Đậu tương có thể test lại vùng đỉnh gần nhất sau báo cáo nhưng sẽ khó vượt qua mốc này
Giá đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 5 lần đầu tiên vượt lên trên vùng kháng cự tâm lý 1700 sau giai đoạn đi ngang kéo dài kể từ đầu tháng 3. Triển vọng kém tiêu cực đối với mùa vụ tại Brazil tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ giá.
Tại Brazil, mùa vụ đậu tương năm nay sau khởi đầu thuận lợi cũng lại một lần nữa phải đối mặt với tình trạng thiếu độ ẩm kéo dài, đặc biệt là tại khu vực phía nam. Trong khi đó, tại Mato Grosso, bang sản xuất đậu tương số 1 của Brazil, thời tiết trong cả mùa vụ hầu như đều thuận lợi. Tuy nhiên, việc mưa tiếp tục kéo dài tại khu vực này nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động thu hoạch cũng như chất lượng của mùa vụ mới. Mặc dù vậy, với khoảng 90% cây trồng đã được thu hoạch, sẽ rất khó để các diễn biến thời tiết có ảnh hưởng đáng kể tới dự báo sản lượng của khu vực này. Trong thời gian tới nhà đầu tư sẽ cần tiếp tục lưu ý tới tình trạng cây trồng tại hai bang phía nam là Parana và Rio Grande do Sul, nơi tiến độ thu hoạch đạt lần lượt 50% và 3% tính tới hết tuần đầu tháng 3.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Thị trường cà phê có thể duy trì đà tăng nhờ tin tức hỗ trợ từ nguồn cung
Thị trường cà phê ngày 08/03 hồi phục mạnh mẽ với giá cà phê Arabica trên Sở ICE US đóng cửa tăng 3.8% lên mức 232.9 cents/pound, giá Robusta trên Sở ICE EU tăng 2.9% lên mức 2094 USD/tấn.
Mở cửa phiên sáng, giá cà phê Arabica tăng mạnh 16 cents với động lực hỗ trợ đến từ nguồn cung tại 2 nước xuất khẩu chính là Brazil và Colombia. Theo Trung tâm Dự báo khí hậu Mỹ, 77% khả năng hiện tượng thời tiết LaNina sẽ tiếp tục xuất hiện ở 2 nước này từ giai đoạn tháng 3 đến tháng 5 năm nay, từ đó gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng mùa vụ trong trung và dài hạn.
Theo thống kê trước đó, xuất khẩu cà phê của các quốc gia thuộc Tổ chức cà phê Quốc tế (ICO) từ tháng 10/2021 đến 01/2022 đã giảm 1.6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 41.8 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu Arabica trong vòng 1 năm tính đến tháng 01/2022 đạt 80.7 triệu bao, thấp hơn mức 81.2 triệu bao của cùng kỳ trước đó. Vậy nên, tác động của thời tiết đến mùa vụ cà phê trong giai đoạn sắp tới sẽ là yếu tố hỗ trợ đà hồi phục của giá.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Giá đồng nhiều khả năng quay trở lại khoảng giao dịch rộng do các thông tin tiêu cực từ Trung Quốc
Giá đồng giảm trong phiên hôm qua, khi không có nhiều yếu tố cơ bản để duy trì giá đồng ở đỉnh kỷ lục. Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng giảm 0.44% xuống 4.71 USD/pound.
Nếu như phiên đầu tuần, giá đồng đã thách thức mốc 5 USD/pound, một phần nhờ diễn biến nói chung của thị trường hàng hóa. Với cuộc chiến của Nga và Ukraine tiếp tục nóng lên, dòng tiền có xu hướng chuyển dịch về cả nhóm kim loại quý lẫn kim loại cơ bản, nhất là khi đồng cũng được xem là một mặt hàng có tính trú ẩn, đặc biệt trong môi trường lạm phát. Tuy vậy, điểm khác biệt đó chính là giá đồng phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, đất nước tiêu thụ hơn 50% lượng đồng toàn cầu. Do đó giá đồng sẽ phụ thuộc nhiều vào các thông tin từ Trung Quốc hơn là các diễn biến trên toàn cầu.
Chỉ số giá sản xuất PPI của Trung Quốc trong tháng 2 tăng 8.8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự đoán của thị trường. PPI được dùng thước làm thước đo lạm phát đầu vào, do đó số liệu này có thể xem là sức ép chi phí của các nhà sản xuất. Trong khi đó, chỉ số tiêu dùng CPI cùng kỳ, thể hiện lạm phát đầu ra, chỉ tăng 0.6%.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Các lệnh cấm vận nhập khẩu “mở đường” cho dầu WTI test lại mốc 130 USD/thùng
Giá dầu bật tăng mạnh mẽ trong phiên hôm qua do các thông tin về lệnh cấm vận của của các nước phương Tây đối với ngành dầu khí của Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô WTI tăng 3.6% lên 123.7 USD/thùng trong khi Brent tăng 3.87% lên 127.98 USD/thùng.
Như đã phân tích, việc cấm vận dầu của Nga sẽ đem đến các thay đổi trong chuỗi cung ứng dầu, đặc biệt tại Nga. Ngay cả trước khi có thông báo chính thức từ Nhà Trắng về lệnh cấm nhập khẩu dầu, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng EIA cũng đã cắt giảm dự báo về sản lượng dầu từ Nga khoảng 1 triệu thùng/ngày từ quý II/2022 cho đến hết 2023, so với báo cáo trong tháng 2. Con số thực tế nhiều khả năng còn lớn hơn, khi mà các nước châu Âu như Anh cũng sẽ dần cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga. Trong trường hợp tiêu cực nhất, Nga chỉ có thể xuất khẩu dầu sang Trung Quốc, giống trường hợp của Iran.
Trước mắt, các mặt hàng khác trong nhóm năng lượng cũng sẽ được hưởng lợi, như than, do có thể phần nào thay thế khí hoặc dầu trong một số lĩnh vực, ví dụ nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, khả năng thay thế cũng có hạn, do đó đà tăng của dầu và khí tự nhiên vẫn sẽ còn tiếp tục.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV