Xuất khẩu đậu tương được đẩy mạnh cũng sẽ khó hạn chế được đà tăng của đậu tương trong phiên tối
Mở cửa phiên giao dịch ngày 03/03, toàn bộ nhóm đậu tương đang tăng mạnh trở lại sau phiên suy yếu hôm qua. Giá đậu tương hiện đã lấy lại được hoàn toàn mức giảm trước đó.
Trong bối cảnh giá ngô và lúa mì vẫn đang duy trì đà tăng không nghỉ do xung đột Nga và Ukraine, giá đậu tương cũng sẽ được hỗ trợ nhờ lực mua chung đối với nhóm nông sản mặc dù nguồn cung không bị ảnh hưởng trực tiếp từ các thông tin xoay quanh sự kiện này.
Và cũng chính vì không ảnh hưởng tới cung cầu nên các nhà đầu tư nên chú ý hơn vào các yếu tố cơ bản của mặt hàng này bởi giá sẽ dễ dàng có những biến động rung lắc mạnh khi đà tăng không vững.
Hiệp hội xuất khẩu ngũ cốc Brazil (ANEC) vừa đưa dự báo xuất khẩu đậu tương tháng 03 của Brazil đạt mức 11.77 triệu tấn, tăng mạnh so với mức 9.9 triệu tấn trong tháng trước và cao hơn so với mức 10 triệu tấn trong cùng kì năm ngoái. Thông tin này khiến cho đà tăng của đậu tương đang bị chặn lại trong phiên sáng và yếu hơn so với các mặt hàng nông sản khác.
Khánh Linh
Nhập khẩu cà phê của Nga bị thắt chặt khiến giá Arabica suy yếu, giá Robusta ghi nhận chuỗi giảm 6 phiên liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch ngày 02/03, thị trường cà phê bao trùm trong sắc đỏ, trong đó giá Arabica đóng cửa giảm 2.8% xuống còn 229.2 cents/pound, giá cà phê Robusta đóng cửa thấp hơn 2.6% và đạt mức 2030 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa 2 Sở đang ở mức 60% chiết khấu cho giá Robusta.
Thị trường Arabica diễn biến giằng co trong phiên giao dịch tối qua, tuy nhiên lực bán chiếm ưu thế đã khiến cho giá đóng cửa giảm mạnh. Dòng tiền của giới đầu tư hiện vẫn đang tập trung ở nhóm năng lượng và khối tài sản có tính trú ẩn an toàn, từ đó khiến giá cà phê giảm mạnh bất chấp thông tin cơ bản hỗ trợ về nguồn cung.
Do Nga là nước cung cấp phân bón chính của Brazil, nên căng thẳng xung đột giữa Nga và Ukraine hiện nay có thể sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến giá mặt hàng này trở nên đắt đỏ. Kết hợp với những điều kiện khó khăn về mặt thời tiết Brazil đã phải trải qua trong thời gian qua, thông tin này có thể hỗ trợ kìm hãm đà giảm của giá trong vài phiên tới. Ngoài ra, các thương nhân ở Brazil cho biết họ đã đưa Nga vào danh sách những quốc gia nhập khẩu rủi ro và yêu cầu nước này phải thực hiện thanh toán trước khi giao hàng.
Hà Linh
Nguồn cung bị thắt chặt vì chuỗi cung ứng toàn cầu tắc nghẽn sẽ đẩy giá đồng test lại mức đỉnh cao nhất mọi thời đại
Giá đồng tăng 2.2% lên 4.66 USD/tấn, và cũng là mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 10/2021. Nguồn cung bị thắt chặt tiếp tục là một lực đẩy vững chắc đối với thị trường đồng. Số liệu mới nhất cho thấy tồn kho trên Sở Thượng Hải hiện là 72,075 tấn, tồn kho trên Sở LME nhích nhẹ lên 73,201 tấn, còn tồn kho trên Sở COMEX giảm về 70,121 tấn. Mức dự trữ ở cả ba Sở lớn giới chỉ hơn 210,000 tấn, tương đương với mức tiêu thụ của cả thế giới trong vỏn vẹn 3 ngày. Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình diễn ra ở Peru cũng là một yếu tố khác làm giảm sản lượng đồng của thế giới trong năm nay.
Những rủi ro về địa chính trị giữa Nga và Ukraine đang dần làm trầm trọng thêm những lo ngại về nguồn cung, trong bối cảnh ba công ty vận tải lớn nhất thế giới cắt đứt mọi chuyến hàng đến và đi từ Nga.
Nga và Ukraine nằm dọc theo tuyến đường thương mại lâu đời nhất trên thế giới và không phận giữa cả hai nước hiện bị hạn chế. Đồng thời, các tàu container không thể vào các cảng của Ukraine và nhiều tàu đang cố gắng tránh các cảng của Nga. Các công ty vận tải cũng cần thời gian để điều chỉnh lại tuyến đường vận chuyển trong bối cảnh, các biện pháp trừng phạt với Nga đi vào hiệu lực.
Tiên Phạm
Thiếu vắng lực cản, giá dầu khả năng cao sẽ tiếp tục tăng trong phiên hôm nay
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên hôm qua khi xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine tiếp tục mà không có dấu hiệu hạ nhiệt. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 6.95% lên 110.60 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 7.58% lên 112.93 USD/thùng.
Sau phát biểu ngày hôm qua, có thể thấy Chủ tịch FED đang gợi ý rằng mức tăng lãi suất trong tháng 3 sẽ chỉ là 0.25%, tương tự so với phần lớn kỳ vọng của thị trường. Thực chất, việc ứng viên cho chức vụ phó Chủ tịch FED Lael Brainard trong tháng 2 đã lên tiếng cho rằng việc tăng lãi suất nên được thực hiện bằng các đợt “ổn định” gợi ý rằng đa số thành viên chủ chốt của FED vẫn theo đường lối “dovish” và thường tránh các quyết định có thể gây bất ổn lên thị trường. Vì vậy, có thể thấy ít nhất là trong tháng 3, thị trường tài chính vẫn sẽ không chịu nhiều áp lực và rủi ro về mặt chính sách mà vẫn hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp. Do đó, thị trường dầu đã “loại bỏ” được 1 rủi ro làm giảm giá. Điều này dù không thể thúc đẩy giá tăng khi giá dầu đã vượt qua vùng 100 USD/thùng, tuy nhiên cũng giảm khả năng xẩy ra điều chỉnh do áp lực từ thị trường tài chính chung trong tháng 3.
Hồng Hoa