Đà tăng của đậu sẽ khó duy trì do yếu tố bất lợi của mùa vụ năm nay gần như đã hấp thụ hết vào giá
Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, lực bán áp đảo bất ngờ trong phiên tối qua vẫn tiếp tục chiếm ưu thế, đẩy giá đậu tương giảm thêm khoảng 10 cents. Tuy nhiên, ảnh hưởng tích cực từ mức tăng chung của dầu thô và lúa mì đang giữ cho đậu tương duy trì diễn biến giằng co quanh mức tham chiếu.
Sau khi giảm mạnh dự báo sản lượng đậu tương Brazil trong báo cáo tháng 02, CONAB không có sự thay đổi nào quá lớn về con số này trong các số liệu mới nhất. Với mức sản lượng của Brazil năm nay được hầu hết các tổ chức đồng thuận về mức dao động trong khoảng 122 – 125 triệu tấn, giá đậu tương sẽ rất khó vượt lên được mức kháng cự tâm lý 1700 cents ở thời điểm hiện tại. Hơn thế nữa, chất lượng đậu tương của Argentina cũng được BAGE tăng từ 25% lên mức 30% tốt – tuyệt vời trong báo cáo rạng sáng nay, cũng góp phần hạn chế lực mua.
Về dài hạn, thị trường sẽ không còn quan tâm nhiều đến mùa vụ đậu tương của Nam Mỹ, khi phần lớn các vùng gieo trồng đã bước vào giai đoạn phát triển cuối cùng. Các yếu tố bất lợi của mùa vụ năm nay hầu hết đã hấp thụ hết vào giá, nên thời gian tới thị trường sẽ quan tâm nhiều hơn đến mùa vụ của Mỹ.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Lạm phát kéo dài khiến nhu cầu cà phê suy yếu, giá quay trở lại đà giảm
Tâm lý bán của giới đầu tư đã quay trở lại thị trường cà phê, trong đó hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 2.2% xuống còn 224.2 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn giảm 1.1% xuống còn 2093 USD/tấn.
Sau cuộc đàm phán thứ 3 giữa Nga và Ukraine, các chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ đều đóng cửa trong sắc đỏ do những lo ngại về lạm phát vẫn chưa thể được xoa dịu. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tiếp tục có xu hướng tập trung dòng tiền vào tài sản trú ẩn an toàn và ưu tiên các mặt hàng tiêu dùng có tính thiết yếu.
Đặc biệt tại châu Âu, khu vực tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, giá nhiên liệu và thực phẩm đang tăng chóng mặt khiến người dân phải cắt giảm chi tiêu không cần thiết trong đó có cà phê. Ngoài ra tại Nga và Ukraine, hàng loạt các quán cà phê phải ngừng hoạt động cũng khiến cho nhu cầu nhập khẩu sụt giảm nhanh chóng.
Tình hình này sẽ còn tiếp tục kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn nếu 2 nước tham gia xung đột không thể tìm được tiếng nói chung, từ đó khiến giá cà phê liên tục suy yếu. Mặt khác, việc giá các mặt hàng nhiên liệu tăng cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí vận chuyển cà phê từ các cảng biển đến các quốc gia tiêu thụ.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Dầu thô khả năng cao sẽ phục hồi khi căng thẳng Nga - Ukraine khó giảm bớt
Giá dầu giảm phiên thứ 2 liên tiếp trong tuần khi thị trường đánh giá lại tác động thực tế của xung đột Nga – Ukraine đối với thị trường năng lượng. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 2.47% xuống 106.02 USD/thùng, trong khi Brent giảm 1.63% xuống 109.33 USD/thùng.
Giá dầu thô thế giới chính thức vượt mốc 100 USD/thùng vào ngày 01/03 và liên tục duy trì ở vùng giá này, bất chấp các phiên điều chỉnh mạnh. Yếu tố chính thúc đẩy giá dầu thế giới hiện nay chính là căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine, tạo ra khả năng nguồn cung dầu gặp gián đoạn. Xuất khẩu các sản phẩm Nga xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng/ngày. Ngay cả trước thời điểm Mỹ thông báo cấm nhập khẩu dầu từ Nga, trên thị trường đã xẩy ra hiện tượng “tự cấm vận”, khi một số cảng tại Anh từ chối tiếp nhận các chuyến tàu chở dầu từ Nga, như một hành động phản đối chiến tranh. Khối lượng xuất khẩu trên 1 triệu thùng/ngày của Kazakhstan cũng đang khó tìm đầu ra, do bất cập trong việc phân biệt xuất xứ với dầu Nga. Hiện tại, các tập đoàn năng lượng lớn như Shell, BP và ExxonMobil cũng đã tuyên bố sẽ chấm dứt các hoạt động tại Nga.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV