Giá ngô có khả năng sẽ hồi phục trong phiên hôm nay khi nguồn cung vẫn đang thiên về tác động “bullish"
Mở cửa phiên giao dịch ngày 08/03, giá ngô đã quay đầu suy yếu trước sức ép từ lực bán đối với lúa mì. Trong vài phiên vừa qua, ngô đã có dấu hiệu suy yếu khi đảo chiều, giảm mạnh vào cuối phiên và liên tục test lại mức kháng cự 780. Điều này cho thấy rằng giá đang dần phản ánh các yếu tố cung cầu thực tế của mặt hàng này sau chuỗi tăng mạnh do chiến sự ở Biển Đen.
Tuy nhiên, cho tới trước báo cáo Cung – cầu tháng 3, khi mà thị trường vẫn đang kì vọng USDA sẽ cắt giảm số liệu về nguồn cung ở Nam Mỹ thì giá sẽ có khó có thể đảo chiều và giảm sâu.
Với tiến độ thu hoạch đậu tương đang được đẩy nhanh ở hầu hết các khu vực bang Mato Grosso, ước tính diện tích ngô vụ 2 cũng được điều chỉnh tăng lên nhờ có điều kiện gieo trồng thuận lợi hơn.
Mưa lớn cũng được dự báo sẽ xuất hiện trong vòng 1 tháng tới giúp bổ sung độ ẩm cho cây trồng, vốn đã phải trải qua thời tiết bất lợi hơn vào mùa khô ở Brazil. Do ngô vụ 2 ở Brazil chiếm tới 70% sản lượng cả nước nên với điều kiện lý tưởng hiện tại, thị trường sẽ kì vọng triển vọng ngô vụ 1 bị thiệt hại trước đó do hạn hán có thể được bù đắp.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Lo ngại về lạm phát có thể cản trở tín hiệu hồi phục của thị trường cà phê
Thị trường cà phê ngày 07/03 ghi nhận diễn biễn giằng co trong phiên, trong đó hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa không đổi ở mức 224.2 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn giảm 0.15% xuống còn 2035 USD/tấn.
Đối với mặt hàng cà phê Arabica, lực mua trong phiên xuất phát từ những lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn. Cụ thể, tồn kho Arabica trên Sở ICE trong ngày hôm qua đã giảm xuống còn 992,285 bao, là mức thấp nhất trong vòng 22 năm ở trở lại đây.
Ngoài ra, hiện tượng thời tiết LaNina được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài sang quý 2 năm nay, từ đó tác động tiêu cực đến sản lượng cà phê của Brazil và Colombia, 2 quốc gia chiếm hơn 54% sản lượng cà phê toàn cầu.
Tuy nhiên, do giới đầu tư đang có xu hướng phân bổ dòng tiền vào thị trường nông sản, năng lượng và các tài sản có tính trú ẩn an toàn nên những thông tin trên chưa thể hỗ trợ giá Arabica duy trì được đà tăng trong phiên.
Ngoài ra, những lo ngại về lạm phát cũng đang là yếu tố tác động tiêu cực đến tâm lý của người tiêu dùng. Cụ thể, các chỉ số chứng khoán của Mỹ hôm qua đều đóng cửa giảm mạnh do người dân ưu tiên tập trung dòng tiền vào những mặt hàng mang tính thiết yếu hơn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Các yếu tố hỗ trợ không vững chắc có thể khiến cho giá đồng quay trở lại khu vực đi ngang
Sắc đỏ quay lại với thị trường đồng trong phiên giao dịch hôm qua, khi lực bán đẩy giá rớt khỏi vùng đỉnh cao nhất mọi thời đại, về mức đóng cửa 4.73 USD/pound.
Lực bán chốt lời là một trong những yếu tố chính khiến cho giá giảm trong phiên hôm qua. Thị trường đồng đã trải qua giai đoạn đi ngang khá ảm đạm trong suốt nửa năm, nên việc áp lực bán ở vùng đỉnh cao nhất mọi thời đại là khó tránh khỏi. Nhiều nhà đầu tư có thể sẽ thắc mắc việc thị trường đồng không tăng mạnh như nhiều loại hàng hóa khác (nông sản, dầu thô), bởi hiện giá đồng đang ở khu vực cao nhất mọi thời đại, nên các nhà đầu tư có phần thận trọng. Mặc dù nguồn cung trên toàn cầu hiện không quá tích cực nếu dựa trên những số liệu về tồn kho, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ cũng không tăng quá mạnh, bởi dù các ngành sản xuất, hay luyện kim cũng đều phải cắt giảm vì giá năng lượng leo thang.
Trong các yếu tố ảnh hưởng tới giá đồng, Trung Quốc thường được coi là chất xúc tác mạnh nhất, tuy nhiên, nền kinh tế thứ hai toàn cầu đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Các nhà chức trách vẫn đặt mục tiêu cao nhất là “ổn định nền kinh tế” đồng thời duy trì mục tiêu “Không Covid”.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Lệnh cấm vận của Mỹ có thể làm thay đổi mạnh trong chuỗi cung ứng dầu thế giới và đẩy giá dầu lên cao
Giá dầu biến động rất mạnh trong phiên đầu tuần và kết thúc với mức tăng 3.22% lên 119.4 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 4.32% lên 123.21 USD/thùng.
Mặc dù nhiều phân tích chỉ ra rằng số lượng dầu Mỹ nhập khẩu từ Nga không đáng kể và chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 8% trong nguồn cung của nước này, tuy nhiên ngay cả trường hợp nước Mỹ độc lập cấm vận thì hành động này cũng mang tính biểu tượng mạnh mẽ. Ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và nguy cơ chiến tranh hạt nhân gia tăng, dòng chảy dầu khí từ Nga chưa bao giờ bị tắt, đặc biệt khi nguy cơ giá xăng dầu tăng luôn là một vấn đề gây “nhức đầu” cho các Tổng thống Mỹ, do ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân và do đó có thể ảnh hưởng đến các phiếu bầu.
Tuy vậy, với các kết quả khảo sát về tỷ lệ ủng hộ gần đây, có thể thấy các phản ứng mạnh mẽ của nước Mỹ đối với hành vi phát động chiến tranh của Nga đang nhận được sự ủng hộ của người dân. Do đó có thể lần này nước Mỹ sẽ chấp nhận giá xăng dầu cao để ngăn chặn nguồn thu của Nga. Động thái này có thể sẽ lặp lại tại các nước châu Âu, mặc dù hiện tại phía Đức đang bày tỏ sự phản đối.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV