Không những gián đoạn xuất khẩu, hoạt động gieo trồng ngô ở Ukraine cũng đối diện với nhiều khó khăn
Mở cửa phiên giao dịch ngày 07/03, giá ngô đã tạo gapup và tiếp tục tăng mạnh hơn 3% hướng trở lại vùng đỉnh của tuần trước. Với vị thế quan trọng về nguồn cung của Ukraine do đây là quốc gia xuất khẩu ngô lớn thứ 4 trên thế giới, mâu thuẫn chính trị ngày càng leo thang càng là yếu tố thúc đẩy giá mạnh mẽ hơn.
Lo ngại về nguồn cung ở khu vực Biển Đen không chỉ xuất phát từ việc gián đoạn hoạt động xuất khẩu khi các cảng ở khu vực xảy ra giao tranh phải đóng lại mà còn về triển vọng mùa vụ sắp tới ở Ukraine. Trong vài tháng tiếp theo, nông dân nước này sẽ bắt đầu gieo trồng vụ ngô và nếu các tàu thương mại vẫn ngừng hoạt động sẽ khiến cho chuỗi cung ứng thuốc trừ sâu và hạt giống bị gián đoạn. Điều này sẽ giúp cho giá ngô vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh do các vấn đề về chuỗi cung ứng ngày càng gặp khó khăn.
Đối với Nam Mỹ, triển vọng mùa vụ ở 2 nước sản xuất chính là Argentina và Brazil vẫn đang tác động trái chiều lên giá. Một mặt, những thiệt hại rõ ràng đã diễn ra ở Argentina khi chất lượng cây trồng giảm sút nghiêm trọng. Rosario ước tính năng suất ngô có thể sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm, do tình trạng hạn hán kéo dài trong vài tháng qua.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Giá cà phê Arabica có thể test lại mức hỗ trợ tâm lý 220 trước tác động trái chiều của nguồn cung
Thị trường cà phê tiếp ghi nhận tuần thứ 3 liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó giá Arabica giảm 6% xuống mức 224.2 cents/pound, giá Robusta thấp hơn 6.4% ở mức 2038 USD/tấn.
Thị trường Arabica trong tuần vừa qua đã đón nhận những thông tin trái chiều nhau liên quan đến nguồn cung. Trong đó, tồn kho Arabica trên Sở ICE tăng nhẹ 1.3% lên hơn 1 triệu bao. Nhà sản xuất Arabica số 1 thế giới là Brazil cho biết, xuất khẩu cà phê trong tháng 2 đã đạt 208,511 tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nước này cũng đã thành công vận chuyển gần 1.4 triệu bao cà phê bằng phương thức giao hàng rời thay vì sử dụng container để tránh tình trạng tắc nghẽn toàn cầu trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, sản lượng cà phê của Colombia trong tháng 2 lại thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái với 928.000 bao. Đây đã là tháng thứ 5 liên tiếp sản lượng của quốc gia này thấp hơn 13% so với cùng kỳ của giai đoạn trước đó. Ngoài ra, giá cà phê Arabica trong tuần còn chịu áp lực bởi tâm lý bán tháo của các quỹ đầu tư.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hà Linh
 
Giá đồng nhiều khả năng sẽ giằng co xung quanh mức 5 USD/pound trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ tin lạm phát
Thị trường đồng lập đỉnh mới trong tuần vừa qua với mức tăng 10% đưa giá lên 4.94 USD. Giá đồng nhận được rất nhiều tin tức hỗ trợ từ những yếu tố cơ bản, lẫn yếu tố về kinh tế vĩ mô và liên thị trường. Sức mua áp đảo giúp giá tăng 4/5 phiên giao dịch.
Trong tuần này, các nhà đầu tư vẫn theo dõi sát sao các số liệu về tồn kho cũng như tình hình lạm phát ở hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Mức tồn kho trên cả hai Sở LME và Sở COMEX hiện đều giảm xuống dưới 70,000 tấn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, dự trữ đồng trên Sở Thượng Hải đang có xu hướng đi ngang ở mức 73,000 tấn.
Ngoài việc tồn kho thấp và sản lượng đồng của Chile giảm 15% trong tháng 2, thị trường đồng không có các tin tức về nguồn cung liên tiếp và được cập nhật thường xuyên như các thị trường nông sản hay năng lượng, nên biến động giá còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.
Việc giá năng lượng tăng khiến cho các hoạt động xây dựng sẽ phải giảm bớt để tiết kiệm điện. Đồng thời, căng thẳng giữa Nga và Ukraine còn khiến cho tình hình chuỗi cung ứng trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn, bởi các công ty vận tải sẽ phải điều chỉnh lại tuyến đường cũng như lịch trình vận chuyển.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Với đà tăng mạnh hiện tại, giá dầu có thể sẽ test đỉnh kỷ lục trong năm 2008
Thị trường dầu thô chứng kiến mức tăng kỷ lục trong tuần vừa rồi, với WTI tăng mạnh 26.3% lên 115.68 USD/thùng trong khi Brent tăng 25.49% lên 118.11 USD/thùng. Cùng với sự gia tăng căng thẳng giữa Nga và Ukraine, thị trường đối mặt với khả năng gián đoạn nguồn cung từ Nga.
Ngay cả trước khi có thông báo từ Nhà Trắng và EU là đang cân nhắc cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga, trên thị trường đã xẩy ra hiện tượng “tự cấm vận”, tức là các nước và cảng tiếp nhận tự từ chối tiếp nhận các sản phẩm dầu của Nga. Lúc này thị trường đã định giá sẽ thiếu hụt tầm 3 triệu thùng dầu/ngày.
Tuy nhiên đến khi EU và Mỹ họp bàn với nhau về chi tiết cụ thể kế hoạch cấm vận, giá tiếp tục tăng và WTI test cả mốc 130 USD/thùng. Xuất khẩu dầu thô của Nga rơi vào khoảng 4-5 triệu thùng dầu/ngày, chiếm khoảng 4-5% tổng cung toàn cầu, và với việc đã gần 18 tháng thị trường liên tục rơi vào tình trạng mất cân bằng, kết hợp với thực tế là gần như không có nguồn cung nào có thể thay thế, một số phân tích chỉ ra rằng giá chỉ có thể chấm dứt đà giảm khi nhu cầu điều chỉnh.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV