tháng 7 đối với khách hàng châu Á và một loạt các tổ chức lớn như World Bank, OECD vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP thế giới, có thể kỳ vọng OPEC cũng sẽ tiếp tục đưa ra các nhận định tích cực về nhu cầu nhiên liệu thế giới. Điều này có thể giúp giá WTI phục hồi lại mức 70 USD/thùng.